(KTSG Online) – Mới đây, bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) điều trị một bệnh nhân bị ngộ độc sau khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Các bác sĩ cho biết, việc sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc làm tăng nguy cơ ngộ độc, nếu không được nhập viện kịp thời dễ dẫn đến tử vong, nhất là nhu cầu rượu bia càng về cuối năm càng tăng cao do tổ chức buổi liên hoan, tiệc tùng…
Thông tin từ TTXVN cho biết, theo các bác sĩ, các triệu chứng ngộ độc rượu thường xảy ra sau một ngày sử dụng rượu. Nếu không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao hoặc cứu chữa được nhưng có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác. Chi phí điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Các chuyên gia y tế thông tin, nguyên nhân của ngộ độc rượu chủ yếu là do sản phẩm rượu có pha tạp chất có methanol. Khi methanol vào cơ thể người từ 1-2 ngày, methanol trong cơ thể chuyển hóa thành axit formic gây độc. Máu bị nhiễm axit khiến bệnh nhân thở nhanh, khó thở và gây ra các triệu chứng khác như tổn thương mắt gây nhìn mờ, nặng hơn có thể gây mù, nguy cơ phù não, hôn mê, hoại tử não và tử vong.
Thời gian gần đây, cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, có trường hợp tử vong. Cuối tháng 11, tại Lâm Đồng xảy ra một vụ ngộ độc rượu khiến 6 người đi cấp cứu, trong đó có 2 người tử vong. Tương tự, tỉnh Kiên Giang cũng xảy ra một vụ ngộ độc rượu tập thể khiến 14 người nhập viện, trong đó có 3 người tử vong. Tại TPHCM, trong tháng 8-2022 liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu khiến 13 người nguy kịch, trong đó có 2 người tử vong.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, nhất là nhu cầu sử dụng rượu tăng cao vào dịp cận Tết, theo Baochinhphu.vn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1%; rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Theo thống kê của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, đến hết tháng 7-2022, đơn vị này đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và chưa phát hiện trường hợp vi phạm.
Vừa qua, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đã triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Ban sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.