(KTSG Online) – Các doanh nghiệp xuất khẩu đang ở trong trạng thái đầy sự âu lo vì khó định đoán được tình hình thị trường để lập kế hoạch và có chiến lược kinh doanh trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ.
Những khó khăn của năm 2022 như lạm phát và lãi suất tăng cao, xung đột chính trị Nga – Ukraine được dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2023, cùng với những thách thức mới, bao gồm suy giảm tiêu dùng, biến chủng mới của dịch bệnh… đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh kinh doanh khó đoán định, các nhà xuất khẩu nỗ lực xoay xở trong nỗi âu lo.
Người lao động sớm trở lại nhà máy, nhưng …
Khác với những năm trước, khi số công nhân trở lại công việc thường nhật sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán chỉ khoảng 70-80%, năm Quý Mão này điều bất ngờ đã xảy ra tại hai xưởng sản xuất đồ gỗ của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) ở Đồng Nai và Đồng Tháp. Lượng công nhân quay trở lại làm việc ngay ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết lên hơn 95%.
Niềm vui khi công nhân quay trở lại làm việc đông đủ vẫn không làm vơi đi nỗi trăn trở của ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Viet Products – chủ sở hữu hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnist. Ông lo lắng khi lượng đơn đặt hàng sản xuất trong quí 1-2023 tiếp tục giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường xuất khẩu chính của Viet Products như Mỹ, châu Âu tiếp tục gặp khó khăn về sức mua, khiến cho đối tác nhập khẩu cắt giảm mạnh đơn đặt hàng. “Chúng tôi đã xoay xở mọi cách để giữ chân người lao động trong 6 tháng cuối năm qua. Giờ đây tình hình sụt giảm đơn hàng vẫn tiếp tục mà chưa nhìn thấy lối ra”, ông Sang chia sẻ.
Trong vai trò là hội viên của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), ông Sang cho biết nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành xuất khẩu đồ gỗ cũng gặp phải tình trạng khó chồng khó khi đơn hàng bị sụt giảm mạnh đồng thời phải “gồng mình” để giữ chân người lao động.
Tương tự, với ngành dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek), đây là năm hiếm hoi mà lực lượng lao động quay trở lại làm việc đông đảo lên đến hơn 90% sau kỳ nghỉ Tết.
Câu chuyện thường thấy sau kỳ nghỉ Tết các năm trước đây là người lao động quay trở lại làm việc chỉ 70-80% nên nhiều doanh nghiệp dệt may thường lo lắng thiếu công nhân để sản xuất kịp đơn hàng. Chưa kể, các doanh nghiệp quy mô nhỏ còn lo lắng bị doanh nghiệp lớn cùng ngành hút người bằng lương thưởng hoặc các chính sách đãi ngộ cao hơn. Còn có tình trạng công nhân ngành may mặc nhảy việc sang các ngành khác như điện tử, da giày…
Thế nhưng, bước qua năm Quý Mão, câu chuyện đã thay đổi hoàn toàn, công nhân tất bật quay trở lại nhà máy để giữ việc làm nhưng doanh nghiệp lại không đủ đơn hàng để vận hành hết các dây chuyền sản xuất. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm hiện nay thì không riêng ngành dệt may, đồ gỗ, da giày… mà doanh nghiệp ở hầu hất các ngành nghề khác đều đang ngấm đòn khó khăn.
Tổng hợp thông tin từ các hội viên của Agtek, ông Hồng cho biết nếu như những tháng cuối năm vừa qua đơn hàng xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp bị sụt giảm khoảng 25% thì bước qua quí đầu năm 2023, tỷ lệ này là 30-40%.
“Do đơn hàng sụt giảm nhiều nên có doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết dài ngày hơn quy định”, ông Hồng chia sẻ. Cho nên vấn đề hiện nay là doanh nghiệp phải xoay xở nhiều cách để có việc làm trong bối cảnh người lao động quay trở lại nhà xưởng đông đủ.
Không chỉ ngành dệt may và đồ gỗ, mà nhiều lĩnh vực khác có lượng lao động quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết năm nay đều tăng so với những năm trước đó. Đơn cử như tại TPHCM, vào ngày làm việc đầu tiên của năm Quý Mão tức mùng 6 Tết, tỷ lệ lao động quay lại nhà máy doanh nghiệp đạt 95%.
Theo ngưới đại diện của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, vào cuối năm ngoái tình hình sản xuất khó khăn diễn ra tại một số doanh nghiệp nên người lao động có suy nghĩ thay đổi hơn các năm trước. Tình trạng đổi việc, nhảy việc sau Tết không còn là xu hướng, công nhân mong muốn có việc làm ổn định.
Bên cạnh đó, trong năm vừa qua các doanh nghiệp luôn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, duy trì việc làm để ổn định nguồn lao động cũng góp phần tạo sự gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động.
Ở quy mô cả nước, theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động, tính đến ngày 30-1 vừa qua (tức mùng 9 Tết), hơn 95% người lao động đã quay trở lại làm việc. Đây được xem là một tỷ lệ khá cao và ổn định với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Nghe ngóng từ thị trường, chuyển động theo diễn biến mới
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề lo lắng của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu với diễn biến thị trường trên thế giới có nhiều biến động nên khó có thể lập ra kế hoạch trong sản xuất kinh doanh như những năm trước đây.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Viet Products, chia sẻ sự lo lắng ở thời điểm này là không thể định đoán được tình hình thị trường để có thể đưa ra dự báo cũng như kế hoạch cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cả năm 2023.
“Xung đột về chính trị giữa Nga-Ukraine chưa thấy hồi kết, lạm phát không ngừng gia tăng, suy thoái kinh tế, dịch bệnh… Mọi thứ chưa biết sẽ thế nào?”, ông Sang nói, và cho biết: “Đã 16 năm hoạt động kinh doanh và xuất khẩu, đây là lần đầu tiên chúng tôi rơi vào tình thế khó khăn về dự báo thị trường để có thể đặt ra mục tiêu kinh doanh của cả năm”.
Vấn đề trên cũng đang xảy với các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác. Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc công ty TNHH Việt thắng Jeans (VitaJean), diễn biến thị trường thế giới hiện nay quá khó định đoán để VitaJean cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may xuất khẩu có thể lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
“Trước bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động thì buộc chúng tôi phải thay đổi chiến lược sản xuất kế hoạch”, ông Việt chia sẻ, và nói: “Thay vì mục tiêu dài hạn cho cả một năm hoặc ít nhất là 6 tháng với hết một bộ sưu tập thông thường của ngành may mặc thì giờ đây chúng tôi có mục tiêu ngắn hạn hơn nhiều, thậm chí là điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo từng tháng”.
Rõ ràng sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến tác động của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine rồi lạm phát khắp nơi ập đến,… khiến doanh nghiệp buộc phải thay đổi nhanh. “Đáng chú ý là thị trường Anh và khối liên minh EU chúng tôi dự báo có khả năng sẽ bị khủng hoảng, trong khi đây là những thị trường chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của VitaJean”, ông Việt chia sẻ.
“Tùy thuộc theo chính sách của những nước này nhưng khi đã xảy ra khủng hoảng thì thông thường phải mất ít nhất 2 năm mới có thể phục hồi trở lại được”, ông Việt dẫn chứng khó khăn để VitaJean cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu ở những thị trường này nhiều trong việc lập kế hoạch kinh doanh.
Trong khi đó, Mỹ – thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam và VitaJean cũng đang có khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu ở thị trường này cũng đang bị sụt giảm 20-30% đơn hàng. Ông Việt dự báo khó khăn ở thị trường này sẽ còn tiếp diễn và có thể kéo dài đến quí 3 tới mới sẽ có dấu hiệu phục hồi.
Chủ tịch Agtek, ông Phạm Xuân Hồng, cũng cho rằng thông thường vào tháng cuối cùng của năm, doanh nghiệp đã có kế hoạch cụ thể cho hoạt động sản xuất kinh doanh của năm kế tiếp. Nhưng trong năm 2023 này cho thấy có sự ngoại lệ ở nhiều doanh nghiệp.
Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 cho thấy tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại; gia tăng khả năng suy thoái; lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh… khiến doanh nghiệp khó đoán định để có thể lập kế hoạch kinh doanh như mọi năm.
“Phần lớn doanh nghiệp dệt may hiện nay có chiến lược sản xuất kinh doanh ngắn hạn theo từng quí. Họ luôn cập nhật tin tức, sự biến động diễn biến của thời cuộc để có kế hoạch kinh doanh…”, vị Chủ tịch Agtek nói thêm, và cho rằng: ‘Điều này sẽ giúp doanh nghiệp bám sát thị trường, giảm tối đa lượng hàng hóa tồn kho,… nhưng chỉ đáp ứng được tình hình ngắn hạn mang tính tức thì”. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh thường phải có sự chuẩn bị dài hơi về nhiều mặt nhất là nguyên phụ liệu để khi thị trường phục hồi trở lại, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng trên thế giới đầy biến động và đứt gãy.
Tương tự, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, các doanh nghiệp chia sẻ tình hình kinh doanh năm 2023 rất thách tức và nhiều khó khăn.
“Sau cơn đại dịch hoành hành và bào mòn đến giờ dường như doanh nghiệp đã bị đuối sức”, ông Nghĩa nhận định, và cho rằng: “Tình hình năm nay tiếp tục cho thấy quá khó khăn khi kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát cao, lãi suất ngân hàng tăng, khó khăn vay vốn..”
Cũng là Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Thành, doanh nghiệp có nhiều công ty thành viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng hiện nay doanh nghiệp khó thể đưa ra dự báo vì tình hình kinh doanh quá bất định.
Theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn sản xuất do bị sụt giảm hoặc không có đơn hàng; trong khi tình hình trong nước cũng khó khăn không kém. Đơn cử ngành bất động sản đang quá khó khăn, kéo dây chuyền các ngành nghề khác… không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà cả việc làm – thu nhập của người lao động.
Năm 2023 , các doanh nghiệp gần như không nghĩ đến sẽ mang lại lợi nhuận kinh doanh mà chỉ mong làm sao ráng duy trì sản xuất để giữ chân người lao động, bảo toàn doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Cắt giảm chi phí, tìm kiếm cơ hội
Rõ ràng thế giới đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan. Doanh nghiệp xuất khẩu rất khó tránh được thiệt hại trong giai đoạn này. Chiến lược kinh doanh tốt hiện nay theo giới phân tích là cần tập trung vào hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Do đó, trước bối cảnh khó khăn và nhiều biến động hiện nay, các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất để người lao động có việc làm, có thu nhập, nhằm ổn định tình hình lao động, để khi có đơn hàng trở lại thì tiếp tục sản xuất.
Và trước cơn bão lạm phát, mỗi doanh nghiệp có cách ứng xử khác nhau, trong đó giải pháp chọn cách cân đối biên lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với khách hàng được các doanh nghiệp chọn lựa. Việc đàm phán và tìm kiếm khách hàng mới, thị trường ngách nhằm duy trì sản xuất thường xuyên và việc làm ổn định cho người lao động cũng được nhiều doanh nghiệp thực hiện.
Các doanh nghiệp chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tài chính ngắn hạn trong điều kiện thị trường khó khăn để ổn định lao động, nhất là người lao động lành nghề. Bởi lẽ rất khó tuyển lao động có tay nghề, kinh nghiệm nếu họ nghỉ việc. Và nếu không có chính sách ổn định giữ chân lao động, doanh nghiệp sẽ rất khó duy trì vị thế cạnh tranh với các đối thủ khác.
Ngoài những giải pháp các doanh nghiệp đưa ra, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng trong bối cảnh nhu cầu giảm, doanh nghiệp dệt may cần tận dụng các ưu đãi thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do, nâng cao sức cạnh tranh với các đối thủ. Mặt khác, doanh nghiệp cần tăng tính chủ động về nguyên liệu đầu vào và đầu tư thêm vào các sản phẩm cao cấp, khác biệt để đứng vững trước “bão” lạm phát.
Nhận định của đại diện các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp rằng khó khăn hiện nay là tình hình chung trên toàn cầu. Điều doanh nghiệp cần làm lúc này là tiết giảm chi phí tối đa để bảo toàn nguồn lực, tái cấu trúc quy trình nội bộ, chuẩn bị tốt nhất về nội lực cho ngày trở lại đường đua ở tương lai.
Trên hết điều quan trọng lúc này cho thấy doanh nghiệp có kỹ năng quản trị tốt, nhanh nhạy thay đổi để thích ứng. Trên thực tế cũng cho thấy thị trường chứng kiến những công ty có nền tảng quản trị tốt đang lấy lại đà phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Đối với tình hình khó định đoán trong tình hình như bây giờ thì doanh nghiệp phải tiên lượng tình huống xấu nhất và chia từng lớp chi phí để cắt, giảm. Từ đó, doanh nghiệp biết được có thể bị hao hụt bao nhiêu, cần làm gì để tìm nguồn tài chính hỗ trợ từ sớm hơn.
Thực tế cũng cho thấy áp lực từ suy giảm thị trường khiến các doanh nghiệp đang làm việc tích cực hơn lúc nào hết để có thể kiến tạo ra các giá trị mới và phát triển hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, để có được kết quả thực sự, doanh nghiệp vẫn cần thời gian, kiên nhẫn vượt khó. Tương lai vẫn phụ thuộc vào tình hình ở Mỹ, châu Âu… và các yếu tố nhiều biến động khác như giá cước vận chuyển, nguyên liệu…
Cho đến nay chưa có một câu trả lời chắc chắn nào với tình hình thế giới. Nhiều dự đoán về năm mới đã được đưa ra với niềm hy vọng dành cho việc kinh tế thế giới sẽ phục hồi trong khoảng thời gian nửa cuối năm, mở đường khôi phục “sức khỏe” cho những doanh nghiệp sản xuất.
Còn ông Nguyễn Văn Sang của Công ty Viet Products nhìn thấy những tia hy vọng mới khi giá gas hiện đã được giảm như trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine nên ông hy vọng người tiêu dùng ở khu vực châu Âu và Mỹ – những thị trường xuất khẩu lớn của hàng hóa Việt Nam sẽ tăng chi tiêu trở lại. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu cũng đã bán hàng hóa qua một mùa rồi nên ông cũng hy vọng lượng tồn kho của họ đã giảm nhiều để bắt đầu đặt hoặc gia tăng những đơn hàng mới vào 3-6 tháng tới. Mặt khác người tiêu dùng cũng đã dần thích nghi với tình hình khó khăn trong thời gian qua để có thể vượt qua và phục hồi lại tiêu dùng.