(KTSG Online) – Không có nhiều ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong năm 2022 vừa qua, mặc dù con số ước tính 15 ngân hàng tăng vốn thêm được 3,6 tỉ đô la Mỹ. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao của năm 2023 này, các nhà băng sẽ còn vất vả hơn để tăng cường nội lực tài chính.
Hầu hết chưa hoàn thành kế hoạch tăng vốn
Thống kê của KTSG Online dựa trên báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) của 27 ngân hàng, cho thấy chỉ có 15 trong số này là tăng vốn điều lệ trong năm qua. Tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 86.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 3,6 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn khoảng 7,4% so với năm trước đó.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ của nhóm 27 ngân hàng này trong năm qua là 17%, thấp hơn đáng kể so với con số 23% trong năm 2021. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chi phối cổ phần, chỉ có Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 28% (nhưng năm 2021 không tăng vốn). Còn lại bình quân nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng trưởng khoảng 21% (vẫn thấp hơn con số 25% trong năm 2021).
Trong khi đó, nếu theo thống kê của Ngân hàng nhà nước (hiện công bố đến cuối tháng 10-2022), cho thấy vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 10,5% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng 5,74%, nhóm ngân hàng tư nhân tăng 15%. Như vậy trong quí 4 vừa qua, các nhà băng đã gấp rút chạy đua tăng vốn cho kịp kế hoạch đưa ra hồi đầu năm.
Trong năm ngoái, nhóm ngân hàng tăng vốn điều lệ lớn nhất phải kể đến các trường hợp như Ngân hàng Nam Á (tăng 65%), VPBank (50%), LienVietPostBank (44%), Ngân hàng VIB (36%), Ngân hàng An Bình (35%). Số còn lại tăng trưởng nằm trong khoảng 15-30%.
Phía ngược lại, có khoảng 12 ngân hàng trong nhóm khảo sát không tăng vốn. Nếu nhìn kỹ hơn, phần nhiều trong số này là các ngân hàng nhỏ (khoảng 5 ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ hơn 5.000 tỉ đồng). Ngoài ra còn một số trường hợp đặc biệt khác như Sacombank, Eximbank là không tăng vốn trong nhiều năm qua.
Có thể thấy trong ba năm trở lại đây, các ngân hàng đều lên kế hoạch tăng vốn “khủng” dựa vào sự đi lên của chỉ số VN-Index. Hầu hết các ngân hàng đều trình kế hoạch tăng vốn vào đầu năm ngoái, trừ Sacombank và Techcombank.
Cách thức tăng vốn chủ yếu là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 10-50%, ngoài ra còn có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng tăng vốn thành công, có ngân hàng chỉ hoàn thành một phần kế hoạch.
Điển hình như trường hợp của của VPBank, dù năm qua tăng mạnh 50% vốn điều lệ từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng ngân hàng này chưa hoàn thành kế hoạch phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 15% cho đối tác chiến lược. Kế hoạch của nhà băng này là tăng vốn điều lệ lên mức 79.344 tỉ đồng, nhưng cuối năm chỉ cán mốc 67.434 tỉ đồng. Dù vậy, con số này vẫn vượt xa so với ngân hàng xếp thứ hai trên bảng tổng sắp về quy mô vốn điều lệ là BIDV (hơn 50.500 tỉ đồng).
Tại Ngân hàng SHB, phương án tăng vốn điều lệ lên mức hơn 36.000 tỉ đồng được cơ quan quản lý phê duyệt hồi tháng 10, nhưng sau đó nhà băng này chỉ kịp tăng vốn thêm 15% từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, đưa vốn điều lệ đạt hơn 30.000 tỉ đồng.
Tương tự, LienVietPostBank dự kiến tăng vốn lên đến 21.250 tỉ đồng, nhưng cuối năm chỉ đạt mức 17.291 tỉ đồng. Hay trường hợp của ngân hàng MB chỉ chia cổ tức nhưng chưa thực hiện được việc phát hành riêng lẻ.
Thị trường chứng khoán không thuận lợi được lý giải là một trong những lý do khiến các nhà băng chậm triển khai kế hoạch phát hành thêm. Đa phần kế hoạch tăng vốn được cơ quan quản lý phê duyệt sau mùa đại hội cổ đông vào tháng 4, nhưng sau đó thị trường bắt đầu đi xuống liên tục, đặc biệt là trong giai đoạn giữa tháng 11 khi hệ thống ngân hàng gặp trục trặc thanh khoản.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố đầu tháng 2 vừa qua, việc các ngân hàng không hoàn thành kế hoạch tăng vốn một phần là do vấn đề trai phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản kém tích cực dẫn đến sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán, cũng như sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến hoạt động tăng vốn.
Có thể nói cùng những câu chuyện khác trên thị trường tài chính, sự đi xuống mạnh mẽ của thị trường đã khiến cho câu chuyện tăng vốn của nhà băng trở nên nhạt nhòa đi. Tuy nhiên, câu chuyện chính của hệ thống các ngân hàng thương mại trong hơn một thập kỷ trở lại đây vẫn là việc tăng vốn.
Cuộc đua tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới
Đầu năm 2023, Vietcombank tổ chức đại hội cổ đông bất thường, công bố thay đổi nhân sự cấp cao cũng như đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên đến 58,4%, lên mức hơn 75.000 tỉ đồng.
Phương án tăng vốn là phát hành thêm tối đa 2,77 tỉ cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc 2024.
“Nếu không được tăng vốn điều lệ thì khó có thể đảm bảo vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần và khả năng điều tiết thị trường trong nước”, tờ trình tăng vốn của Vietcombank có đoạn.
Trên thực tế, vốn điều lệ của Vietcombank thấp nhất trong các ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối, thậm chí hiện còn thấp hơn một vài ngân hàng tư nhân và thấp hơn nhiều so với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.
Nhưng khối ngân hàng tư nhân hiện cũng đang ráo riết phải chạy đua tăng vốn. Lãnh đạo VPBank mới đây cập nhật thêm cho biết phương án phát hành thêm 15% cho nhà đầu tư ngoại cho biết hiện ngân hàng vẫn giữ kế hoạch này, trước đó dự kiến thực hiện trong quí 3 năm ngoái.
Tương tự, Eximbank trong năm ngoái cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 12.355 tỉ đồng lên hơn 14.814 tỉ đồng với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ của Eximbank đã không thay đổi từ năm 2011 đến nay.
Cuối năm ngoái, cổ đông HDBank cũng đã thông qua phương án phát hành 500 triệu đô la trái phiếu cho nhà đầu tư quốc tế, đồng thời đưa ra phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi số trái phiếu này để tăng vốn điều lệ. Trong hai năm qua, HDBank bình quân tăng vốn 25% mỗi năm từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Thống kê của VCSC cho thấy ước tính chỉ riêng Vietcombank, VPBank, MB, LienVietPostBank có thể huy động vốn mới với tổng giá trị ước tính lên đến 68.000 tỉ đồng, tương ứng 2,9 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2023-2024 thông qua việc phát hành riêng lẻ.
Trong năm qua có thể thấy đa phần việc tăng vốn thành công đến từ hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu, trong khi hoạt động phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu hoặc các nhà đầu tư mới gần như chững lại. Trên thực tế phương án phát hành thêm sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến thuận lợi trên thị trường chứng khoán.
Do đó có thể nói thách thức tăng vốn hiện nay là không nhỏ. Đánh giá về kế hoạch tăng vốn 2021-2025, Vietcombank cũng cho rằng việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này là “khá thách thức”. Trong khi đó, giải pháp phát hành trái phiếu tăng vốn cũng gặp khó do xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng.
Tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắc khe hơn của ngành ngân hàng về an toàn hoạt động, tăng cường hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đồng thời có thêm nguồn lực tài chính quan trọng để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong mùa đại hội cổ đông sắp tới, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục hoàn thành kế hoạch tăng vốn cũ đã đặt ra trong năm ngoái, hoặc đưa ra những kế hoạch táo bạo hơn. “Chúng tôi kỳ vọng hoạt động tăng vốn sẽ trở lại vào năm 2023”, khối phân tích của VCSC nhận định. Dù vậy, đây sẽ là áp lực không nhỏ đến hoạt động của các nhà băng trong năm nay, đặc biệt là trong môi trường lãi suất cao tiếp tục duy trì như hiện nay.