(KTSG) – Giới phân tích và đầu tư vẫn kỳ vọng sẽ có những nhóm ngành bứt phá tốt hơn so với thị trường chung trong năm 2023 này, dựa trên những câu chuyện riêng và mức độ ảnh hưởng khác nhau từ bối cảnh và triển vọng kinh tế trong năm nay, dù được nhiều tổ chức dự báo sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn và thách thức.
Những câu chuyện
Chỉ số VN-Index khép lại năm 2022 đầy thất vọng ở mức 1.007 điểm, ghi nhận mức sụt giảm gần 33% so với đầu năm và là một trong hai thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong năm vừa qua. Bên cạnh những ảnh hưởng do chính sách thắt chặt tiền tệ trở lại theo xu hướng chung, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chịu tác động nặng nề từ việc xử lý hàng loạt sai phạm từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho đến thao túng chứng khoán.
Đặc biệt, với chuỗi phục hồi bắt đầu từ nửa cuối quí 4 và chỉ kéo dài đến đầu tháng 12, thị trường đang cho thấy mức độ dễ bị tổn thương như thế nào. Dù vẫn có khá nhiều dự báo lạc quan cho năm 2023, nhưng rõ ràng với dòng tiền rẻ không còn, lãi suất vẫn chịu áp lực tăng trước rủi ro lạm phát, xu hướng thị trường trong giai đoạn tới là không thật sự rõ ràng.
Tuy nhiên, giới phân tích và đầu tư vẫn kỳ vọng sẽ có những sự phân hóa và những nhóm ngành bứt phá tốt hơn so với thị trường chung trong năm 2023 này, dựa trên những câu chuyện riêng và mức độ ảnh hưởng khác nhau từ bối cảnh và triển vọng kinh tế trong năm nay, dù được nhiều tổ chức dự báo sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn và thách thức.
Câu chuyện đầu tiên là với môi trường lãi suất tiếp tục đi lên và duy trì ở mức cao, nếu như các ngành thâm dụng vốn như xây dựng, bất động sản sẽ còn chịu ảnh hưởng nặng nề, thì ngược lại, những ngành có dòng tiền mặt dồi dào và có lượng tiền gửi ngân hàng thường duy trì ở mức cao sẽ được hưởng lợi, như ngành bảo hiểm. Ngoài ra, với phí bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng cùng dư địa của thị trường bảo hiểm còn khá lớn, tiềm năng của ngành này vẫn khá hấp dẫn trong tương lai.
Câu chuyện thứ hai là với nguy cơ lạm phát cao và rủi ro suy thoái kinh tế, những ngành mang tính phòng thủ và có khả năng tăng giá cho người tiêu dùng mà không ảnh hưởng quá tiêu cực lên khả năng tiêu thụ sản phẩm, cũng có thể được nhà đầu tư lựa chọn.
Tại Việt Nam, định hướng lạm phát 2023 đã được điều chỉnh tăng lên mức 4,5% so với mức 4% trong năm 2022, cho thấy áp lực kiểm soát lạm phát trong năm 2023 rất lớn. Song song đó, dù tăng trưởng GDP năm 2022 tới hơn 8%, nhưng nền kinh tế đang bắt đầu có những dấu hiệu chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12 công bố mới đây chỉ đạt 46,4 điểm từ mức 47,4 điểm của tháng 11. Chỉ số này đã lần thứ hai liên tiếp nằm dưới ngưỡng trung tính 50 điểm, phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm.
Trước bối cảnh kinh tế này, những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, dược phẩm hay các ngành tiện ích như điện, nước, y tế được kỳ vọng sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn như các ngành tăng trưởng nóng khác. Thậm chí, những ngành này còn có thể thu hút dòng tiền trú ẩn của các nhà đầu tư muốn sự ổn định trong một nền kinh tế có thể chứa đựng nhiều rủi ro hơn. Ngoài ra, ngành lương thực, thực phẩm, chăn nuôi cũng có thể hưởng lợi từ chính sách mở cửa trở lại của kinh tế Trung Quốc
Và sự hưởng lợi
Sau giai đoạn chống dịch nghiêm ngặt, Trung Quốc trong những tuần cuối năm 2022 đã thay đổi chính sách về kiểm soát dịch Covid-19, hướng tới việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo dự báo của Goldman Sachs, dự kiến nền kinh tế số 2 thế giới sẽ mở cửa từ đầu quí 2-2023, sau mùa cao điểm đi lại vào Tết Nguyên đán.
Theo đó, những ngành nào trước đây bị ảnh hưởng bởi chính sách chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc thì trong năm 2023 có thể hưởng lợi để phục hồi trở lại cũng như kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn.
Ngoài các ngành lương thực, thực phẩm có mặt hàng xuất khẩu chủ lực qua Trung Quốc như đã nói, phải kể đến ngành du lịch vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt hơn hai năm qua do dịch Covid-19. Năm 2022 này tuy có phục hồi phần nào nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, do Trung Quốc lại đóng cửa chặt hơn để phòng, chống Covid-19.
Thống kê cho thấy trong suốt giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc chiếm trung bình gần 30% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam hàng năm, đặc biệt trong hai năm đầu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 2020 và 2021, tỷ lệ này vẫn lên đến 34% và hơn 43%.
Tương tự, ngành hàng không được kỳ vọng sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2023, khi nhiều đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc được nối trở lại, cũng như thêm nhiều đường bay mới được mở ra với nhiều nước khác.
Ngoài ra, do đặc thù vay nợ lớn bằng đô la Mỹ, nên khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đang có xu hướng ổn định trở lại cũng giúp các doanh nghiệp trong nhóm này giảm bớt rủi ro tỷ giá.
Ngành thủy sản cũng sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại, khi số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn 2016-2021, thị trường Trung Quốc chiếm trung bình 12,6% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Trong đó, nhóm ngành cá tra và tôm là những sản phẩm chủ lực xuất khẩu rất lớn vào thị trường này.
Ngoài ra những ngành này cũng có thể tiếp tục phục hồi khi nhu cầu sau thời gian dài bị kìm nén có thể tăng mạnh trở lại, cũng như hưởng lợi theo sự phục hồi của ngành du lịch và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã liên tục ký kết thời gian qua.
Trong khi ngành xây dựng dân dụng bị ảnh hưởng theo những khó khăn của ngành bất động sản, ngược lại ngành xây dựng hạ tầng và một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng như đá, xi măng, thép,… có thể chứng kiến sự hồi phục sớm hơn nhờ câu chuyện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023.
Rõ ràng khi chính sách thắt chặt tiền tệ buộc phải được thực thi để chống lạm phát, động lực tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào chính sách tài khóa, mà cụ thể là việc đẩy mạnh các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng, nhóm ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2023 nhờ hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số, khi không chỉ diễn ra ở khu vực tư nhân mà ngay cả khu vực công cũng đang tích cực phát động và thực thi chuyển đổi số.
Đặc biệt những gì diễn ra trong hơn hai năm đại dịch vừa qua càng cho thấy nhu cầu chuyển đổi số, số hóa hoạt động, giao dịch trực tuyến hay làm việc từ xa càng ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, việc tăng cường đầu tư cho công nghệ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.