Cổ phiếu lương thực, thực phẩm có đáng chú ý?

(KTSG) – Cổ phiếu nhóm lương thực, thực phẩm có dấu hiệu hút tiền gần đây, với giá và khối lượng đều có diễn biến tích cực, ngược chiều với đà sụt giảm của thị trường chung từ đầu tháng 9 đến nay. Nhóm này được dự báo sẽ hưởng lợi về cuối năm khi giá lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục đi lên trong bối cảnh cung – cầu mất cân bằng.

Giá gạo trên thị trường thế giới sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm. Ảnh: N.K

Giá gạo và giá thịt heo

Tính từ đầu năm đến nay, giá gạo thế giới đã tăng gần 19%, hiện đang ở gần mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu trước cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài từ tháng 2 đến nay, dẫn đến nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận, chuỗi cung ứng đứt gãy, đã khiến nhiều nước vội vã kích hoạt chính sách hạn chế xuất khẩu, tích trữ lương thực, đẩy giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm liên tục đi lên trong thời gian qua.

Đơn cử như gần đây nhất là Ấn Độ, nhằm ứng phó với những rủi ro về an ninh lương thực do hạn hán xảy ra ở quốc gia này, từ ngày 9-9 đã ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo khi áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm, khiến thị trường gạo trên thế giới biến động mạnh. Chỉ một tuần sau động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 30 đô la Mỹ/tấn.

Đáng lưu ý là không chỉ ở Ấn Độ, hạn hán cũng đang ảnh hưởng đến sản xuất gạo của Trung Quốc, trong khi lũ lụt và mưa lớn ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển gạo của Thái Lan. Do đó, nhu cầu đối với gạo Việt Nam có thể tiếp tục tăng. Các chuyên gia trong ngành dự báo giá gạo trên thị trường thế giới sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm.

Cổ phiếu PAN, LTG và TAR đều là của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu, do đó có thể hưởng lợi từ xu hướng giá gạo đang tăng tích cực và chính sách mới của Ấn Độ.

Không chỉ được lợi khi các đối thủ xuất khẩu gạo chủ chốt tại châu Á đang gặp nhiều khó khăn, Việt Nam còn đang đứng trước cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Ủy ban châu Âu (EC) mới đăng công báo quy định số 2022/1481 về thuế nhập khẩu gạo xát vào thị trường này. Cam kết từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) nêu rõ EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Riêng với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã bày tỏ sự tự tin rằng, Việt Nam sẽ đạt 3,3 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong năm nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong tám tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,7 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt hơn 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng tương ứng 20% và 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam nhờ khí hậu và giống lúa đặc biệt nên có ba vụ thu hoạch lúa mỗi năm, từ đó các doanh nghiệp gạo Việt Nam luôn tự tin về sản lượng gạo mới.

Cùng với giá gạo, giá thịt heo cũng đang đứng trước khả năng tăng giá từ nay đến cuối năm, khi có thể chịu ảnh hưởng lây lan bởi giá thịt heo tăng vọt tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Tính từ tháng 5 đến nay, giá thịt heo của Trung Quốc đã tăng đến 53%, trong đó riêng tháng 7 và tháng 8 đã tăng lần lượt 20% và 22%, trong bối cảnh sản lượng giảm khiến nguồn cung bị siết chặt, ngược lại nhu cầu của người tiêu dùng đã dần phục hồi sau thời gian thực hiện “bế quan tỏa cảng” theo chính sách zero Covid.

Trước tình thế này, Chính phủ Trung Quốc cho biết họ đã đầu tư vào dự trữ thịt đông lạnh với nỗ lực kiềm chế giá khi Trung Quốc chuẩn bị cho Tết Trung thu vừa qua và Quốc khánh vào ngày 1-10 tới. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng giá thịt heo sẽ tiếp tục ở mức cao, khi thời tiết trở nên mát mẻ hơn và sức tiêu thụ thịt heo phục hồi theo mùa.

Tiền chạy vào cổ phiếu nông nghiệp

Trước diễn biến này, dễ hiểu vì sao nhóm cổ phiếu nông nghiệp, đặc biệt là cổ phiếu lương thực có dấu hiệu thu hút dòng tiền.

Cụ thể, bất chấp thị trường chung điều chỉnh kể từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) vẫn đang ghi nhận mức tăng xấp xỉ 13% trong gần nửa tháng qua, với khối lượng giao dịch bình quân cũng tăng mạnh mẽ so với giai đoạn trước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính Tập đoàn PAN ước tính doanh thu thuần quí 3-2022 của PAN, đạt 3.600 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 140 tỉ đồng, tăng 192%.

Theo đó, lũy kế chín tháng, doanh thu hợp nhất của PAN đạt gần 9.800 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 536 tỉ đồng, tăng 132%. Biên lợi nhuận gộp là 19% trong khi năm ngoái con số này là 16%.

Hay như CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UpCom: LTG), dù quí 2 vừa qua Lộc Trời bất ngờ ghi nhận lỗ 46 tỉ đồng, nhưng trong gần hai tuần qua cổ phiếu của công ty này đã tăng gần 7%. Cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HOSE: TAR) cũng tăng gần 8%, với lợi nhuận sáu tháng đầu năm nay tăng 150% so với cùng kỳ.

Điều quan trọng hơn là thanh khoản của các cổ phiếu cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước, phản ánh tín hiệu dòng tiền đang tập trung vào. Cổ phiếu PAN, LTG và TAR đều là của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu, do đó có thể hưởng lợi từ xu hướng giá gạo đang tăng tích cực và chính sách mới của Ấn Độ.

Ấn Độ là một trong những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam về hoạt động xuất khẩu gạo, với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2021 lên đến 21 triệu/ tấn, tăng vọt từ mức 8-9 triệu tấn gạo/năm trong những năm trước, hiện chiếm 40% tỷ trọng trong ngành thương mại gạo toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho rằng việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo là thông tin bất ngờ, mở ra cơ hội cho các nước khác đẩy mạnh xuất khẩu để thay thế và chiếm lấy thị phần để lại từ Ấn Độ.

Trong khi đó, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) – doanh nghiệp chăn nuôi heo hàng đầu Việt Nam, cũng có dấu hiệu hút tiền gần đây với thanh khoản tăng mạnh, dù thị giá chưa có sự bứt phá đáng kể, do lợi nhuận sáu tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh so với đỉnh cao cùng kỳ và chỉ mới đạt 2,5% kế hoạch lãi sau thuế 918 tỉ đồng đặt ra trong năm nay.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán ACBS đưa ra dự báo tích cực ở nhóm cổ phiếu chăn nuôi, khi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thịt heo phục hồi sau dịch Covid-19 đẩy giá heo tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi dự kiến giảm khi giá các loại nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm đang là động lực lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận cho nhóm này.

Một doanh nghiệp khác cũng đáng chú ý là CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UpCom: AFX), khi có lĩnh vực hoạt động chính là lương thực và thức ăn chăn nuôi. Công ty này hiện đang cung cấp sản phẩm gạo trắng xuất khẩu cho các thị trường châu Á, châu Phi, Trung Đông, đồng thời cũng có trại chăn nuôi heo bên cạnh việc cung cấp thức ăn chăn nuôi thủy sản. Lợi nhuận sáu tháng của công ty này cũng tăng vọt khi gấp 4,5 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 18,3 tỉ đồng.

Đặc biệt, kể từ khi Nhà nước thoái vốn thành công tại mức giá trên 19.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2021, trong gần hai năm qua, giá cổ phiếu AFX chỉ đi ngang tích lũy chủ yếu trong vùng giá 13.000-15.000 đồng/cổ phiếu.

Gần đây, cơ cấu cổ đông của Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang lại có những chuyển động đáng chú ý, sau khi Quỹ hạ tầng PVI- nhà đầu tư đã mua lượng vốn do Nhà nước thoái ra trước đây, hoàn tất bán 51% vốn tại công ty này thì đến lượt một cổ đông lớn khác là Vinafood II bán thành công hơn 5,5 triệu cổ phiếu trong tổng số gần 7,2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty là ông Đặng Quang Thái cũng có động thái mua vào 2,85 triệu cổ phiếu để chính thức nắm giữ 8,14% cổ phần công ty.