(KTSG Online) – Nhằm đảm bảo quyền lợi cho 200.000 người bị nợ bảo hiểm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các giải pháp, trong đó có việc phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về chuyện nợ đóng bảo hiểm, từ chối cho những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm tham gia đấu thầu.
Khi bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều quyền lợi liên quan: không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, bị cắt giảm các chế độ phúc lợi… Đây là vấn đề an sinh xã hội rất lớn, trong cả hiện tại và tương lai.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là 22.000 tỉ đồng, tương đương hơn 5% tổng số phải thu, số nợ này biến động tùy thời điểm.
Đặc biệt có khoảng 3.500 tỉ đồng xuất phát từ hơn 30.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, đã phá sản, giải thể hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn, để lại khoản nợ lớn tiền lương, BHXH của người lao động và hiện chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Cũng theo thống kê của công đoàn, giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm. Các công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỉ đồng tiền lương và 750 tỉ đồng tiền đóng BHXH; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỉ đồng tiền lương và 435 tỉ đồng tiền đóng BHXH.
Khi bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH, người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều quyền lợi liên quan như không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, bị cắt giảm các chế độ phúc lợi… Tuy nhiên hầu hết người lao động không dám đòi hỏi hay đấu tranh vì sợ bị đuổi việc. Một số người tìm cách tự lo cho mình, tự bỏ tiền đóng BHXH tự nguyện để được tiếp tục hưởng các quyền lợi an sinh.
Cổng thông tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa báo cáo lên Trung ương việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH với hệ quả hơn 200.000 người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn.
200.000 người bị nợ BHXH có thể dẫn đến hệ lụy 200.000 gia đình gặp khó khăn, chưa kể số lao động bị nợ BHXH không chốt được sổ BHXH và sẽ không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con cũng như không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động khi làm việc. Đây là vấn đề an sinh xã hội rất lớn, trong cả hiện tại và tương lai.
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trình Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền và trình Quốc hội phương án giải quyết.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, doanh nghiệp đang hoạt động dù chậm, trốn đóng BHXH nhưng vẫn có cách giải quyết khi có chế tài buộc họ hoàn trả số tiền hoặc người lao động cần giải quyết quyền lợi thì luật pháp cho phép doanh nghiệp đó đóng khoản tiền tương ứng số nợ BHXH.
Thậm chí có thể nghiên cứu bổ sung phương án phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về chuyện nợ đóng bảo hiểm, từ chối cho những doanh nghiệp trốn đóng BHXH tham gia đấu thầu.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phá sản, giải thể và chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì việc xử lý rất khó vì khi thanh lý tài sản theo Luật phá sản, khoản đóng BHXH không phải khoản ưu tiên. Khi đó, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng rất lớn.
Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất trung ương quyết định chính sách đặc thù dành cho hơn 200.000 người lao động bị nợ BHXH. Bên cạnh đó, khi sửa đổi Luật BHXH cần có những điều chỉnh phù hợp để vừa xử lý được vấn nạn doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH đồng thời thu hút được người lao động tham gia bảo hiểm.