(KTSG Online) – Đơn hàng sụt giảm mạnh, thiếu vốn, lãi suất tăng cao… là những vấn nạn mà nhiều doanh nghiệp đang đối mặt. Điều này dẫn đến sự lo ngại về nguy cơ gia tăng lượng doanh nghiệp rời thị trường hoặc phải “bán mình”, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ mỏng vốn và quản trị yếu khó có thể vượt “bão” kinh tế toàn cầu hiện nay.
Con số doanh nghiệp rời thị trường đã vượt 132.000 doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp 1,3 lần mức bình quân cùng kỳ giai đoạn 2017-2021.
Rời thị trường vì thiếu đơn hàng và vốn…
Chị X. Trang đang làm các thủ tục để công ty của chị thành lập cách đây 4 năm không còn tồn tại trên thị trường. Theo đó, hơn 50 công nhân làm việc tại xưởng sản xuất các sản phẩm bằng nhựa để phục vụ cho ngành công nghiệp nội ngoại thất của công ty chị cũng đồng thời bị mất việc. Nguyên nhân là hoạt động sản xuất quá khó khăn, các đối tác xuất khẩu sụt giảm mạnh và không có đơn hàng sản xuất trong nhiều tháng liền vừa qua, máy móc tại xưởng sản xuất của chị phải “đắp chiếu” theo.
“Xưởng sản xuất các linh kiện nhựa của công ty tôi ra đời chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ và “sống” vật vã kéo dài. Sau khi đại dịch tạm lắng sau 2 năm hoành hành thì chiến tranh Nga-Ukraine diễn ra, lạm phát bùng phát khắp nơi, kinh tế khó khăn… dẫn đến đối tác làm hàng xuất khẩu của chúng tôi khó khăn, đơn hàng kéo dài”, chị Trang chia sẻ lý do phải cho đóng cửa công ty và nhà xưởng sau khi bị thua lỗ hơn 4 tỉ đồng vốn đầu tư, và không thể duy trì hoạt động được nữa vì đồng vốn đã cạn kiệt.
Câu chuyện hoạt động kinh doanh khó khăn, thua lỗ phải rời thị trường sớm của doanh nhân nói trên không phải là cá biệt. Theo ông Cao Văn Đồng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia, do đơn hàng xuất khẩu đi thị trường chính ở châu Âu của công ty có trụ sở ở tỉnh Bình Dương này những tháng qua liên tục bị sụt giảm mạnh nên ông đã cho ngưng hẳn việc thực hiện gia công sản phẩm ở bên ngoài.
“Có khoảng 30 công ty đối tác thực hiện gia công 50% sản lượng xuất khẩu của chúng tôi và những đối tác gia công này chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ từ 50 – 100 lao động”, ông Đồng nói. Ông cho biết gần một nửa lượng công ty đối tác này giờ đã đóng cửa nhà xưởng, ngưng hoạt động hoàn toàn khi công ty ông không đưa đơn hàng cho họ thực hiện. Theo đó, hàng loạt người lao động của các doanh nghiệp này cũng bị thất nghiệp. “Bản thân Kettle Interiors Asia hiện cũng phải cho đóng cửa hai nhà xưởng, chỉ còn cho duy trì một nhà xưởng sản xuất giữ chân người lao động”, ông Đồng chia sẻ.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến đồ gỗ. Với vai trò là ủy viên của Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), ông Đồng cho biết ước tính hiện có hơn 10% số doanh nghiệp đồ gỗ đã phải ngưng hoạt động trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt như sụt giảm hoặc không có đơn hàng, khách hàng thanh toán chậm, ngân hàng siết vốn vay, khó về đồng vốn kinh doanh… Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động mang tính cầm chừng.
Ở góc nhìn bao quát hơn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức vào ngày 7-12 vừa qua, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐTB & XH tỉnh Bình Dương, cho biết thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động chỉ từ 30-50% công suất. Các doanh nghiệp xảy ra tình trạng trên do ảnh hưởng từ thị trường thế giới khó khăn, hiện nay lượng hàng tồn kho nhiều, thiếu đơn hàng, mặt khác một số nguyên liệu khó nhập về nên người lao động phải nghỉ việc luân phiên.
Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, giảm lao động và quy mô sản xuất. Do đó, tại Bình Dương có khoảng 37.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng, 250.000 lao động bị giảm giờ làm.
Người lao động bị ảnh hưởng đầu tiên
Không chỉ doanh nghiệp đồ gỗ, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng xuất khẩu khác như da giày, dệt may, thủy sản, điện tử… cũng lâm vào tình trạng sụt giảm đơn hàng nhiều, dẫn đến thu hẹp sản xuất, cho đóng bớt phân xưởng hoặc thậm chí là đóng cửa nhà máy.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp dệt may, da giày, trái ngược với thời điểm giữa năm với lượng đơn hàng dồi dào thì hiện nay, ở vào thời điểm cuối năm, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn. Có thể kể đến như việc các đơn hàng tháng 11-12 năm nay, và quí 1-2023 sụt giảm, mức bình quân giảm từ 25-27%; đặc biệt với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn.
Đáng chú là doanh nghiệp trong ngành da giày do chủ yếu làm gia công và sử dụng nhiều lao động phổ thông nên khi sụt giảm đơn hàng thì biện pháp của nhà làm gia công là cho cắt giảm lao động; ngay cả những doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động lâu năm cũng phải cho người lao động giảm giờ làm hoặc cắt lượng lớn lao động. Chẳng hạn như Công ty TNHH Tỷ Hùng thông báo chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 lao động, hay Công ty Samho cho nghỉ hàng ngàn công nhân. Tương tự, do tình hình đơn đặt hàng ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam có thông báo cho gần 20.000 công nhân, người lao động sắp xếp nghỉ luân phiên.
Nhìn chung, tình hình khó khăn không loại trừ doanh nghiệp nào, nhất là các công ty xuất khẩu chính vào thị trường EU, Mỹ thì mức giảm mạnh hơn.
Điều này dẫn đến tình hình không như thường lệ diễn ra với doanh nghiệp vào dịp cuối năm. Thông thường, vào thời điểm cuối năm doanh nghiệp đôn đáo tìm lao động để phục vụ đơn hàng Tết thì năm nay lại dừng tuyển dụng. Thay vì phải lo tăng ca và sẽ phải nghỉ Tết muộn như mọi năm thì năm nay, nhiều công nhân, người lao động lại lo phải nghỉ sớm vì mất việc.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 11 tháng qua có hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều nhất là công nhân các ngành dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, điện tử…
Lo doanh nghiệp “bán mình”, rời thị trường
Theo ông Cao Văn Đồng, do tình hình đơn hàng sụt giảm mạnh nên nhiều doanh nghiệp đồ gỗ trên địa bàn tỉnh có kế hoạch cho doanh nghiệp nghỉ Tết sớm trước 1 tháng và đi làm trở lại sau Tết trễ 1 tháng. “Phần lớn doanh nghiệp gỗ là sản xuất để xuất khẩu. Nếu tình thị trường thế giới khó khăn kéo dài thì nguy cơ lượng doanh nghiệp rời thị trường sẽ tiếp tục tăng lên cao”, ông Đồng dự báo.
Mặt khác, theo giới phân tích, vì nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp trong khi lãi suất tăng và thanh khoản ít dần nên để duy trì hoạt động hoặc có đồng vốn xoay xở buộc các doanh nghiệp phải gọi vốn đầu tư hoặc phải đi đến việc “bán mình”. Về vấn đề này, theo ông Bùi Ngọc Anh thuộc Công ty Luật VILAF, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó về dòng tiền nên muốn bán tài sản, gọi thêm vốn để duy trì hoạt động. “Nhiều nhà đầu tư có tiền mặt xem giai đoạn biến động mạnh là cơ hội để mua các doanh nghiệp, dự án với mức định giá hấp dẫn”, ông Ngọc Anh nói.
Tương tự, theo bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, theo nghiên cứu của các công ty quốc tế, vòng quay tiền trung bình của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam tăng thêm hai tuần trong năm qua, các doanh nghiệp thông thường cần thêm khoảng 20% vốn lưu động để duy trì mức kinh doanh như bình thường.
Những yếu tố bất định gia tăng cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định khi phân tích các số liệu của liên quan đến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm nay có gần 132.340 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, con số doanh nghiệp rời thị trường này gấp 1,3 lần mức bình quân cùng kỳ giai đoạn 2017-2021.
Trong 11 tháng 2022, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 70.220 doanh nghiệp, tăng 34,8%; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 45.271 doanh nghiệp, tăng 14,7% và số doanh nghiệp giải thể là 16.848 doanh nghiệp, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định, tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều biến động phức tạp (giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta; xung đột Nga – Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh…), tác động đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh… Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Theo giới phân tích, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc, tìm cách hợp tác, mở rộng và đa dạng hóa thị trường để duy trì hoạt động và giữ chân người lao động.
“Chúng ta nhìn nhận việc lạm phát, đồng tiền mất giá, sức mua của các nước lớn giảm là rủi ro. Nhưng thời gian vừa qua, đây chính là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, nói.
Với vấn đề vốn, các chuyên gia đề nghị các cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp và xem xét có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý. Việc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…) minh bạch, cạnh tranh, cơ hội tiếp cận thị trường… cũng rất quan trọng. Mặt khác, các chuyên gia khuyến nghị các cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn tới người lao động trong các doanh nghiệp.