‘Cuộc chiến vương quyền’ tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

(KTSG Online) – Sau 35 năm gắn bó cùng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) với vai trò người sáng lập và là nhà điều hành cao nhất, ông Lê Viết Hải từng đưa ra quyết định từ nhiệm lui về phía sau. Tuy nhiên, ngay trước ngày quyết định có hiệu lực, ông Hải bất ngờ thay đổi, và cuộc “nội chiến” quyền lực đã nổ ra.

Một công ty hai chủ tịch?

Trước đó, ngày 14-12-2022, HBC đã công bố thông tin về việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải và ông giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập từ ngày 1-1-2023. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú, Thành viên HĐQT độc lập làm Chủ tịch HĐQT HBC từ ngày 1-1-2023.

Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải, đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc vào kỳ đại hội đồng cổ đông năm 2023 sắp tới.

Tuy nhiên đến ngày 31-12-2022 , HĐQT HBC đã công bố nghị quyết thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và đơn từ nhiệm khỏi tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu, hoãn việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Cả ông Lê Viết Hải (bên trái) và ông Nguyễn Công Phú đều cho rằng minh là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Tập đoàn Hòa Bình. Ảnh: DNCC

Tập đoàn cho biết việc tạm dừng thi hành các nội dung trên nhằm củng cố cơ sở pháp lý và thiết lập vững chắc mô hình quản trị mới. Đồng thời, đảm bảo thông suốt mọi hoạt động của tập đoàn trong thời điểm Tết Nguyên Đán 2023.

Trước sự việc trên, ngay sáng đầu năm mới 2023, các thành viên HĐQT độc lập cửa HBC gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã có thông cáo báo chí bác bỏ các động thái do ông Lê Viết Hải công bố, đơn phương thực hiện nhằm tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Phía các thành viên HĐQT độc lập cho rằng hành động của ông Lê Viết Hải trong cuộc họp HĐQT bất thường là không hợp lệ vì không có đủ số lượng thành viên HĐQT tham dự để tiến hành tổ chức họp, không đủ số lượng phiếu bầu thông qua Nghị quyết HĐQT theo quy định của Điều lệ Công ty.

Các cá nhân này cũng cho rằng quyết định được thông qua tại cuộc họp HĐQT ngày 13-12-2022 vẫn có đầy đủ hiệu lực, gồm quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú giữ chức Chủ tịch HĐQT HBC thay ông Lê Viết Hải.

Ngay sau đó, HBC đã phát đi thông cáo được ký bởi ông Lê Viết Hải với vai trò là Chủ tịch HĐQT công bố rằng: “Mọi thông tin, nội dung không được ban hành chính thức từ HBC và đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải đều không có giá trị”.

Tập đoàn cũng khẳng định ngày 31-12-2022 đã công bố nghị quyết HĐQT theo đúng quy định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cũng như tổ chức cuộc họp HĐQT đảm bảo quy định theo đúng luật định (Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty).

Tới sáng ngày 3-1, ông Lê Viết Hải đã gửi tâm thư cho cổ đông, tiếp tục khẳng định chỉ những thông tin được phát ngôn chính thức bởi ông – Chủ tịch HĐQT, là người đại diện theo pháp luật của công ty mới có giá trị và phản ánh đúng sự thật về tình hình công ty.

Ông Hải còn nhấn mạnh những cá nhân nói trên mà chủ yếu là những người không phải cổ đông của công ty, đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của ông mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý công ty và không loại trừ động cơ tiếp tay cho các thế lực tài lực nhằm thâu tóm công ty.

Cơ cấu cổ đông HBC ra sao?

Thời điểm này, các doanh nghiệp niêm yết, trong đó có HBC chưa công bố báo cáo quản trị công ty năm 2022. Tại báo cáo mới nhất (6 tháng năm 2022), cá nhân ông Lê Viết Hải sở hữu 15,84% vốn. Vợ ông Hải là bà Bùi Ngọc Mai, sở hữu 1,83% vốn. Con trai ông là Lê Viết Hiếu nắm 0,46%. Các anh, chị, em ruột của ông Hải nắm khoảng 2% vốn. Các công ty liên quan tới ông Hải không nắm cổ phần HBC. Như vậy, tổng cộng ông Hải và các cá nhân liên quan nắm khoảng 20,1% vốn HBC.

Trong năm 2022, bản thân ông Hải cũng như các thành viên của gia đình không thường xuyên thực hiện các giao dịch cổ phiếu HBC. Một số giao dịch phát sinh hầu hết trong quá trình mua cổ phiếu ưu đãi (ESOP) của HBC (doanh nghiệp phát hành gần 6,3 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên).

Cơ cấu cổ đông HBC. Nguồn: BCTC HBC

Theo báo cáo giao dịch cuối cùng vào ngày 16-12-2022, cá nhân ông Lê Viết Hải sở hữu 17,1% vốn HBC, là cổ đông lớn nhất.

Một cổ đông lớn khác tại tập đoàn này là Hyundai Elevator. Cuối năm 2021, doanh nghiệp Hàn Quốc này sở hữu 10,83% vốn HBC và không phát sinh bất cứ giao dịch nào trong năm 2022, theo công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). Hyundai Elevator ký hợp tác chiến lược với Hòa Bình từ đầu năm 2019, bằng việc mua 25 triệu cổ phiếu HBC với giá 23.000 đồng/cổ phiếu.

Hai cổ đông nước ngoài khác của tập đoàn là Korea Investment Management và PYN Elite Fund sở hữu lần lượt 4,08% và 3,33% cổ phần. Trong đó PYN Elite Fund và KoreaInvestment Management từng là cổ đông lớn của tập đoàn song đã liên tục thoái vốn giai đoạn 2018 – 2020.

Sanei Architecture Planning Co., Ltd của Nhật Bản, là đối tác mua cổ phần trong đợt chào bán 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ của HBC trong quý 4-2022. Sau đợt phát hành riêng lẻ, Sanei Architecture Planning nắm 1,82% vốn của doanh nghiệp.

HBC đang làm ăn ra sao?

Trong bài phỏng vấn mới đây với KTSG Online nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập tập đoàn, ông Lê Viết Hải cho biết, kể từ khi sáng lập đến nay HBC có tốc độ tăng trưởng thần tốc. Tính trung bình về cơ cấu doanh thu trong ba thập niên qua thì cứ 5 năm lại tăng trưởng gấp 5 lần.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019 thị trường bất động sản gặp khó khăn do việc siết chặt cấp giấy phép dự án mới, cộng thêm 2 năm đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp này cũng tổn thương nghiêm trọng. Ghi nhận ở giai đoạn gần nhất là ở ba quý đầu năm 2022, HBC có hơn 10.900 tỉ đồng doanh thu thuần, nhưng lãi ròng chỉ 61 tỉ đồng.

Nếu tính rộng ra về lợi nhuận, lãi sau thuế của doanh nghiệp giảm mạnh từ đầu năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19. Trong 11 quý gần nhất, có 8 quí lợi nhuận của HBC dưới 20 tỉ đồng. Trong 3 quý còn lại, lợi nhuận HBC cao hơn, đạt khoảng 50 tỉ đồng, nhưng cũng chỉ bằng 1/3, 1/4 so với giai đoạn 2017-2019.

Về quy mô tài sản, HBC đã có mức tăng trưởng gấp 3 lần trong 7 năm qua, từ khoảng 6.000 tỉ đồng lên gần 19.000 tỉ đồng, trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn. Dù vậy doanh nghiệp đang gánh khoản nợ phải trả tới gần 15.000 tỉ đồng ( tăng 19% so với đầu năm), chiếm 80% tổng tài sản và gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.

Về chi tiết kết quả kinh doanh quý gần nhất có báo cáo (quí 3-2022), HBC cũng đã ghi nhận mức doanh thu thuần đạt mức 3.778 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái gấp 180%. Mặc dù vậy thì lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức 6,27 tỉ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ 2021. Và một trong những nguyên nhân khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng bị bào mòn đó là vì sự phình to của giá vốn bán hàng cũng như chi phí quản lý.

Chỉ tính riêng quý 3-2022, giá vốn hàng bán bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, chi phí máy móc,… của HBC ghi nhận đạt 3.495 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 bằng 92% doanh thu thuần và gấp 1,8 lần. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2022 lên mức 153,45 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng cũng với các chi phí khác cũng ghi nhận tăng.

Trả lời báo chí khi nhậm chức Chủ tịch HĐQT trước đó ông Nguyễn Công Phú cho rằng, thanh khoản công ty gặp khó bởi vì số lượng hợp đồng cho năm 2023 ghi nhận giảm đến 40%. Khách hàng cũng rất chậm thanh toán, trong trường hợp xấu là có thể mất trắng bởi vì họ phá sản, rủi ro mất trắng ít nhất là 50%. Việc dư thừa nhân sự từ sau Tết Nguyên đán đến thời gian sáu tháng sau phải giải quyết nhanh nhưng phải công minh, công bằng qua đợt hai kiểm toán nhân sự và hệ thống quản trị phù hợp với công ty đại chúng.