(KTSG)- Bên cạnh sản phẩm và dịch vụ tốt, người tiêu dùng và nhà đầu tư còn quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của doanh nghiệp. Trong đó, yếu tố quản trị doanh nghiệp được các nhà đầu tư coi trọng, đặc biệt khi thị trường chứng kiến những công ty có nền tảng quản trị tốt đang lấy lại đà phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Phát triển bền vững gắn với việc thực hiện trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị của doanh nghiệp (sau đây gọi là ESG) đang được xem là một xu thế tất yếu và là trọng tâm trong chiến lược phát triển của các quốc gia, của nhiều lĩnh vực, ngành nghề và của cả cộng đồng doanh nghiệp.
Không thể bỏ qua ESG
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc điều hành khối tài chính của hãng sữa Vinamilk, cho biết những yêu cầu từ thị trường đã thúc đẩy doanh nghiệp sớm thực hiện tiêu chuẩn về ESG dù tự nguyện hay bắt buộc.
Các kết quả phân tích dữ liệu và báo cáo hàng năm của Vinamilk đã chỉ ra rằng, việc thực hành ESG mang đến nhiều cơ hội hơn cho hãng sữa, từ những lợi ích về tài chính như mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư, đến những giá trị kinh tế lâu dài, như duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, đảm bảo uy tín và nâng cao vị thế thương hiệu. Năm 2021, điểm đánh giá ESG của Vinamilk đã đạt được 90%, cao hơn mức trung bình của ngành khoảng 30%.
“Cần nhìn nhận ESG không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp”, ông Liêm nói.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia phụ trách khu vực Mêkông của IFC, cũng cho rằng ESG là yếu tố có thể thay đổi hoàn toàn cuộc chơi của các doanh nghiệp. Thực hành ESG tốt sẽ giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro tốt hơn, đảm bảo danh tiếng, giữ nhân tài và mối quan hệ với các bên liên quan.
“Hội đồng quản trị các doanh nghiệp có trách nhiệm ngày càng lớn và ý nghĩa hơn. Doanh nghiệp cần được vận hành và quan lý theo hướng sạch hơn, minh bạch hơn và nhân văn hơn”, ông Jacobs nói.
Ban lãnh đạo IFC cũng lưu ý, ESG bắt đầu với hội đồng quản trị (HĐQT) và thành viên nhưng cần thấm nhuần vào tư duy của từng thành viên trong tổ chức và từng hoạt động của doanh nghiệp.
“Mọi người cần tin vào thành công chung của doanh nghiệp khi thực hành ESG. Hành vi của mỗi người quyết định số phận của tất cả, không ai đứng ngoài lề và không ai ở phía sau trên hành trình ESG”, ông Jacobs nói.
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ông Jacobs cho rằng Chính phủ không thể một mình thực hiện mục tiêu này mà cần sự chung sức đồng lòng cùng gánh vác trách nhiệm của các doanh nghiệp. Lúc này, quản trị ESG là định hướng tất yếu.
“Thực hành ESG tốt cũng được các quỹ nước ngoài chọn làm chỉ tiêu đánh giá khi tính toán phân bổ vốn đầu tư. Họ có ban rà soát ESG. Nếu công ty nào không đạt thì cân nhắc không đầu tư”, ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) nói tại một diễn đàn thường niên về quản trị công ty (AF5) trong tháng 12 này.
Khoảng 82% số quỹ đầu tư xem xét yếu tố ESG khi đánh giá đầu tư (tăng 4% so với năm 2020).
Kết quả khảo sát của Deloitte cũng cho thấy, hơn 80% số người tiêu dùng kỳ vọng giám đốc điều hành các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng có nhiều bước tiến hơn nữa trong việc giảm khí thải carbon và nhựa sử dụng một lần. Đây cũng là một trong các hành động tích hợp ESG (ESG integrated).
Không chỉ người tiêu dùng mà nhân sự các công ty cũng yêu cầu điều này. Cụ thể 45% số nhân viên thuộc thế hệ gen Y (được sinh từ năm 1980-1995) cho biết họ sẽ thay đổi công việc nếu công ty không thực hiện các biện pháp kinh doanh bền vững.
Về khía cạnh các nhà đầu tư, họ đã đưa ra các yêu cầu cao hơn về kế hoạch hành động và tính minh bạch các thông tin ảnh hưởng của khí hậu và ESG trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.
Hơn 500 nhà đầu tư trên toàn cầu với tổng giá trị tài sản đang quản lý lên đến hơn 47.000 tỉ đô la Mỹ đã ký sáng kiến Hành động Khí hậu 100+ (Climate Action 100+) nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp lớn phát thải khí nhà kính phải hành động.
Sức hút từ quản trị công ty tốt
Hơn bao giờ hết, ESG đang được đề cập một cách đầy đủ, rõ ràng và liên tục trên mọi phương diện. Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam và là Chủ tịch VIOD, doanh nghiệp thực thi tốt ESG sẽ có cơ hội để phát triển nhanh và mạnh hơn trong tương lai. Trong đó, yếu tố quản trị công ty đặc biệt được coi trọng. Bởi lẽ thực tế cho thấy những công ty có nền tảng quản trị tốt, dễ dàng lấy lại đà phục hồi và phát triển bền vững sau những biến động của thị trường như đại dịch hay khủng hoảng kinh tế…
Và trong một thế giới nhiều thách thức và biến động liên tục như hiện nay, sự thích ứng, thay đổi của các nhà lãnh đạo trong tư duy và hành động được coi là yếu tố then chốt cho một nền tảng quản trị công ty minh bạch, hiệu quả và bền vững, vượt lên trên cả sự tuân thủ.
“Quản trị công ty gắn liền với quản trị hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon đi cùng với thực thi trách nhiệm xã hội – tích hợp ESG cần được đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, và bắt đầu chuyển từ nhận thức sang hành động của hội đồng quản trị”, bà Thanh nói.
Ở góc độ quỹ, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc phát triển doanh nghiệp Dragon Capital, cho biết khi lựa chọn doanh nghiệp phát triển gắn liền với ESG, ông xem xét cả về khía cạnh lãnh đạo, mức độ cam kết của đội ngũ và cách thức thực hiện. “Sau khi đầu tư, chúng tôi tiếp tục theo dõi, đặc biệt khi hiện tại họ là công ty bất động sản nhưng ngày mai chuyển sang ngành xe hơi, sản xuất…”, ông Vinh chia sẻ.
Cũng khẳng định các chỉ số báo cáo về ESG và phát triển bền vững đang dần trở thành tiêu chí tất yếu để các quỹ đầu tư quyết định việc đầu tư, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital, cho rằng quản trị là một vấn đề lớn và Dragon Capital đặc biệt chú trọng yếu tố này.
“Nhiều công ty Việt Nam gặp phải những vụ việc không như mong muốn trong năm nay. Một trong những nguyên nhân là chưa đủ tập trung vào vấn đề quản trị doanh nghiệp”, ông Dominic nói. Theo ông, để quản trị tốt, cần nhiều yếu tố như cách đưa ra quyết định, cách đo lường rủi ro, và xây dựng kế hoạch. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng, từ tình trạng biến đổi khí hậu, sự đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường. Việc phổ biến và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ESG cần phải được tăng cường hơn nữa thông qua thảo luận, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức.
Tuy nhiên, ông Dominic cho rằng vấn đề lớn nhất liên quan đến quản trị ở Việt Nam không nằm ở pháp lý mà là thực hành. Ông chia sẻ, có lần ông tham gia bàn tròn thảo luận nói về xử lý xung đột quyền lợi trong HĐQT và cách giao dịch với các bên liên quan, nhiều người cho rằng cần phải có thêm các quy định khắt khe hơn.
“Tôi nói không cần và đừng đổ lỗi cho cơ quan quản lý. Nếu có quản trị doanh nghiệp tốt thì đã không có sai phạm trong giao dịch với các bên có liên quan”, ông Dominic nói, và khẳng định: “Văn hóa HĐQT mới là vấn đề khó nhất”.
Tương tự, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng áp lực từ cổ đông, từ người tiêu dùng, xã hội ngày càng đòi hỏi yêu cầu trách nhiệm cao hơn, lớn hơn của thành viên HĐQT. Đồng nghĩa, thành viên HĐQT nếu không nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp thì cổ đông cũng có thể yêu cầu thay, khi đó sẽ không còn cảnh thành viên HĐQT ngồi không để nhận thù lao.
Ông Hiếu chia sẻ câu chuyện trong quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp, thường gặp một số câu hỏi của doanh nghiệp rằng thành viên HĐQT ở nước ngoài và thường xuyên ủy quyền cho người khác. Như vậy luật có cho phép không? Và theo ông Hiếu, với một doanh nghiệp quản trị hiệu quả thì trước khi nêu câu hỏi “pháp luật có cho phép hay không” thì cần phải xác định trước là có nên thay thế thành viên HĐQT đó hay không.
“Trước một tương lai nhiều bất định, vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp – của chủ công ty cần phải được thể hiện, định hình rõ hơn nữa chứ không còn đơn thuần ở vấn đề trách nhiệm xã hội. Có như vậy mới có thể đảm bảo cho người lao động khi gặp các biến động về môi trường – xã hội như thiên tai, rủi ro dịch bệnh… thì họ vẫn có thể được bảo vệ”, Chủ tịch VIOD nói.