(KTSG Online) – Áp lực xoay tiền để đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang tăng cao, trong bối cảnh ngành kinh tế này đang gặp nhiều khó khăn. Theo FiinGroup, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay.
Dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước nghĩa vụ tài chính liên quan đến 270.000 tỉ đồng trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Cộng với tác động từ dòng tín dụng đang bị thu hẹp, trái phiếu đáo hạn đang tạo ra không ít nỗi lo đối với ngân hàng xét trên các góc độ trả nợ vay, điểm tín dụng bị hạ bậc và cả về nợ xấu.
Báo cáo của FiinGroup liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu tháng 8 vừa qua có đưa ra một số lưu ý, trong đó có việc một số doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhưng trái phiếu được phát hành chủ yếu để phục vụ dự án bất động sản.
Cụ thể, một số doanh nghiệp có tên trong ngành xây dựng bao gồm Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Khải, Công ty cổ phần Xây dựng Minh Trường Phú và Công ty cổ phần Xây dựng Kiến Hưng Thịnh nhưng về bản chất là các doanh nghiệp bất động sản và mục đích của trái phiếu phát hành nhằm phục vụ trực tiếp vào việc phát triển các dự án bất động sản. Trong đó, các tổ chức tín dụng là bên mua và (hoặc) quản lý tài sản đảm bảo.
Đây là điểm quan trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần quan tâm khi các tổ chức phân phối thứ cấp ra thị trường. Nhà đầu tư cần đánh giá lại doanh nghiệp phát hành này và các rủi ro của dự án một cách kỹ lưỡng nhất là trong bối cảnh thông tin về các tổ chức phát hành và mục đích sử dụng vốn không được công bố rõ ràng.
Bên cạnh đó là vấn đề chậm trả lãi và gốc của một số tổ chức phát hành trái phiếu. Theo FiinGroup, áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp đang tăng cao trong thời gian qua. Trong bối cảnh nhiều “sóng gió” của ngành bất động sản, đã làm cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay.
Thực tế này có thể sẽ còn xảy ra với một số trường hợp khác khi mà phần đông tổ chức phát hành trong 2-3 năm trước là các doanh nghiệp chưa niêm yết, có sức khỏe tài chính yếu, chưa có lịch sử kinh doanh và dòng tiền ổn định. Do đó, hồ sơ tín dụng chưa được tốt hoặc chưa đáp ứng tiêu chí vay tín dụng ngân hàng hoặc huy động nguồn vốn khác trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, nên nhìn nhận vấn đề này một cách thực tế và công bằng. Bởi các trường hợp này được gọi là “vỡ nợ” nhưng thực sự cũng tương tự như nợ xấu nhóm 3 của các ngân hàng thương mại.
Ở Trung Quốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô gần 7.800 tỉ đô la Mỹ tương đương gần 44% GDP và tỷ lệ nợ có vấn đề ở mức 1,4% trên tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp này là không quá lớn nhưng nếu chỉ tính nhóm trái phiếu có tính đầu cơ thì tỷ lệ có vấn đề đã tăng lên 28,6% vào năm 2021. Tỷ lệ này còn được Goldman Sachs dự báo sẽ tăng lên 31,6% vào cuối năm 2022 sau những biện pháp cứng rắn của Chính phủ Trung Quốc trong hai năm qua.
Nhìn sang Thái Lan, tỷ lệ vỡ nợ cũng ở mức 1,07% vào năm 2020 và riêng các trái phiếu có tính đầu cơ có mức xếp hạng tín nhiệm ở mức BB trở xuống cũng lên đến 9,01% sau khoảng thời gian một năm.
Do đó, thị trường cần một hệ thống định nghĩa lại về vấn đề nêu trên để nhà đầu tư nắm rõ thực tế thực trạng chất lượng tín dụng trái phiếu doanh nghiệp và có các biện pháp rủi ro cần thiết nhưng thị trường vẫn vận hành ổn định và phát triển bình thường.
Báo cáo thị trường trái phiếu trong tháng 8 của Fiin Group cho thấy, thị trường trái phiếu chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong khối lượng phát hành. Giá trị phát hành trong tháng đạt 9.400 tỉ đồng, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng phát hành thấp nhất cả năm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và còn thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết Nguyên đán vốn có tính chu kỳ với khối lượng thấp.Chỉ có 19 đợt phát hành trong tháng 8, chưa tính đến 3 lô trái phiếu phát hành không thành công của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).