(KTSG Online) – Mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 – 2.000 tỉ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) và tăng dần hàng năm để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đạt mức 30 ngày nhập ròng từ năm 2026.
Sáng 28-2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bộ đã xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022, theo TTXVN đưa tin.
Phương án trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ tư vào cuối tháng 12-2022 đề xuất từ năm 2023 – 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026 – 2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỉ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Hiện nay ngân sách nhà nước mới bố trí được khoảng 1.500 tỉ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.
Để từng bước giải quyết khó khăn trên, ngày 17-2-2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.
Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 – 2.000 tỉ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định số 1030 ngày 13-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Về nhiệm vụ thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc thực hiện nhiệm vụ trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do hiện nay Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế. Bộ đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia.
Trước mắt, để công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia không bị gián đoạn, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản, tạm thời tiếp tục áp dụng mức phí tại Quyết định số 65/QĐ-BKH năm 2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia để làm căn cứ cho Bộ Công Thương xây dựng lại định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia bảo đảm phù hợp với thực tế, gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành để tổ chức lựa chọn đơn vị bảo quản riêng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống, theo TTXVN.