Cổ phiếu zombie – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Việc hủy niêm yết bắt buộc một doanh nghiệp nào đó trên sàn chứng khoán được xem như là biện pháp thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Nhưng để đến giai đoạn hết thuốc chữa này thì là quá trễ, và do đó các nhà đầu tư cần hết sức quan tâm đến những dấu hiệu cảnh báo trước đó. Không những vậy, một số dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp nhà đầu tư tránh được những doanh nghiệp zombie trên sàn.

Cảnh báo từ thị trường

Một điểm khác biệt quan trọng giữa các doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết là việc minh bạch báo cáo tài chính và tuân thủ các quy định về công bố thông tin. Đây cũng là nguyên nhân có những doanh nghiệp sau một thời gian niêm yết, lại tự nguyện không muốn niêm yết nữa khi có một cổ đông lớn thâu tóm được doanh nghiệp và không có nhu cầu kêu gọi vốn đại chúng.

 

Việc minh bạch báo cáo tài chính phải được thông qua một đơn vị kiểm toán và nếu trong trường hợp công ty kiểm toán có ý kiến không chấp nhận toàn phần trên báo cáo tài chính thì đây là một dấu hiệu cần quan tâm. Bởi vì theo quy định hiện nay, khi công ty kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến (báo cáo tài chính năm gần nhất) hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ (báo cáo tài chính trong ba năm liên tiếp) thì đều có thể dẫn đến việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trong trường hợp có thể khắc phục thì đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo vì nếu doanh nghiệp muốn, họ vẫn có thể có những thủ thuật để vượt qua được yêu cầu hoặc tìm được một công ty kiểm toán dễ dãi.

Theo thống kê của một công ty cung cấp dữ liệu doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp bị kiểm toán có ý kiến với báo cáo tài chính năm 2020-2021 là 230, chiếm khoảng 14% trong tổng số 1.602 doanh nghiệp niêm yết ở cả ba sàn là HOSE, HNX và UpCom.

Một chỉ số cảnh báo quan trọng thứ hai từ thị trường đó là cổ phiếu niêm yết có đang bị theo dõi hay không. Dữ liệu thống kê đầu tháng 9-2022 cho thấy có 260 doanh nghiệp nằm trong danh sách này. Ở một cấp độ cao hơn, cổ phiếu sẽ bị rơi vào trạng thái cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng giao dịch, hủy niêm yết bắt buộc.

Cảnh báo từ hoạt động của doanh nghiệp

Một trong các chỉ tiêu quan trọng để doanh nghiệp được duy trì tình trạng niêm yết trên sàn là lợi nhuận ròng. Nếu doanh nghiệp thua lỗ trong ba năm liên tục hay tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu bị âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét thì sẽ bị đưa vào diện xem xét hủy niêm yết.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy trong số 1.602 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn, 503 doanh nghiệp có ROE trong khoảng từ -5% đến +10%. Số lượng các doanh nghiệp lỗ ròng trong theo báo cáo tài chính năm 2021 là 178, và số doanh nghiệp có vốn hóa dưới 100 tỉ đồng bị lỗ lên đến 97.

Tuy nhiên, nếu muốn, doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng các thủ thuật kế toán để điều chỉnh lợi nhuận của mình từ các khoản doanh thu phải thu, các khoản dự phòng, các khoản thua lỗ.

Bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động thực sự yếu kém và ráng trụ được trên sàn, có những doanh nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả nhưng hiệu quả thể hiện trên sổ sách thì rất giới hạn và cầm chừng. Thường trong những trường hợp như thế này thì lợi ích chỉ dành cho các cổ đông lớn, hay gọi một cách khác là họ rút ruột doanh nghiệp.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy trong số 1.602 doanh nghiệp niêm yết, 503 doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong khoảng từ -5% đến +10%. Số lượng các doanh nghiệp lỗ ròng trong theo báo cáo tài chính năm 2021 là 178 doanh nghiệp, và số doanh nghiệp có vốn hóa dưới 100 tỉ đồng bị lỗ lên đến 97 doanh nghiệp.

Điều này cho thấy một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ hoạt động cầm chừng, và nếu tiếp tục duy trì tình trạng niêm yết thì cũng không khác gì zombie (xác sống) khi không mang lại được lợi ích cho các cổ đông nhỏ hay các nhà đầu tư mới.

Sức hút từ các doanh nghiệp zombie?

Hiện nay so với một số thị trường chứng khoán khác trong khu vực thì quy mô vốn hóa trung bình của doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam khá thấp, trung bình là 180 triệu đô la Mỹ so với 655 triệu đô la Mỹ của Thái Lan, và 823 triệu đô la Mỹ của Đài Loan. Tuy nhiên so về số lượng doanh nghiệp niêm yết trên quy mô GDP thì khá lớn, hơn hẳn cả Đài Loan.

Các doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động kinh doanh cầm chừng đang chiếm một tỷ trọng khá lớn, gần một phần ba trong tổng số doanh nghiệp niêm yết. Nếu các doanh nghiệp này duy trì tình trạng này trong khoảng thời gian 3-5 năm thì đây là một dấu hiệu mà các nhà đầu tư cá nhân cần chú ý. Ngay cả trong một số giai đoạn có doanh thu hay lợi nhuận đột biến thì cũng phải thận trọng, vì hiệu quả thực của doanh nghiệp cũng cần thời gian để chứng minh.