Cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng tín dụng

(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng định hướng trong công tác điều hành chính sách tín dụng và tiền tệ của cơ quan quản lý cần hướng tới việc hạn chế rủi ro lạm phát, qua đó ổn định vĩ mô và đảm bảo sự phát triển lâu dài cho nền kinh tế.

Nhiều ngân hàng từng không thể giải ngân vốn cho vay do đã cạn “room” tín dụng. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Việc sớm hàng chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp khiến nhiều ngân hàng không thể ngân cho vay với người dân và doanh nghiệp.

Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc thường trực VPBank, cho biết “room” tín dụng không chỉ là vấn đề với riêng VPBank mà là “cơn đau đầu” với nhiều ngân hàng.

“VPBank cũng như các ngân hàng khác đã dùng hết room mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp và trong 6 tháng đầu năm, tín dụng của VPBank cũng dành hầu hết cho hai phân khúc chiến lược của ngân hàng là khối khách hàng cá nhân và SMEs”, bà Thảo nói tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra cuối tháng 7-2022.

Cũng theo bà Thảo, nếu không có “room” tín dụng việc giải ngân cho vay với các doanh nghiệp sẽ là bài toán nan giải.

Tương tự, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2022 từng khiến đại diện Vietcombank, BIDV, VietinBank và MB lo ngại cạn “room” tín dụng, không thể giải ngân cho vay và đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng có đủ điều kiện thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Tới hội nghị giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp vào đầu tháng 8, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp ngành thuỷ sản là nhiều ngân hàng thông báo không cho vay khoản vay mới, khiến doanh nghiệp không có thêm tài chính cho kế hoạch thu mua nguyên liệu sản xuất.

Việc này diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà băng đang cạn “room” tín dụng. Còn chi phí sản xuất của doanh nghiệp thủy sản đã tăng nhiều lần so với trước đây.

Cụ thể, thức ăn chăn nuôi tăng trên 20%, chi phí vận tải quốc tế ở mức khoảng 400 triệu đồng với mỗi container từ Việt Nam tới bờ Tây nước Mỹ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), cho rằng việc các ngân hàng cạn “room” tín dụng khiến vốn cho vay với doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế, thậm chí phải chịu mức lãi suất cao.

Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital, cũng cảm nhận được tâm lý miễn cưỡng, không muốn cho vay ở thị trường trong nước từ giờ cho đến cuối năm khi tiếp xúc với những ngân hàng đối tác tại Việt Nam.

“Trong 2 tháng tới hoặc hơn thế nữa, ai cũng cảm nhận được ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng và tiền tệ. Nhưng đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tại hầu hết những nền kinh tế đứng đầu trên thế giới đã và đang tăng lãi suất khiến tất cả mọi người đều ở trong tình thế khó”, ông Michael Piro nói tại một diễn đàn diễn ra giữa tháng 8.

Trong bối cảnh trên, NHNN đã đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng và gửi tới các đơn vị này thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng mới của cả năm vào sáng 7-9. Theo đó, cơ quan quản lý cấp thêm 1-4% “room” tín dụng so với mức cũ, tuỳ từng ngân hàng,

Vietcombank được cấp thêm 2,7%, qua đó nâng hạn mức tín dụng cả năm lên 17,7%. Agribank được cấp thêm room 3,5%, VPBank được cấp thêm 0,7%, SHB và MB được cấp thêm 3,2%, Sacombank được cấp thêm 4%.

Với mức nới này, dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm rất hạn chế do NHNN vẫn kiên định với mục tiêu trần tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 của hệ thống quanh mức 14%. Ngoài ra, các ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng mạnhvới mức tăng 9,91% luỹ kế từ đầu năm 2022 tới hết tháng 8-2022, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN, cho biết mức tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14% được tính toán tương đối đầy đủ và đặt trong mục tiêu tổng thể gồm duy trì tỉ lệ lạm phát dưới 4% và chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%.

“Với hạn mức tín dụng, một trong những yêu cầu cao nhất đặt ra là tránh lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội mà còn là Nghị quyết của Trung ương vì ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng để tiếp tục ổn định kinh tế – xã hội của đất nước, tiếp tục đổi mới phát triển”, ông Tú nói tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều 6-9.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, lưu ý NHNN cần chú ý tới vấn đề lạm phát trong bối cảnh cung tiền từ nhiều kênh sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra là vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi tăng trưởng tiền gửi dưới 5% mà tín dụng tăng hơn 9% trong nửa đầu năm.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cao hơn 2 lần so với tốc độ huy động vốn là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho lãi suất.

“Nguồn vốn trong dân chỉ có mức nhất định, tăng trưởng huy động vốn năm nay không tăng mấy so với năm trước trong khi tín dụng tăng quá mạnh thì các ngân hàng sẽ giành giật vốn lẫn nhau, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất”, ông Ấn nói.

Theo ông Ấn, tăng trưởng đột biến về tín dụng có thể dẫn tới cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, từ đó tăng lãi suất cho vay và gây áp lựuc lạm phát.

“Lãi suất đầu vào lên cao sẽ tạo áp lực lên lãi suất đầu ra, từ đó tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, gián tiếp tạo áp lực lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0”, ông Ấn phân tích.

Ông John Andre, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đánh giá các cơ quan quản lý của Việt Nam đang làm tốt việc điều hành chính sách tín dụng và tiền tệ trong bối cảnh thế giới có nhiều rủi ro bất định như chi phí hàng hoá cơ bản tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, bệnh đậu mùa khỉ, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.

Theo đó, động thái kiểm soát chặt tín dụng và lãi suất của NHNN sẽ buộc các ngân hàng thương mại phải lựa chọn đối tượng cho vay kỹ hơn. Đồng thời, ưu tiên các khoản vay có tính an toàn cao hơn.

“Điều này sẽ nâng cao chất lượng tín dụng, làm nền tảng để kinh tế phát triển”, ông John Andre nói.

Về phía NHNN, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết áp lực lạm phát những tháng gần đây tăng không nhiều nhờ giá nhiên liệu hạ nhiệt. Nhưng chính sách tiền tệ, điều hành lãi suất vẫn cần tính toán, theo dõi chặt chẽ để chống lạm phát.

“Việc vừa kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, đảm bảo khôi phục nhanh sau đại dịch đặt ra bài toán Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả”, ông Tú nói.

Theo đó, với ngân hàng thương mại, thời gian qua có biến động tăng nhẹ lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất cho vay bình quân chỉ còn 7,9-9,5%; huy động bình quân là 6,3-6,8%. “Các mức lãi suất này khá hợp lý”, ông Tú bình luận.

Về tín dụng, các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh và hệ số an toàn mới được giao thêm chỉ tiêu.