Sau gần một tháng công chiếu, “The Little Mermaid” ghi nhận mức doanh thu vỏn vẹn 431 triệu đô trên phạm vi toàn cầu. Tình thế này được dự đoán không thể “cứu vãn” khi bị chính người dân quê nhà Bắc Mỹ thờ ơ, và thị trường màu mỡ – xứ tỷ dân Trung Quốc cũng không chịu chi tiền mua vé. Thất bại của nàng tiên cá bản live-action khả năng cao sẽ làm sụp đổ đế chế dòng phim remake của Disney vốn đã được lên kế hoạch dài hạn.
“The Little Mermaid” chỉ lời 31 triệu đô sau 3 tuần công chiếu
Tính đến ngày 15.6, “The Little Mermaid” chỉ thu về 236 triệu đô ở khu vực nội địa. Trên toàn thế giới, nàng tiên cá bản live-action cũng không khấm khá hơn khi chỉ thu về 185 triệu đô. Ở khu vực châu Á như xứ tỷ dân – Trung Quốc chỉ thu về 3,7 triệu đô, thậm chí con số này còn thấp hơn thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản khi 2 quốc gia này lần lượt ghi nhận mức doanh thu là 4,9 triệu đô và 5,1 triệu đô. Ở riêng thị trường Việt Nam, “The Little Mermaid” chỉ thu về khoảng 11 tỷ sau 2 tuần công chiếu, trong khi “Transformers: Rise Of The Beasts” đạt được con số này chỉ sau ngày đầu tiên khởi chiếu.
“Nhà Chuột” đã đầu tư cho “The Little Mermaid” mức kinh phí lên đến 400 triệu đô, gồm 250 triệu đô tiền làm phim và 150 triệu đô cho hoạt động truyền thông. Vì thế, với mức doanh thu hiện tại trên toàn cầu “khiêm tốn” 431 triệu đô, Disney khả năng cao sẽ kết thúc công chiếu sau một tháng, với khoản lời chỉ ở mức 50 triệu đô.
Con số này được xem là thất bại thảm hại trong lịch sử phim remake của Disney. Theo đó, những tác phẩm được ra mắt trong khoảng 5 năm trở lại đều ghi nhận thành tích đáng nể. Chẳng hạn như “Beauty And The Beast” (2017) với kinh phí 160 triệu đã nhanh chóng hoà vốn chỉ sau 3 ngày công chiếu chỉ tại thị trường nội địa, hay “Aladin” (2019) tuy nhận nhiều ý kiến trái chiều cũng chỉ tốn 1 tuần để gỡ mức vốn 183 triệu đô. Phải chăng nước cờ dành cho “The Little Mermaid” của Disney đã sai lầm?
Khi Disney tự tay “phá huỷ” đế chế dòng phim remake live-action
Nguyên nhân dẫn đến mức doanh thu lẹt đẹt này chủ yếu đến từ tranh cãi xoay quanh tạo hình của diễn viên chính, Halle Bailey. Nữ diễn viên sinh năm 2000 sở hữu nước da bánh mật, ngoại hình đầy đặn cùng mái tóc mang phong cách “locs”. Tất cả những điểm trên khi so sánh với nguyên tác bị nhận xét là hoàn toàn trái ngược hình tượng của nàng tiên cá Ariel nhỏ nhắn cùng làn da trắng trẻo. Đặc biệt, dù Disney đã tiêu tốn 150 nghìn đô, mái tóc đỏ mềm mại, bồng bềnh trong làn nước của nàng Ariel cũng không thể tái hiện trên màu tóc nâu, mang phong cách “locs” của Halle Bailey.
Việc lựa chọn một nữ diễn viên da màu sẽ giúp “nhà Chuột” nhấn mạnh tính nhân văn và ủng hộ quyền bình đẳng dân tộc. Song, quyết định này lại khiến Disney bị “lỗ nặng”. Khán giả chỉ trích Disney lợi dụng màu da và sắc tộc để kiếm lợi nhuận mà chẳng buồn suy tính đến phản ứng của dư luận, thậm chí xem thường những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của người xem. Vậy điều gì khiến khán giả bỏ tiền ra cho một tác phẩm vốn không dành cho họ?
Không thể phủ nhận Halle Bailey là một diễn viên tài sắc vẹn toàn tuy nhiên cả cô và Disney đều sai lầm với “The Little Mermaid”. Chính bởi ở các tác phẩm remake về trước, “nhà Chuột” luôn giữ giới hạn nhất định trong quá trình sáng tạo dựa trên nguyên tác. Chẳng hạn như Disney phải siết vòng eo của Lily James chỉ còn 50cm khi hóa thân thành nàng Cinderella, hay sang tận Ấn Độ để bám sát đúng nguyên tác của “Aladdin” và chật vật thời gian dài thuyết phục khán giả xem phim do diễn viên chính là người châu Á.
Tạm bỏ qua về tạo hình quá “sáng tạo” so với nguyên tác, điều quan trọng nhất khiến khán giả không thể đồng cảm được với “Nàng tiên cá” chính là ở kịch bản. Một kịch bản được đại đa số khán giả đánh giá là không thể cứu vớt được “phần nhìn” khi cốt truyện lỏng lẻo, nút thắt rối mù, và không đủ cao trào. Diễn xuất của Halle Bailey có thể được đánh giá cao nhưng vẫn không thể “gánh” toàn bộ 135 phút. Thật tiếc khi phải thừa nhận “The Little Mermaid” chính là một bước lùi cho dòng phim remake vốn rất ăn nên làm ra của “Nhà Chuột”.
Dòng phim này được Disney thực hiện từ năm 1994 và tập trung phát triển mạnh mẽ từ những năm 2014, với cú hích phòng vé đầu tiên là “Maleficent” làm lại từ “Sleeping Beauty” (1959). Nối tiếp khởi đầu may mắn này, Disney đều đặn hằng năm ra mắt từ 1-3 bộ phim remake và đảm bảo thay đổi trong giới hạn cố định. Disney đã thành công chứng minh đế chế hùng hậu khi thành công ở cả phim nguyên tác và phim remake xuyên suốt một thế kỷ khi luôn tuân theo quy tắc này. Chính vì vậy “nhà Chuột” luôn khán giả hài lòng, cảm thấy được tôn trọng và chịu chi tiền cho dòng phim được làm lại.
Tuy nhiên, sau thất bại của “The Little Mermaid”, đế chế “phim remake” của Disney đang đứng trước nguy cơ bị sụp đổ. Bỏ qua những tính toán của Disney hay vấn nạn phân biệt chủng tộc từ khán giả, có thể thấy, khán giả cần Disney mang đến “người thật”, được xây dựng giống như “người hoạt hình” như những gì Disney đã từng thực hiện. Bởi lẽ, đó chính là hình ảnh gắn với ký ức đầu tiên của họ về nhân vật ấy, về những nàng công chúa Disney đã tạo nên những kỷ niệm không thể quên song hành cùng tuổi thơ của họ.
“Nếu Disney cứ khăng khăng tạo ra sự đổi mới bằng cách này, có lẽ những bạn nhỏ sẽ không còn tập trung vào cái kết có hậu. Mà thay vào đó, chúng sẽ chỉ băn khoăn về màu da của công chúa và hoàng tử, hay rốt cuộc đâu mới là nàng công chúa chúng luôn nghĩ đến?”, theo tờ Global Times. Nếu muốn tiếp tục hàng loạt dự án remake hứa hẹn của năm 2024 như “Snow White”, “Lilo & Stitch”,… Disney phải cực kỳ thận trọng và cần biết khán giả của họ thật sự muốn điều gì. Từ đó, “nhà Chuột” vừa có thể mang đến các tác phẩm đáp ứng tính giải trí và nhân văn, đồng thời tránh phải những chỉ trích không đáng có.