(KTSG) – Yếu tố ảnh hưởng mạnh đến các nhà đầu tư hiện hữu lẫn nhà đầu tư tiềm năng – những người chưa tham gia thị trường hoặc đã rút khỏi thị trường, không chỉ là bối cảnh vĩ mô mà có lẽ còn là niềm tin dành cho thị trường.
Giảm sức hấp dẫn?
Dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong tháng 8 vừa qua, số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở mới là 155.456 tài khoản, giảm 22% so với số lượng mở mới trong tháng 7 là 199.562 tài khoản và giảm ba lần so với kỷ lục đạt được vào tháng 5-2022 là 476.000 tài khoản.
Dù tính chung cả 8 tháng đầu năm 2022, cá nhân trong nước mở mới ròng gần 2,2 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 43% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021, nhưng sự sụt giảm liên tiếp trong hai tháng 7 và 8 vừa qua cho thấy nhiều người dường như đang giảm mức độ hứng thú đối với kênh đầu tư này.
Nhìn vào diễn biến giảm mạnh của thị trường từ đầu quí 2 và hiện vẫn “lình xình” trong thời gian gần đây, ngay cả những nhà đầu tư hiện hữu cũng không tránh khỏi tâm lý uể oải, nhất là trong bối cảnh vĩ mô hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều sức ép.
Với xu hướng lãi suất bắt đầu đi lên trong gần một năm qua, tiền đã không còn rẻ nữa. Nếu như trước đây hàng loạt công ty chứng khoán nhờ tiếp cận dòng vốn rẻ đã đua nhau triển khai các chương trình cho vay ký quỹ với lãi suất thấp, thúc đẩy nhiều nhà đầu tư cá nhân sử dụng margin hết mức có thể và khiến dòng tiền luân chuyển sôi động trên thị trường…
Thì giờ đây với mặt bằng lãi suất đang đi lên, lãi suất vay margin cũng phải tăng theo và do đó khiến nhà đầu tư giảm bớt động lực sử dụng margin, nhất là khi xu hướng thị trường vẫn chưa thật sự rõ ràng với rủi ro điều chỉnh giảm thêm vẫn hiện hữu.
Lộ trình và quyết tâm nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam ít nhiều đã bị ảnh hưởng từ “vết nhơ” của những doanh nghiệp như FLC hay flc faros, vì các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng đã phải gánh chịu những thiệt hại và do đó suy giảm niềm tin là khó tránh khỏi.
Lãi suất tăng cũng khuyến khích nhiều người quay lại với lựa chọn gửi tiết kiệm vừa an toàn mà cũng đảm bảo mức độ hiệu quả nhất định. Nếu như hai năm trước tiền từ kênh tiết kiệm chuyển sang chứng khoán thì giờ đây xu thế có thể đang đảo ngược lại.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại nhiều ngân hàng đã vượt mức 7%, cộng thêm một số ưu đãi và lãi suất cộng thêm nếu gửi với giá trị lớn, trong khi đầu tư cổ phiếu trong những tháng gần đây dường như gặp rủi ro thua lỗ nhiều hơn.
Cho dù, hệ số giá thị trường/thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) của VN-Index đã giảm từ mức 15 lần hồi năm 2021 xuống chỉ còn quanh 12 lần như hiện nay, còn P/E của kênh tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên vẫn đang cao hơn, ở mức trên 14 lần.
Trong khi đó, việc tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đối mặt với không ít sức ép trong thời gian qua cũng có thể thu hút dòng tiền lớn tìm cơ hội lướt sóng ở kênh đầu tư này. Chỉ số USD Index đã tăng đến 14% so với đầu năm nay, trong khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước chỉ mới tăng hơn 3%, dễ đưa đến kỳ vọng mức độ tăng của đô la Mỹ trong nước sẽ phải cao hơn nữa. Ngoài ra, rủi ro tỷ giá cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại, đặc biệt là ở các thị trường chứng khoán mới nổi.
Một điểm đáng lưu ý khác là việc nền kinh tế Việt Nam đang trở lại chu kỳ phục hồi cũng thúc đẩy doanh nghiệp rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của mình, đảo ngược sự dịch chuyển dòng tiền từ hoạt động sản xuất vào chứng khoán do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua. Điều này càng ảnh hưởng đến dòng tiền của thị trường vốn đã suy giảm đáng kể trong những tháng qua.
Quan trọng là niềm tin
Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng mạnh đến các nhà đầu tư hiện hữu lẫn nhà đầu tư tiềm năng – những người chưa tham gia thị trường hoặc đã rút khỏi thị trường, không chỉ là bối cảnh vĩ mô mà có lẽ còn là niềm tin dành cho thị trường.
Niềm tin này lại một lần nữa bị suy suyển. Những vi phạm như thao túng thị trường, tăng vốn ảo lừa dối nhà đầu tư… tiếp tục bị phát hiện gần đây với mức độ nghiêm trọng hơn, diễn ra ở cả những tập đoàn lớn với số lượng đông đảo nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, đã khiến nhiều người e ngại và nhìn nhận lại những rủi ro có thể gánh phải ở kênh đầu tư này.
Đó không chỉ là rủi ro giảm giá cổ phiếu khi doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, mà còn là nguy cơ có thể bị ban lãnh đạo doanh nghiệp lừa dối bất kỳ lúc nào. Hiện hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý, cũng như hoạt động kiểm toán và cảnh báo của các công ty kiểm toán, vẫn chưa thể bảo vệ những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ – vốn hạn chế về khả năng đánh giá hoạt động một doanh nghiệp.
Họ hầu như chỉ có niềm tin đơn giản rằng một khi doanh nghiệp được cho phép niêm yết trên sàn nghĩa là đã đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn “khắt khe” mà các cơ quan quản lý đặt ra.
Ai mà biết được liệu những vi phạm như của tập đoàn FLC hay các công ty con của tập đoàn này như FLC Faros liệu có đang tồn tại ở những doanh nghiệp tương tự đang niêm yết trên sàn?
Ngoài những lời cảnh báo “suông”, điều mà nhà đầu tư cần chính là những cơ chế giám sát hiệu quả và hành động quyết liệt loại bỏ triệt để những doanh nghiệp, ban lãnh đạo lừa dối cổ đông ngay từ giai đoạn đầu. Thời gian qua, chờ đến khi phát hiện, xử lý vi phạm thì đã trễ, đã có biết bao người phải gánh chịu thiệt hại.
Có thể nói hai năm qua thị trường đã thu hút nhiều lớp nhà đầu tư mới từ đủ mọi ngành nghề, thúc đẩy một dòng tiền khổng lồ rót vào thị trường và hỗ trợ cho chu kỳ tăng giá mạnh mẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng có vẻ như sự minh bạch của thị trường, doanh nghiệp vẫn còn là một điều mơ hồ, cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm còn quá nhiều vấn đề và gợi lên không ít suy nghĩ.
Không ít nhà đầu tư cho rằng nếu không có sự “tiếp tay” hoặc bỏ lơ trách nhiệm, thì làm sao những hành vi vi phạm nghiêm trọng như việc tăng vốn ảo tại FLC Faros có thể diễn ra rồi sau đó doanh nghiệp được phép niêm yết trên sàn để “làm giá” cổ phiếu, được đưa vào chỉ số VN30 là tập hợp 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao nhất, lôi kéo không chỉ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua vào mà ngay cả những quỹ đầu tư nước ngoài mô phỏng chỉ số cũng rót tiền để đảm bảo tỷ trọng tương ứng trong danh mục.
Lộ trình và quyết tâm nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam ít nhiều đã bị ảnh hưởng từ “vết nhơ” của những doanh nghiệp như FLC hay FLC Faros, vì các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng đã phải gánh chịu những thiệt hại và do đó suy giảm niềm tin là khó tránh khỏi. Những giải pháp nâng cấp, cải cách thị trường để sớm đạt mục tiêu nâng hạng cũng giảm/mất đi ý nghĩa, nếu việc quản lý vẫn còn những “con voi chui lọt lỗ kim” khó tin như vậy.