(KTSG Online) – Xung đột tranh giành quyền lực hồi cuối năm ngoái tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang có dấu hiệu đi tới hồi kết khi một trong hai nhân vật đối đầu trực tiếp cho vị trí chủ tịch đã rời đi. Đồng thời, người ra đi đã ủy quyền cho người ở lại tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác liên quan đến Hội đồng quản trị doanh nghiệp này.
Hồi kết của cuộc chiến thượng tầng
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa công bố nghị quyết HĐQT chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên độc lập HĐQT công ty của ông Nguyễn Công Phú kể từ ngày 13-2.
HĐQT cũng chấp nhận việc ông Phú ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HĐQT công ty. Đơn xin từ nhiệm của ông Phú sẽ được xem xét thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của công ty.
Như vậy, cuối cùng sự việc tranh chấp thượng tầng ở Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cũng đã đến hồi kết sau nhiều sóng gió.
Sự việc bắt đầu từ tháng 12-2022 khi HĐQT Tập đoàn Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 50 trong đó có nội dung ông Lê Viết Hải từ nhiệm vị trí chủ tịch nhằm đảm bảo tính pháp lý cho con trai đảm nhận chức Tổng giám đốc… Nghị quyết số 51 cùng ngày bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT thay ông Hải từ ngày 1-1-2023.
Tuy nhiên, đến ngày 31-12-2022, Nghị quyết số 53 của tập đoàn này được ban hành hoãn thông qua đơn từ nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị của ông Hải, đồng thời công ty chưa bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức Chủ tịch.
Tuy nhiên, các thành viên HĐQT của Tập đoàn Hòa Bình gồm ông Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã bác bỏ và khẳng định nghị quyết này không hợp lệ. Từ đây cuộc chiến tranh chấp quyền lực tại doanh nghiệp này được đẩy lên cao trào với các nhóm đối lập được xác định rõ ràng.
Đến giữa tháng 1-2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thông báo về quyết định của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TPHCM với nội dung: “Buộc Công ty tạm dừng thi hành các Nghị quyết 50, 51 và 53 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài”.
Đến nay, ông Nguyễn Công Phú đã rút lui khỏi HĐQT đồng nghĩa với việc ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và Người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Hòa Bình. Cuộc tranh chấp thượng tầng ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sau hơn 2 tháng bị đẩy lên cao trào cũng đã bắt đầu có dấu hiệu ngã ngũ.
Hòa Bình bước vào cuộc tái thiết sau “nội chiến”
Đứng trên phương diện nhà sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa bình, những lùm xùm tranh chấp quyền kiểm soát doanh nghiệp có thể là bài học lớn cho ông Lê Viết Hải. Đến nay những nguy cơ từ tranh chấp này tạm tời qua đi nhưng những vấn đề về quản trị có thể đã phơi bày. Có thể sau giai đoạn sóng gió về thượng tầng thì người đứng đầu doanh nghiệp này cần tính đến một cuộc tái thiết mà trước mắt là kết quả kinh doanh tương đối tiêu cực trong năm vừa qua để ổn định tâm lý cổ đong lân đối tác.
Cụ thể, doanh nghiệp này vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2022 với doanh thu thuần đạt 3.218 tỉ đồng – giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, doanh thu cả năm vẫn tăng 24% lên 14.122 tỉ đồng.
Cơn bão giá nguyên vật liệu cùng nhiều chi phí khác đã được phản ánh vào giá vốn khiến cho Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ gộp 426 tỉ đồng vào quí 4-2022. Công ty gánh khoản lỗ 117 tỉ đồng từ bán các khoản đầu tư, đồng thời trích lập gần 360 tỉ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi. Do đó, Hòa Bình lỗ 1.202 tỉ đồng trong quí 4 và lũy kế cả năm 2022 lỗ 1.140 tỉ đồng.
Nói về kết quả kinh doanh này, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, khó khăn của ngành xây dựng đã diễn ra trong thời gian dài mà gánh nặng lớn nhất là sự tăng giá quá mạnh của nguyên vật liệu. Chưa giải quyết được vấn đề tăng giá đầu vào thì cú sốc trên thị trường trái phiếu khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng kém thanh khoản, dừng thi công… Đó tiếp tục là một “đòn” đau đánh vào doanh nghiệp xây dựng.
“Trong kỳ này, trích lập dự phòng các khoản phải thu khách hàng là một khoản trích lập mạnh tay của Tập đoàn Hòa Bình. Có thể nói là chúng tôi mạnh tay cắt bỏ đi những cái u nhọt từ một năm cực kỳ khó khăn để có một cơ thể sạch sẽ, khỏe mạnh hơn bước sang năm 2023 tốt đẹp hơn. Có thể sau những sóng gió vừa qua chúng tôi đã rút ra được bài học cho riêng mình. Hiện nay chúng tôi chấp nhận thực tế rằng các kế hoạch cho năm tới tương đối khó nhưng vẫn phải cải thiện từng bước và nỗ lực tìm cho ra hướng đi”, ông Lê Viết Hải nói.