Chờ đợi ‘cú hích’ số hóa để gia tăng năng suất cho nền kinh tế

(KTSG Online) – Việc hạ thấp hàng rào thương mại, đơn giản hóa các quy định quản lý FDI, tạo thuận lợi cho chia sẻ tri thức giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp địa phương qua mạng lưới nhà cung cấp sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ trong nền kinh tế Việt Nam, qua đó thúc đẩy năng suất tổng hợp và tăng trưởng kinh tế.

Đà phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế châu Á sau đại dịch có xu hướng giảm trong bối cảnh các điều kiện tài chính bị thắt chặt, cầu về hàng xuất khẩu giảm và sự sụt giảm mạnh mẽ trong tăng trưởng của Trung Quốc. Ngoài ra, những “vết sẹo” sâu về kinh tế do đại dịch và tăng năng suất chậm chạp thời kỳ trước đó đang ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á trong dài hạn.

Trong bối cảnh trên, số hoá được coi là giải pháp đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất của các nền kinh tế trong khu vực, bao gồm Việt Nam.

Năng suất lao động và năng suất tổng hợp của Việt Nam vẫn tháp hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á. Ảnh minh hoạ: Thành Hoa.

Nhiều bằng sáng chế, nhưng chậm nâng cao năng suất lao động

Bà Antoinette Sayeh, Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một giai đoạn u ám, tăng trưởng chậm lại và mức sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, xu hướng sụt giảm trong tăng trưởng năng suất tại các quốc gia đang phát triển và những quốc gia tiên tiến ở châu Á đã xuất hiện trước khi Covid-19 xuất hiện. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn khi Covid-19 bùng phát trở  một đại dịch toàn cầu.

Một thực trạng đáng lo ngại khác, theo bà Antoinette Sayeh, là việc châu Á hiện nắm giữ 60% bằng sáng chế về công nghệ số và máy tính toàn thế giới, nhưng sự tốc độ đổi mới sáng tạo lại thấp, tăng trưởng năng suất lao động trong khu vực khá thấp, thậm chí thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh.

“Điều này cho thấy, chất lượng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn”, bà Antoinette Sayeh nói tại một buổi công bố báo cáo thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở châu Á.

Với đối tượng doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc điều hành IMF cho biết tốc độ truyền bá công nghệ từ doanh nghiệp đi đầu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, không có sự chuyển giao công nghệ, truyền bá tri thức mạnh mẽ khiến hoạt động đổi mới sáng tạo đang tập trung vào một nhóm các doanh nghiệp lớn, trong khi số đông gồm các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang tụt hậu phía sau.

Cụ thể, một nghiên cứu của IMF cho biết gần 1/2 số doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 1/3 số doanh nghiệp lớn ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi của châu Á nhận thấy khó khăn về nguồn vốn là rào cản chính trong áp dụng công nghệ mới. Khó khăn này đã khiến các doanh nghiệp phải “vật lộn” khi triển khai mô hình làm việc từ xa hay bán hàng trực tuyến.

“Tốc độ truyền bá tri thức chậm thì không thể dẫn đến nâng cao năng suất của nền kinh tế”, bà Antoinette Sayeh nhận định.

Với Việt Nam, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ, nhận định mức độ ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam đang thấp và chậm hơn so với một số quốc gia trong khu vực, dù Chính phủ rất nỗ lực.

Cụ thể, chỉ có khoảng 7,1% doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam ứng dụng nông nghiệp chính xác, tức là sản xuất theo phương pháp định lượng nhờ ứng dụng vạn vật kết nối Internet thay vì sản xuất định tính dựa trên kinh nghiệm. Còn công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tương tự, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, cho rằng năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ khoảng 5.000 đô la Mỹ một người.

Thực tế, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam đạt 39,3% giai đoạn 2011-2020, cao hơn so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, con số đó của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước khu vực châu Á trong giai đoạn tăng tốc phát triển như Nhật Bản với 129,6%, Hàn Quốc với 64,9%, Trung Quốc với 52,6%.

Báo cáo về năng suất lao động do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố năm 2021 cũng cho thấy năng suất lao động trên toàn nền kinh tế Việt Nam tuy đã tăng lên theo thời gian nhưng tốc độ tăng chỉ ở mức trung bình và không ổn định.

Trước đó, trong giai đoạn 1991-2019, năng suất lao động của Việt Nam tăng 3,74 lần, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 4,65%. Trong khi đó, Trung Quốc – quốc gia có năng suất lao động tương đương với Việt Nam vào năm 1990 – đã tăng gấp 9,4 lần vào năm 2017, với mức tăng trung bình hàng năm là 8,98%.

Lý giải nguyên nhân, đại diện WB cho biết việc không đủ nguồn lực, không đủ tài chính, chưa có cơ chế phù hợp là những yếu tố chính dẫn đến tình trạng trên.

Còn ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, cho biết Việt Nam hiện thiếu những chính sách đặc thù dành riêng cho đổi mới sáng tạo; chưa có cơ chế thử nghiệm theo mô hình sandbox cho các start-up; chưa đủ cơ chế để thu hút các chuyên gia giúp sức vào quá trình đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Thay đổi để vươn mình

Để giải quyết khó khăn, đại diện IMF khuyến nghị các Chính phủ ưu tiên thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và số hoá trên diện rộng nhằm tạo ra một cú huých cho năng suất tổng hợp và tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, cần tập trung vào 4 giải pháp. Thứ nhất, tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ.

Thứ hai, nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.

Thứ ba, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ tư, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá các quy định, cải thiện môi trường pháp lý, trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ và tạo thuận lợi cho thương mại số.

“Việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất”, đại diện IMF lý giải.

Với Việt Nam, IMF cho rằng cần tạo thuận lợi cho phổ biến, lan tỏa công nghệ  qua việc hạ thấp hàng rào thương mại, đơn giản hóa các quy định quản lý FDI cả trong lĩnh vực dịch vụ. Ngoài ra, tạo thuận lợi cho chia sẻ tri thức giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp địa phương qua mạng lưới nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa đại học và doanh nghiệp để nâng cao trình độ cho người lao động.

Đồng quan điểm, GS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy hầu hết sự đổi mới công nghệ quan trọng đều bắt nguồn từ các trường đại học, được chuyển giao thông qua các hoạt động chia sẻ tri thức, nghiên cứu và phát triển.

Như vậy, các trường hiện có thêm nhiệm vụ mới là phải tự đổi mới để kết nối với các doanh nghiệp và góp phần đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thông qua việc thiết kế các chương trình mới, khóa học mới để cung cấp nguồn nhân lực cần thiết cho doanh nghiệp. Đồng thời, trở thành vườn ươm nhân tài, hỗ trợ các nhân tài có cơ hội học hỏi, nghiên cứu, làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu phát triển, các start-up.

Về phía doanh nghiệp ông Hoàn Nam Tiến cho rằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và các ứng dụng khác trên môi trường số là chìa khoá giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, phát triển ổn định.

“Năng suất lao động ở công ty chúng tôi hiện cao hơn 4-5 lần so với năng suất lao động trung bình của Việt Nam. Riêng đội ngũ phần mềm chuyên làm về AI có năng suất lao động cao gấp 9 lần năng suất lao động trung bình của Việt Nam và đã gần bằng với năng suất lao động trung bình cả thế giới, tức là khoảng 38.000–42.000 đô la Mỹ một người”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, các nhân sự của FPT hoàn toàn có thể làm việc giống như những kỹ sư ở Thung lũng Silicon hay Tokyo, Singapore, dù ngồi ở Việt Nam, nhờ sự trợ giúp của công nghệ.

“AI và Big Data là nơi có thể kiếm tiền. Không chỉ chúng tôi, Nhà nước và các doanh nghiệp đều hiểu rằng, cùng với con người, dữ liệu đã trở thành nguồn lực chính để cạnh tranh và phát triển” , ông Tiến nhấn mạnh.