Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ chỉ đạt hơn 6%

(KTSG Online) – Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19), Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ còn hạn chế, tiến độ chậm, chưa đạt mục tiêu của nghị quyết, chỉ đạt hơn 6%…

Chuyển các doanh nghiệp nhà nước sang cơ chế tự chủ còn hạn chế, tiến độ chậm. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo TTXVN, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đã được tinh giảm, hoạt động ngày càng hiệu quả, năng lực tự chủ cao hơn; số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm dần, đồng thời tăng dần số người làm việc gắn với hiệu quả cung ứng dịch vụ sự nghiệp công…

Tuy nhiên việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ còn hạn chế, tiến độ chậm, chưa đạt mục tiêu của nghị quyết (chỉ đạt hơn 6%); mức độ tự chủ chưa cao, không đồng đều trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công. Chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn chậm, chỉ chiếm hơn 24% số lượng được phê duyệt.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại hội nghị cho rằng, cần hoàn thiện thể chế đảm bảo kịp thời, đồng bộ và khả thi, trong đó tập trung tinh gọn đầu mối, biên chế hưởng lương từ ngân sách gắn với việc nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thu hút tham gia của xã hội, phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công.

Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, số đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 giảm hơn 13% so với năm 2015 (vượt mục tiêu). Số biên chế tinh giảm đảm bảo mục tiêu đề ra, năm 2021 giảm hơn 10% so với năm 2015.