Cạn ‘room’ tín dụng nhưng ngân hàng đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà

(KTSG Online) – Các ngân hàng phải xoay sở tái cấu trúc danh mục cho vay trong bối cảnh hạn mức tín dụng chưa được nới lỏng thêm, còn cơ quan quản lý cũng phát tín hiệu cảnh báo tín dụng bất động sản tăng quá cao trong nửa đầu năm.

Techcombank, ngân hàng có danh mục đầu tư trái phiếu lớn đã phải giảm mạnh dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và đẩy cho vay cá nhân mua nhà trong quí vừa qua.

Cạn “room” vì tín dụng bất động sản tăng nhanh

Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin cho biết các doanh nghiệp muốn vay vốn, người mua nhà muốn vay ngân hàng nhưng vẫn phải “xếp hàng” chờ duyệt hồ sơ, các nhân viên nhà băng cho biết ngân hàng ở trong tình trạng “cạn” hạn mức tín dụng.

Trong văn bản phản hồi về việc một số ngân hàng thương mại hạn chế cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giải thích là vì tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm, trong đó bất động sản được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “ùn tắc” dòng chảy tín dụng.

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 6-2022, tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỉ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 8,2%, chiếm 19,9%).

Số liệu cập nhật kết quả báo cáo kinh doanh quí 2 ở các ngân hàng cũng cho thấy, động lực lớn trong tăng trưởng tín dụng từ nửa đầu năm nay tiếp tục là lĩnh vực bất động sản, phần lớn trong đó là cá nhân vay mua nhà.

Chẳng hạn như dư nợ Ngân hàng VIB tăng 9,7% so với đầu năm, trong đó cho vay mua nhà vẫn là động lực tăng trưởng chính (dư nợ tăng 18% so với đầu năm và 10% so với quí trước). Với TPBank, tăng trưởng tín dụng quí 2 giảm tốc so với quí 1, nhưng dư nợ cho vay tăng 7% trong cùng kỳ, trong đó cho vay mua nhà tăng 4% so với quí trước và 12% so với cùng kỳ.

Việc đẩy mạnh cho vay từ đầu năm 2022 trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch được các nhà băng lý giải là nguyên nhân khiến “room” tín dụng nhanh chóng bị lấp đầy từ cuối quí 1, đầu quí 2. Từ tháng 4 đến nay, trong nhiều buổi hội nghị khác nhau, lãnh đạo một số ngân hàng liên tục đề xuất tăng tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Do đó, nhiều ngân hàng phải hạn chế giải ngân trong quí 2 vì hạn mức tăng trưởng chưa được nới lỏng thêm.

Bên cạnh đó, theo lý giải của NHNN, hiện tượng từ chối cho vay đối với các ngân hàng không hẳn là do hết “room”, mà còn phải do đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động.

Thống kê của các công ty chứng khoán cập nhật sơ bộ kết quả kinh doanh quí 2, cho thấy tỷ lệ cho vay trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng đang chịu áp lực, khi vốn huy động hiện đang tăng chậm hơn nhiều so với vốn giải ngân. Mặt khác, một số ngân hàng tập trung nhiều vào danh mục cho vay trung và dài hạn thì cũng đối mặt với tình trạng thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh dẫn đến nhanh hết dư địa tăng trưởng tín dụng, NHNN lý giải.

Xoay sở tái cấu trúc danh mục cho vay

Trên thực tế, danh mục cho vay mục tiêu và chiến lược kinh doanh cũng khác nhau nên mỗi ngân hàng sẽ có một hướng đi khác biệt. Chia sẻ trước đó, một tổng giám đốc ngân hàng TMCP có trụ sở tại TPHCM, cho hay ngân hàng ông hiện tại chưa có nhu cầu mở rộng quy mô danh mục dù hạn mức tăng trưởng chỉ hơn hai chữ số một chút.

Lý do vì đa phần là khoản vay đáo hạn nhanh, dòng tiền sớm trở lại và từ đó có thể cho vay tiếp tục. Ngược lại, nhóm ngân hàng tập trung nhiều vào hoạt động cho vay dài hạn như trái phiếu hay bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Điều này có thể thấy rõ qua trường hợp của Techcombank, ngân hàng từng đưa ra văn bản xem xét lại việc cho vay bất động sản trong tháng 4. Để ứng phó, trong quí 2 vừa qua, Techcombank đã phải giảm dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, để có “room” đẩy mạnh cho vay cá nhân, trong đó chủ yếu là cho vay mua nhà.

Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp của Techcombank, chia sẻ tại buổi họp nhà đầu tư gần đây, cho biết ngân hàng đã tái phân bổ tín dụng bằng cách giảm phần trái phiếu tín dụng doanh nghiệp lớn để chuyển thành vay mua nhà cá nhân.

Theo đó, dư nợ trái phiếu giảm từ 77.000 tỉ đồng xuống còn 49.000 tỉ đồng trong quí 2, tương ứng giảm 36% so với quí. Trong khi đó, dư nợ vay mua nhà tăng 66% so với cùng kỳ và 25% so với quí 1, trong đó có 74% vay mua nhà là vay mua nhà sơ cấp. Tỷ lệ vay mua nhà trong danh mục sản phẩm cho vay cá nhân tăng từ 78% lên mức 82%.

Ở trường hợp TPBank, tăng trưởng tín dụng trong quí 2 lại giảm 1,7% so với quí trước, một phần do ngân hàng giảm dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (16% so với quí trước) và đẩy mạnh đầu tư trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác (tăng 11%). Theo Công ty chứng khoán SSI đánh giá, động thái giảm dư nợ này chủ yếu để dành ”room” cho việc mở rộng tăng trưởng trong quí 3 này.

Một trường hợp khác là Vietinbank, ngân hàng đã gần cạn hạn mức tăng trưởng được cấp hồi tháng 3, cũng hướng nhiều hơn vào các khoản vay cá nhân. Tính đến cuối quí 2, danh mục cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt tăng 7,7% và 3,1% so với quí trước. Ngược lại, cho vay doanh nghiệp FDI, tập đoàn tổng công ty lớn và trái phiếu doanh nghiệp giảm lần lượt 4,5%, 5,0% và 16%.

Với các ngân hàng, việc tái cấu trúc danh mục cho vay là nhằm vượt qua khó khăn khi tăng trưởng tín dụng bị giới hạn, nhưng cũng là cơ hội kinh doanh khi nhiều ngân hàng đánh giá nhu cầu thị trường là có thực.

Theo đại diện của Techcombank, lãi suất cho vay mua nhà của khách hàng cá nhân thấp hơn doanh nghiệp lớn nhưng bù lại rủi ro thấp hơn nhiều. Do đó khi chuyển danh mục tín dụng thì vẫn có thể giúp tăng đáng kể tỷ lệ sinh lời trên tài sản có rủi ro và tăng tỷ lệ an toàn vốn.

Cho đến nay, hạn mức room tín dụng vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với các ngân hàng, nhưng cơ quan quản lý gần đây liên tục khẳng định giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm. Dĩ nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ khác nhau ở từng ngân hàng, nhưng NHNN khẳng định một số ngân hàng bị xếp hạng thấp sẽ không được cấp tăng trưởng tín dụng cao.