(KTSG) – Trước tình hình dư địa cho chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp, chính sách tài khóa cần được thúc đẩy mở rộng hơn để góp phần hỗ trợ tăng trưởng vốn sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Được biết việc giải ngân đầu tư công hướng đến đầu tư cơ sở hạ tầng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2023 này.
Dư địa hạn hẹp cho chính sách tiền tệ
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt 8,02%, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, khi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ trở lại sau hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của chính sách tiền tệ, với hoạt động tín dụng dù gặp không ít khó khăn nhưng vẫn kết thúc năm 2022 với mức tăng trưởng đạt 14,5%, tuy thấp hơn mục tiêu 15-16% được điều chỉnh nhưng cao hơn so với mục tiêu 14% từ đầu năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng đi lên, dù tốc độ có thể chậm lại so với năm 2022, cộng thêm tăng trưởng tín dụng có thể gặp nhiều khó khăn hơn, chính sách tiền tệ khó có khả năng tiếp tục hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế như những năm vừa qua, khi lực đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng trước mặt bằng lãi suất đã leo lên một tầm cao mới.
Nhiều tổ chức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 sẽ suy giảm khi đối mặt thêm nhiều yếu tố khó lường, từ hoạt động thương mại, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng, các kênh đầu tư đi xuống khi lãi suất cao hơn, áp lực lạm phát vẫn ở mức cao, thanh khoản thắt chặt và rủi ro nợ xấu từ sự đi xuống của bất động sản.
Đơn cử như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,2% trong năm 2023, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 6,7%, trong khi ngân hàng UOB dự báo ở mức 6,6%.
Có thể thấy trước tình hình dư địa cho chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp, chính sách tài khóa cần được thúc đẩy mở rộng hơn để góp phần hỗ trợ tăng trưởng vốn sẽ gặp nhiều thách thức hơn.
Kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2023 là hơn 782.000 tỉ đồng, tăng 13,7% so với kế hoạch năm 2022, gấp 1,7 lần so với ước thực hiện năm 2022 và chưa bao gồm phần vốn chưa thực hiện từ năm 2022 chuyển sang.
Chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây lưu ý, dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện không còn nhiều, nếu không thận trọng có thể dẫn đến rủi ro hệ thống. Do đó, chính sách tài khóa như điều chỉnh thuế cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ trong việc phục hồi tăng trưởng.
Còn theo nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung, dài hạn. Chính sách này ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải bảo đảm an toàn hệ thống, bởi vậy xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ hơn.
Theo đó, người đứng đầu NHNN cũng đề nghị, để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản… để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.
Cần sự chia lửa từ chính sách tài khóa, đặc biệt ở các dự án đầu tư công
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ xác định sẽ tập trung thực hiện trong năm 2023 là đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Trong đó, Chính phủ cũng yêu cầu phải có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Bộ Tài chính ngay từ đầu năm đã đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2023 cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và Quyết định 1513/QĐ-TTg ngày 3-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết việc giải ngân đầu tư công hướng đến đầu tư cơ sở hạ tầng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2023 này. Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 782.000 tỉ đồng, tăng 13,7% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, vốn của chương trình phục hồi kinh tế là 127.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý, kế hoạch vốn năm 2023 gấp 1,7 lần so với ước thực hiện năm 2022 và chưa bao gồm phần vốn chưa thực hiện từ năm 2022 chuyển sang.
Ngoài ra, kế hoạch giao vốn đầu tư NSNN năm 2023 có hai điểm mới: 1) Ưu tiên dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và 2) Xem xét miễn nhiệm cán bộ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công hai năm liên tiếp (tỷ lệ tối thiểu phải đạt là 90% kế hoạch được giao). Đây có thể là hai động lực giúp tốc độ giải ngân đầu tư công cải thiện trong năm 2023 bên cạnh việc hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm sẽ thúc đẩy việc giải ngân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng cần phải có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, chính sách tài khóa mở rộng cần có trọng tâm, trọng điểm, cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu để giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh, bởi đây cũng là cách để khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp.
Mới đây nhất, trong kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023, Thủ tướng cho biết năm 2022 cả nước có hơn 400.000 tỉ đồng tăng thu. Ngân sách tăng thu năm 2022 ngoài dành cho tăng lương và việc đột xuất sẽ tập trung cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa.
Về phần mình, Bộ Tài chính cho biết năm 2023 tiếp tục đề xuất thực hiện chính sách gia hạn kéo dài, giãn hoãn thời gian nộp thuế như năm 2022, đồng thời đề xuất và được Chính phủ đồng ý giảm 3% tiền thuê đất, thực hiện giảm thuế môi trường cho xăng dầu và một số khoản phí và lệ phí… từ đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ gia đình.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần phải tập trung để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, gỡ vướng về dòng tiền, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Gia tăng năng lực doanh nghiệp, từ đó tăng năng lực nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong một diễn biến khác, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 1-2023 ước đạt 27.000 tỉ đồng, bằng 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 4,4% và tăng 12,4%).
Đáng lưu ý dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm, với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-1-2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỉ đô la Mỹ, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1-2023 cũng giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 1,35 tỉ đô la Mỹ.