(KTSG Online) – Bộ Tài chính sẽ tiến hành giám sát hoạt động đầu tư chứng khoán, trái phiếu và kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp bảo hiểm từ xa và trực tiếp tại trụ sở nhằm hạn chế rủi ro cho thị trường và người tiêu dùng.
Tại buổi họp báo chuyên đề Giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 chiều 16-6, Bộ Tài chính cho biết một trong những điểm mới của Luật là doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng theo quy định tại khoản 3 Điều 99.
Doanh nghiệp cũng không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ.
Ngoài ra, được cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng. Bên cạnh đó, nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro.
Việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kinh doanh bất động sản nhằm thống nhất với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Các tổ chức tín dụng. Đây là quy định mới so với luật hiện hành, khi doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 10% hoặc 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vào cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán do các doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí về an toàn hoạt động. Ngoài ra, thông tin liên quan tới cổ phiếu và doanh nghiệp niêm yếu đều được được công khai, minh bạch với nhà đầu tư.
Ngược lại, doanh nghiệp không được phép đầu tư vào các cổ phiếu chưa niêm yết trên sàn đối với lĩnh vực bất động sản.
Những quy định này, theo ông Huyền, xuất phát từ yêu cầu thực tế là doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn vốn để thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
“Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn khuyến khích các doanh nghiệp tái đầu tư nguồn lực vào nền kinh tế, nhưng cần đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp bảo hiểm mà lại kinh doanh rủi ro như đầu tư toàn bộ vào bất động sản, hay các kênh rủi ro khác thì không phù hợp với quy chuẩn chung của ngành”, ông Huyền nói.
Về quy định công ty bảo hiểm được cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, ông Huyền cho biết điều này xuất phát từ thực tế một số doanh nghiệp có trụ sở thừa không dùng tới thì được phép cho thuê.
Về cơ chế kiểm soát đầu tư, ông Huyền cho biết việc kiểm soát trước hết đến từ chính các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là những đơn vị đã đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện quy định tại Luật Chứng khoán. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng kiểm soát hoạt động đầu của doanh nghiệp theo hướng hậu kiểm.
“Luật đã có các quy định rõ ràng, cho phép doanh nghiệp được làm gì, không được làm gì trên hồ sơ đăng ký. Sau này có hai hình thức giám sát gồm giám sát từ xa qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp và một số báo cáo khác, giám tại chỗ thông qua thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp. Nếu xác định doanh nghiệp có vi phạm thì sẽ bị xử lý”, ông Huyền nhấn mạnh
Với các doanh nghiệp hiện có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, vị này cho biết các đối tượng này sẽ có thời gian chuyển tiếp là 5 năm trước khi phải thực hiện theo quy định mới.
“Đó là thời gian để doanh nghiệp chuyển đổi, cơ cấu lại hoạt động nhằm để đáp ứng quy định mới”, ông Huyền thông tin.