Chủ tịch VITAS: Người lao động là tài sản hàng đầu của ngành dệt may

(KTSG Online) – Ngành dệt may Việt Nam khép lại một năm 2022 đầy biến động với kỷ lục mới về nguồn thu từ xuất khẩu lên đến 44 tỉ đô la Mỹ. Bước sang năm 2023 với hàng loạt khó khăn do chịu tác động từ cuộc lạm phát và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hàng loạt doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh đơn hàng, thu hẹp các dây chuyền sản xuất, cắt giảm giờ làm việc… Thế nhưng, những thách thức này vẫn không cản trở các nhà sản xuất đặt ra các mục tiêu cao hơn cho mình, bởi đối với họ, điều quan trọng vẫn là giữ chân người lao động – tài sản hàng đầu của nghề.

Cuộc trò chuyện của KTSG Online cùng Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang trong những ngày đầu xuân xoay quanh khó khăn, thách thức cùng nỗ lực xoay xở của các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

KTSG Online: Ông đánh giá thế nào về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dệt may trong năm 2022, đáng chú ý là kết quả về xuất khẩu?

Ông Vũ Đức Giang: Năm 2022 là khoảng thời gian đầy những biến động với nhiều thách thức, thậm chí còn khó khăn hơn cả giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, kết quả kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm qua vẫn cao hơn năm trước đó, ước đạt 44 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,8% so với năm 2021.

Có được kết quả trên là nhờ Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với 15 hiệp định thương mại có hiệu lực. Đó là nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của doanh nghiệp khi xuất khẩu tới gần 70 nước và vùng lãnh thổ; trong đó thị trường lớn như Mỹ, EU, các nước khu vực CPTPP, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Kết quả nêu trên đến từ sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, của các cơ quan, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các khách hàng và đối tác, đặc biệt là người lao động đã luôn đồng hành giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức vươn tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy nhanh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may Việt Nam gia công nhiều, sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu…

Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may đang rất khó khăn vì bị sụt giảm mạnh đơn hàng và tình hình này dự báo sẽ kéo dài đến giữa năm nay. Vậy dựa vào đâu ông đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 47-48 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023?

Đúng vậy, từ đầu quí 3-2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành bị sụt giảm mạnh đơn hàng sản xuất. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay không chỉ có khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế suy giảm.

Với chiến lược giải pháp của Chính phủ vừa mở cửa phát triển kinh tế tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đứng trước những khó khăn thách thức như: lạm phát cao, sức mua toàn cầu giảm và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh… Bên cạnh đó, yêu cầu khắt khe của khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ, điều chỉnh chính sách của các nhãn hàng phát triển bền vững xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, khí thải, tuần hoàn…

Ông Vũ Đức Giang tham quan, khảo sát sản phẩm tại các gian hàng trong Viettien Mall được khai trương vào cuối năm vừa qua tại TPHCM. Ảnh: ĐVCC

Chúng ta có cơ sở để đặt ra tham vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 47-48 tỉ đô la. Việc các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng. Đơn cử như trước đây, chúng ta cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanmar sang. Ngoài ra, dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều đó là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất. Hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%, thời gian 2023-2025 tới đây, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51-55%.

Bên cạnh đó, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam; đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Có giải pháp cụ thể nào để đạt được mục tiêu cho năm 2023, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu năm 2023 phát triển bền vững, ngành dệt may Việt Nam đưa ra một số giải pháp cụ thể: (1) Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu giải quyết phần cung thiếu hụt của ngành; (2) Xây dựng các giải pháp bán hàng FOB, ODM…; (3) Xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch bắt kịp xu thế của toàn cầu; (4) Đẩy mạnh mục tiêu giải pháp chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành dệt may Việt Nam; (5) đẩy mạnh đào tạo nguồn lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Ngành dêt may xác định lao động là tài sản quan trọng nhất, trên cả tài sản thiết bị, công nghệ, nhà xưởng. Ảnh minh họa: TL

Ông đánh giá thế nào về tình trạng cắt giảm lao động trong ngành dệt may hiện nay?

Ngành dệt may xác định lao động là tài sản số 1, trên cả tài sản thiết bị, công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh hiện nay, những đơn vị thiếu hụt đơn hàng thì cũng đang tìm cách xoay xở để giữ chân người lao động. Hiện nay, số lượng lao động nghỉ việc ngành dệt may là có nhưng tỷ trọng còn thấp. Theo thống kê của Vitas, số lao động giảm của ngành khoảng 5-7%; trong khi ngành da giày, đồ gỗ… tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm lao động cao hơn khá nhiều.

Với nỗ lực xoay xở và giữ chân người lao động của doanh nghiệp thì vấn đề giảm lao động trong ngành dệt may hiện nay là không phải đáng quan ngại. Trước áp lực giảm phát, lạm phát, đồng tiền của các nước mất giá… ngành dệt may đã tìm ra đối sách đa dạng hoá thị trường. Doanh nghiệp đã chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ… Nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau. Chúng tôi nhận định sự phục hồi mạnh mẽ sẽ rơi vào thời điểm nửa cuối năm 2023.

Khó khăn giai đoạn này mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn. Đối với ngành dệt may thứ nhất là vị trí trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi. Thứ hai phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường. Chính vì vậy, giải pháp xoay quanh trọng tâm là giữ được hai tài sản chiến lược này. Đồng thời, tập trung vào việc cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí… song song với tập trung đổi mới công nghệ tự động hóa giảm sức lao động cũng như số lượng lao động.

Dệt may là thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam nhưng sản phẩm ngành này có độ nhạy khá cao với thu nhập. Ảnh minh họa: TL

Là một người gắn bó cả cuộc đời với ngành dệt may, theo đánh giá của ông, ngành dệt may của Việt Nam đang ở đâu trên thế giới?

Thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã có những bước trưởng thành rất lớn. Đánh giá của các nhãn hàng trên thế giới là hàng Việt Nam đẹp, chất lượng tốt, chỉ có điều về giá cả cần cạnh tranh hơn nữa. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi từ thuần gia công sang sản xuất ODM (thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng), thúc đẩy quản trị số, giải pháp tự chủ chuỗi cung ứng trong nước, đa dạng mặt hàng… Đáng chú ý, các chương trình phát triển bền vững, quản trị số và kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đang thu hút các nhãn hàng trên thế giới lựa chọn Việt Nam để đầu tư phát triển… Nhờ đó mà hiện nay xuất khẩu dệt may Việt Nam đang đứng vị trí cao tốp đầu trên thế giới (thứ 2). Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023 cũng như các năm tiếp theo. Vấn đề trở ngại và cần tiếp tục cần cải thiện hơn nữa là gia tăng sản xuất nguyên phụ liệu ở thị trường trong nước để tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới được cho là giúp doanh nghiệp ngành dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất ưu đãi. Ông nhận định thế nào về việc tận dụng cơ hội này của doanh nghiệp trong nước những năm vừa qua?

Trong năm vừa qua, Việt Nam có 15 hiệp định thương mại có hiệu lực, là nền tảng tạo ra giải pháp đa dạng hoá thị trường, đây là yếu tố cực kỳ đặc biệt. Đáng chú ý, từ năm 2023 này, ngành dệt may sẽ tiếp tục được hưởng lợi do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Theo FTA này, các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2 – 4% thuế xuất khẩu vào năm 2023.

Tuy nhiên để nhận được những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này thì cũng phải có những điều kiện về tỉ lệ nội địa hóa, xuất xứ trong sản phẩm. Đơn cử như để được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, hàng dệt may Việt Nam phải đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo hiệp định này và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 theo EVFTA.

Tuy nhiên, hàng hóa may mặc Việt Nam vẫn đang xuất khẩu với thuế suất cao do một số thị trường và dòng sản phẩm vẫn chưa đủ điều kiện để được hưởng thuế suất giảm theo các FTA. Việc tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may thời gian qua phần lớn tập trung chủ yếu ở khu vực FDI chứ doanh nghiệp nội địa chưa nhiều. Nguyên nhân do các nút thắt về nguyên liệu sản xuất chưa được giải quyết. Để hưởng các lợi thế FTA, điều tiên quyết là phát triển về nguyên phụ liệu.

Thời gian qua, VITAS đã và đang thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may… triển khai những chương trình về năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu, quản lý lao động…

Trong đó, VITAS luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh – sạch – bền vững. Đáng chú ý, Hiệp định EVFTA sẽ đưa thuế suất bằng 0, đây là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam. Thời gian qua, toàn ngành khó khăn nhưng chuyển dịch đầu tư của các nước trong khu vực vào Việt Nam tương đối có bứt phá.

Ông Vũ Đức Giang phát biểu tại Hội nghị Tổng kết VITAS 2022. Ảnh: Lê Hoàng

Ông nhìn nhận thế nào về Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Chính phủ phê duyệt gần đây? Ông đánh giá Chiến lược phát triển này có ý nghĩa thế nào cho ngành dệt may Việt Nam?

Đây là tin vui đối với ngành dệt may, là con đường đi của ngành và là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Tuy nhiên, đây chỉ mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thì Chính phủ cần tiếp tục hoạch định rõ hơn về các địa phương phát triển các khu công nghiệp đa năng, trong đó có kêu gọi đầu tư vào khâu dệt nhuộm, đặc biệt là sản xuất vải dệt thoi, dệt kim, và vải từ sợi tái chế.

Như trong chiến lược được phê duyệt, Chính phủ định hướng TPHCM và Hà Nội là trung tâm phát triển ngành thời trang nên cần đầu tư trung tâm trình diễn, sàn diễn thời trang. Tương tự, trong chiến lược của ngành Chính phủ đặt ra mục tiêu phát triển 2 thành phố lớn này là trung tâm công nghiệp thời trang của Việt Nam, cả khu vực châu Á cũng như thế giới. Do đó, Chính phủ cần thúc đẩy giải pháp cho các trường đại học, cao đẳng nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành như nhân sự quản trị cao cấp, nhân sự phát triển thị trường, công nghệ quản trị số, và đội ngũ thiết kế…. Chính phủ cũng tạo cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp làm hàng (FoB – Free On Board – tạm dịch mua đứt – bán đoạn), ODM (sản xuất thiết kế ban đầu, sản xuất sản phẩm theo yêu cầu và thiết kế có sẵn). Đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Ngành dệt may thu hút hàng triệu người lao động Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Theo ông đâu là thách thức lớn nhất với ngành dệt may Việt Nam hiện nay và cần giải quyết thách thức đó như thế nào?

Các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp các khó khăn như địa chính trị các nước lớn vẫn đang phức tạp; kinh tế thế giới vẫn còn suy thoái, chưa có dấu hiệu hồi phục; sức mua toàn cầu chưa được như thời điểm năm 2019; chi phí sản xuất tăng cao. Đáng chú ý lực lượng lao động của ngành dệt may bị biến động nhiều, liên tục bị dịch chuyển sang các lĩnh vực khác; sản phẩm bị cạnh tranh về giá với các nước trong khu vực; lãi suất vay ngân hàng vẫn còn cao. Do vậy, Vitas kiến nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ một số vướng mắc mà Vitas đã kiến nghị trong thời gian qua gian vừa qua và sớm giải quyết. Đó là để giúp doanh nghiệp vượt khó Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

Về lãi suất ngân hàng, nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động…

Xin cảm ơn ông.