(KTSG) – Chúng ta đòi hòa bình là cuốn hồi ức mà Đoàn Yên Kiều viết về phong trào yêu nước của sinh viên, học sinh Sài Gòn giai đoạn 1969-1975. Tên đầy đủ của cuốn sách là “Chúng ta đòi hòa bình: Huỳnh Tấn Mẫm và phong trào yêu nước, tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn, 1969-1975”, được xuất bản trong quí 3 vừa qua.
Nhân vật chính của sách là anh Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn nhiệm kỳ 1969-1971; sau năm 1975 là bác sĩ y khoa và tiến sĩ triết học.
Đã lâu rồi tôi mới lại đọc hết một cuốn sách từ trang đầu đến trang cuối ngay trong lần đầu mở sách. Đã khép sách lại rồi, lòng tôi vẫn còn bồi hồi bởi những câu chuyện thấm máu và nước mắt của những người tuổi trẻ thời đó, như trong Lời nói đầu sách đã nhấn mạnh: “Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn và các đô thị miền Nam là khúc ca bi tráng trong một giai đoạn lịch sử, được viết bằng máu và nước mắt của hàng vạn bạn trẻ đô thị miền Nam. Những con người từng bước qua cuộc đấu tranh đòi hòa bình luôn giữ lại trong phần sâu thẳm con tim mình những hình ảnh không bao giờ quên. Họ có niềm khao khát được nghe lại, kể lại những khoảnh khắc lịch sử ấy để đi tiếp chặng cuối cuộc đời bằng niềm tự hào và tâm hồn thanh thoát vì đã làm tròn ý nguyện. Họ cũng muốn để lại cho con cháu những câu chuyện để thế hệ sau biết được thế hệ cha ông đã sống và tranh đấu cho đất nước như thế nào”.
Mười bốn chương sách với những câu chuyện kể cùng những hình ảnh, tư liệu sinh động, được chọn lựa, biên tập nghiêm túc, kỹ càng. Riêng hai chương đầu và cuối được kể khá gay cấn, hấp dẫn gắn với số phận của nhân vật chính. Đó là buổi trao trả tù binh bất thành ở Lộc Ninh ngày 20-2-1974 mà sau này anh Huỳnh Tấn Mẫm đã tâm sự với đồng đội Ngô Đa: “Năm 1974, thực hiện Hiệp định Paris về trao trả tù binh, thật lòng mình muốn trao trả về Lộc Ninh, về “phe ta” cho sớm để được thoát cảnh địa ngục trần gian, thoát những trận đòn tra khảo tàn khốc không thể tưởng tượng nổi. Nhưng do yêu cầu của tổ chức lúc bấy giờ, với tư cách là lãnh tụ phong trào sinh viên, học sinh đấu tranh công khai, tôi phải đòi địch trả tự do cho tôi về với gia đình tại Sài Gòn”.
Tới cuối tháng 4-1974, Huỳnh Tấn Mẫm bị áp tải bí mật rời Sài Gòn trong một chuyến xe xuyên đêm ra giam ở Bình Tuy; trại giam chỉ có một tù nhân là anh. Cho tới ngày 2-3-1975, khi một phái đoàn nghị sĩ Mỹ cùng báo giới quốc tế tìm tới trại giam, Huỳnh Tấn Mẫm đã bí mật gửi cho một nữ nghị sĩ bức thư viết bằng máu của mình, đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trả tự do cho tù chính trị và sinh viên, học sinh bị bắt. Sang tháng 4-1975, khi Quân Giải phóng đánh tới Bình Tuy, trại giam chỉ còn hai người, một sĩ quan coi trại và anh. Từ đây tới sáng ngày 29-4-1975, khi Huỳnh Tấn Mẫm được trả tự do tại Dinh Hoa Lan của Đại tướng Dương Văn Minh ở Sài Gòn, là một chuyến phiêu lưu ly kỳ trên biển của hai nhân vật này. Xin trích:
“Xuồng máy từ La Gi đến Long Hải. Gần 8 giờ sáng chiếc xuồng cập bờ. Đại úy Đức giải Huỳnh Tấn Mẫm vào ty cảnh sát Long Hải, đề nghị nơi đây tạm giam anh nhưng không được tiếp nhận. Cảnh sát ở Long Hải nói “Địch quân đánh vô tới rồi, giờ ai cũng chạy, lấy đâu ra người mà giữ tên này”… Giờ đây, giữa Huỳnh Tấn Mẫm và Đại úy Đức không nói ra nhưng giống như có một cam kết ngầm: Đại úy Đức không còn còng tay Huỳnh Tấn Mẫm, để anh tự do bên cạnh mình. Bản thân Huỳnh Tấn Mẫm cũng không bỏ trốn vì anh tôn trọng Đại úy Đức và biết ơn ông ấy đang cố gắng thực hiện chức trách của mình tới cùng; nếu là người khác, có thể họ đã chọn cách thủ tiêu anh rồi phủi tay chạy trốn như nhiều binh lính khác”.
“Sau ngày giải phóng, tổ chức phân công tác gì anh Mẫm cũng lao vào làm bằng tất cả trái tim và khối óc, vẫn nhiệt tình say sưa như ngày nào, dù anh đã bị nhiều “trắc trở” trong công việc. Đó là đặc trưng của Huỳnh Tấn Mẫm”, chị Nguyễn Thị Yến, cựu Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên miền Nam Việt Nam, kể ở trang 462.
Trang cuối là hồi ức của Nguyễn Xuân Lập, cựu Chủ tịch Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn, cựu Giám đốc Công ty Sapharco. Anh Lập viết: “Anh Mẫm là một học trò giỏi, thông minh, siêng năng nên đã thành công trên đường học vấn (bác sĩ y khoa, tiến sĩ triết học). Trong lối sống, anh Mẫm luôn chọn cho mình cuộc sống giản dị, trong sạch, sống bằng lao động chân chính của mình, không tham ô, không hủ hoá… Cho đến giờ, anh Mẫm vẫn an vui với gia đình trong căn nhà bình dị, vừa làm trụ sở của một chi hội từ thiện mà anh là chủ tịch”.