Cần thay đổi tư duy về sự thay đổi

(KTSG) – Ai cũng từng một thời muốn thay đổi một cái gì đó tích cực, tuy nhiên phần lớn đều cảm giác thất vọng và dần thu mình lại. Năm tháng trôi qua và sự thay đổi vẫn cứ diễn ra và không phụ thuộc vào cảm xúc của mỗi người và đến một lúc nào đó chúng ta chợt nhận ra rằng để thật sự muốn thay đổi một điều gì đó thì phải thay đổi tư duy của mình về sự thay đổi trước.

Nếu nhìn rộng ra, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điều thay đổi tích cực đã diễn ra xung quanh trong 10-20 năm qua. Điều đó cho thấy vẫn luôn có những sự thay đổi tích cực trong lòng xã hội, chỉ có điều đôi khi chúng ta không cảm nhận được vì quá tập trung vào cảm nhận của bản thân hơn là nhận ra các quy luật tất yếu mà sự thay đổi đang diễn ra để có thể cùng hòa mình vào đó.

Sự thay đổi không diễn ra nhanh mà có thể rất chậm

Sự thay đổi và phát triển là quy luật tất yếu trong lịch sử phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, quá trình thay đổi không diễn ra theo đường thẳng tuyến tính mà tùy thuộc vào mỗi giai đoạn; có những giai đoạn sự thay đổi diễn ra rất chậm và cũng có những lúc mọi thứ diễn ra rất nhanh và rất gấp.

Biểu đồ thể hiện sự phát triển của nhân loại thông qua mức GDP toàn cầu trong hai thiên niên kỷ qua. Trong phần lớn thời gian trước năm 1500, GDP toàn cầu chỉ gần như đi ngang với quy mô luôn dưới 200 tỉ đô la Mỹ (giá trị được quy theo giá trị đô la Mỹ năm 2011).

GDP chỉ tăng nhanh bắt đầu sau năm 1500. Chỉ trong vòng 100 năm từ năm 1500-1600, GDP của thế giới đã tăng hơn gấp đôi. GDP bắt đầu tăng trưởng cực nhanh sau giai đoạn 1700. Đây là hai cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của thời cận đại khi 1500 là giai đoạn thời kỳ Phục hưng diễn ra ở châu Âu và 1700 là giai đoạn xảy ra cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 1, tạo ra sức bật trong sức lao động.

Trong giai đoạn đêm trường Trung cổ suốt cả ngàn năm, hơn 30 thế hệ đã trải qua bế tắc trong suốt một thời gian dài đó. Sự thay đổi dường như là một điều gì đó không thể trong giai đoạn này khi toàn bộ trí tuệ, định hướng của xã hội và cả ước mơ của con người đều nằm trong tay giới cầm quyền. Những cá nhân, dù tài giỏi như thế nào, cũng không có cơ hội để phát triển.

Môi trường vĩ mô xung quanh là yếu tố góp phần kích hoạt sự thay đổi diễn ra nhanh hơn hay chậm hơn. Bản vẽ về chiếc máy bay đầu tiên đã được tìm thấy trong các bản thiết kế của Leonardo da Vinci từ những năm cuối thế kỷ 15, trong khi những chuyến bay đầu tiên trong lịch sử nhân loại của anh em nhà Wright chỉ được thực hiện sau đó hơn 500 năm.

Anh em nhà Wright phát minh ra máy bay nhờ sự phát triển của khoa học cơ khí, trong khi những ý tưởng của thiên tài Da Vinci không được sự hỗ trợ của nền khoa học ở thời điểm đó.

Những vấn đề mang yếu tố cấu trúc càng mất nhiều thời gian để thay đổi

Sự thay đổi luôn diễn ra trong lòng mỗi xã hội, tuy nhiên như chúng ta đã phân tích ở trên, không phải sự thay đổi nào cũng có cơ hội được thể hiện bằng các kết quả, thay vào đó phần lớn sẽ “chết yểu” vì chưa đến thời điểm phù hợp hoặc cách thay đổi không phù hợp.

Phần lớn chúng ta từ bỏ mong muốn thay đổi chỉ sau một vài lần nỗ lực và đối diện những khó khăn, hay nói đúng hơn chúng ta không đủ kiên nhẫn để có thể chờ đợi những yếu tố đầy đủ của sự thay đổi có thể diễn ra.

Thực tế những sự thay đổi luôn đang được Chính phủ và các doanh nghiệp triển khai để có thể tạo ra được những sự thay đổi tích cực.

Chúng ta luôn sẽ nghe thấy các giải pháp, các đề án và các kế hoạch của Chính phủ và doanh nghiệp, tuy nhiên phần nhiều là các dự án thay đổi này vẫn chưa tạo được sự thay đổi nên chúng ta không thấy được nhiều thành quả của các nỗ lực trên.

Bỏ qua những yếu tố tiêu cực chúng ta có thể đang suy nghĩ đến, việc tạo ra những thay đổi trong một xã hội có nhiều khó khăn mang tính cấu trúc. Chúng ta phải thay đổi mọi thứ với bối cảnh một nền kinh tế nông nghiệp nhưng lại đang đi lên một xã hội dịch vụ quá nhanh và thiếu một nền tảng sản xuất công nghiệp bền vững.

Hay như các doanh nghiệp đang phải thay đổi trong một điều kiện thị trường lao động có chất lượng còn nhiều hạn chế, và yếu tố văn hóa doanh nghiệp chưa kịp thay đổi để thích nghi với nhịp biến động của thời đại.

Những yếu tố đó khiến cho những đề xuất thay đổi rập khuôn và cứng nhắc theo những tiến bộ được áp dụng thành công ở các nước phát triển lại không thể thành công ở doanh nghiệp hay xã hội Việt Nam.

Hãy một lần nữa nhìn vào dòng chảy lịch sử, thời kỳ Phục hưng diễn ra cuộc cách mạng về tư tưởng, nhưng những thành tựu về kinh tế của thời kỳ Phục hưng chỉ có thể được hiện thực sau đó 150-200 năm với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.

Điều đó ám chỉ điều gì? Sự thay đổi không phải diễn ra và có kết quả ngay trong thế hệ của chúng ta, mà phải là sự nỗ lực của nhiều thế hệ và các kết quả chỉ có thể tạo được sau đó một thời gian tương đối dài. Nếu muốn những sự thay đổi tạo ra các kết quả ngay thì có thể nó không phải là những thay đổi thực sự.

Chúng ta cần những giải pháp mang tính cấu trúc

Những sự thay đổi mang tính chất cấu trúc sẽ rất khó thay đổi, trừ khi nó được giải quyết bằng một giải pháp có tính cấu trúc mà ở đó các vấn đề sẽ được gỡ ra qua từng giai đoạn.

Chúng ta không thể yêu cầu bánh xe lịch sử thay đổi nhanh hơn, nó cũng đúng khi áp dụng cho những thay đổi đang diễn ra trong mỗi tổ chức. Phần lớn chúng ta từ bỏ mong muốn thay đổi chỉ sau một vài lần nỗ lực và đối diện những khó khăn, hay nói đúng hơn chúng ta không đủ kiên nhẫn để có thể chờ đợi những yếu tố đầy đủ của sự thay đổi có thể diễn ra.

Để thay đổi chúng ta không những cần lý trí mà còn có sự cảm thông, không phải chỉ cảm thông cho con người mà còn cho bối cảnh của vấn đề. Sự thay đổi muốn đạt được sự thành công, không những đòi hỏi yếu tố thiên thời và địa lợi mà còn phải đạt được sự phù hợp với yếu tố con người mà chúng ta gọi là phải “nhân hòa”.

Hãy nghĩ về cách Google định hướng chúng ta thay đổi như thế nào. Google đã định nghĩa lại hoàn toàn chức năng của một công cụ tìm kiếm cũng như thói quen tìm kiếm thông tin trên mạng.

Đằng sau sự vận hành của Google là hàng triệu triệu thuật toán phức tạp, nhưng giao diện của Google lại rất đơn giản đối với người dùng. Đó là lý do khiến Google trở thành một trong những công ty khổng lồ toàn cầu với hàng tỉ người sử dụng.

Câu chuyện của Google cũng chỉ ra cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc thiết kế các giải pháp để có thể tạo ra sự thay đổi, dù đó là điều không dễ dàng. Để thay đổi chúng ta không những cần lý trí mà còn có sự cảm thông, không phải chỉ cảm thông cho con người mà còn cho bối cảnh của vấn đề.

Sự thay đổi muốn đạt được sự thành công, không những đòi hỏi yếu tố thiên thời và địa lợi mà còn phải đạt được sự phù hợp với yếu tố con người mà chúng ta gọi là phải “nhân hòa”. Mọi người đều muốn thay đổi để tốt hơn, nhưng ai cũng rất ngại sự thay đổi.

Những cá nhân muốn tạo ra sự thay đổi sẽ càng phải lưu ý và xác định rất rõ vấn đề này. Bản thân thay đổi hay tạo ra môi trường để mọi người cùng thay đổi là hai vấn đề rất khác xa nhau về cả nhận thức lẫn triển khai.

Bánh xe lịch sử luôn tiến lên, có lúc đi nhanh và có lúc chậm. Bản thân chúng ta không thể thay đổi những bánh xe đó, nhưng có thể khiến nó di chuyển nhanh hơn khi môi trường xung quanh thuận lợi với các quyết định phù hợp.

Nếu bạn nỗ lực và chưa thấy những nỗ lực của mình tạo ra những kết quả thì cũng đừng buồn, mà hãy suy nghĩ về một bức tranh toàn diện hơn của vấn đề, nó có thể cần có một giải pháp mang tính cấu trúc, trực diện và đường dài hơn những gì chúng ta đã kỳ vọng.

(*) CFA