Đừng để doanh nghiệp phải ‘đi xin, đi chạy’ giữa muôn vàn khó khăn

(KTSG Online) – Khâu xin ý kiến, trao đổi giữa các cơ quan, bộ, ngành quản lý kéo dài khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng ‘gần đất xa trời’ do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chấp hành pháp luật kinh doanh không được giải quyết kịp thời, theo góp ý của một số đại biểu Quốc hội.

Bối cảnh kinh tế thế giới tồn tại nhiều rủi ro bất định khiến kinh tế Việt Nam chịu không ít ảnh hưởng tiêu cực, hệ luỵ là các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với rủi ro thiếu hụt đơn hàng và tắc nghẽn dòng vốn, trong khi rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh và rào cản thủ tục hành chính vẫn hiện hữu, khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Những ‘cú bồi’ khiến doanh nghiệp có thể gục ngã trên ‘sân nhà’

“Vòng kim cô của các quy định pháp luật càng siết chặt. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên năm thì nay đang có dấu hiệu gia tăng trở lại” là lời nhận xét của đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nói tại hội trường Quốc hội sáng 31-5.

Điều kiện tiếp cận tín dụng khắt khe khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Ảnh: LÊ VŨ.

Ông Thắng cho biết nhiều địa phương có vị trí quan trọng trong bản đồ kinh tế đất nước ghi nhận mức tăng trưởng âm. Nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp tại đại phương đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt đơn hàng và tắc nghẽn dòng vốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp cố ‘thoi thóp’ để tồn tại.

Với bối cảnh trên, những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng – chữa cháy, kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao là những cú bồi khiến doanh nghiệp “knock out ngay trên sân nhà”.

“Doanh nghiệp khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận. Tất cả những vấn đề trên đây chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ trong bức tranh kinh tế, còn màu xám càng thấy doanh nghiệp đang đứng trước vô vàn khó khăn mà Quốc hội cần biết, Chính phủ cần thấy rõ để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn này”, đại biểu Thắng nói.

Với khó khăn về vốn, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) việc vay thương mại của doanh nghiệp gặp rất khó khó khăn do vướng các quy định phòng ngừa rủi ro từ các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, dòng vốn ưu đãi thuộc chương trình phục hồi kinh tế cũng tắc nghẽn. Cụ thể, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% cho thấy chính sách này mới giải ngân được 327 tỉ đồng tính đến hết tháng 3-2023, bằng 0,8% quy mô gói hỗ trợ.

“Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp gỡ khó, xong khâu thực hiện đang có vấn đề. Nhiều dự án vướng về mặt pháp lý, thủ tục phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ và thời gian. Mặt khác, do mâu thuẫn hoặc không rõ ràng trong chính sách nên cả bên cho vay và bên vay không mặn mà trong việc thực hiện”, ông Hận nói.

Còn đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) ước số giải ngân thuộc chương trình hỗ trợ lãi suất 2% khoảng 2.570 tỉ đồng tính đến hết năm 2023, bằng 6,4% quy mô gói hỗ trợ. Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp tín dụng khoảng 1,8 triệu tỉ đồng của chương trình sẽ không triển khai được, tác động rất lớn đến phát triển sản xuất – kinh doanh.

Theo đại biểu Phượng, thực tiễn tại tỉnh Phú Thọ cho thấy nguyên tắc thực hiện chính sách sẽ theo Nghị định 31 còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng như phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, không bảo đảm điều kiện vay hỗ trợ lãi suất.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nên không có đề xuất hỗ trợ.

Chia sẻ quan điểm với các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Giám đốc Dự án PCI quốc gia, cho biết trở ngại lớn nhất với doanh nghiệp là việc không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp với tỷ lệ 79,4%, theo kết quả khảo sát PCI 2022.

Ngoài ra, một loạt các khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022. Cụ thể, “các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân” với tỷ lệ 58,7%, trong khi năm 2021 chỉ là 41,8%; “thủ tục vay vốn phiền hà” với tỷ lệ 58,6%, trong khi năm 2021 chỉ là 46,2%; tình trạng “doanh nghiệp phải “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng để vay vốn” với tỷ lệ 55,8%, trong khi năm 2021 chỉ là 37,3%; “cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp” với tỷ lệ 49,8%, trong khi năm 2021 là 27,4%.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Tuấn cho biết nhiều doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại phản ánh tiêu chí “có khả năng phục hồi”, quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022, chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Trước đó, Tờ trình số 151/TTr-NHNN ngày 20-12-2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) gửi Thủ tướng về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng phản ánh thực tế từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho thấy, dù nhiều doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn doanh nghiệp mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi” do phải đáp ứng nhiều chỉ số kinh doanh, gồm: doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực.

Ngoài vấn đề tiếp cận tín dụng, việc chấp hành quy định lĩnh vực phòng cháy – chữa cháy cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) nêu việc tổng rà soát về công tác phòng cháy, chữa cháy lại khiến nhiều doanh nghiệp thêm một lần rơi vào tình trạng khó khăn sau đỉnh dịch Covid-19 do bị xử phạt, đình chỉ hoạt động khi không đảm bảo các điều kiện về phòng – chữa cháy.

“Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều doanh nghiệp và người lao động. Nhiều cử tri bức xúc cho rằng một số quy định phòng cháy, chữa cháy không phù hợp, tiêu chuẩn quá cao, áp dụng quy định phòng cháy, chữa cháy nhưng không phân loại mức độ rủi ro nên rất khó khăn cho doanh nghiệp”, đại biểu Hải nói và cho biết việc khắc phục – đầu tư hệ thống phòng – chữa cháy đòi hỏi chi phí lớn, khiến nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện.

Tương tự, đại biểu Hà Ánh Phượng cho biết nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phản ánh thực hiện Quy chuẩn 06/2022 theo Thông tư 06 của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình đã khiến cho không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn, gây đình trệ sản xuất – kinh doanh.

“Tôi cho rằng, việc bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân là trên hết nên việc điều chỉnh các quy chuẩn an toàn cháy cho phù hợp là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, nhiều công trình, cơ sở chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đã buộc phải tạm dừng hoạt động, làm gián đoạn sản xuất – kinh doanh”, đại biểu Phượng nói.

Cũng theo đại biểu Phượng, trước ý kiến của nhiều địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 220 để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn chậm khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể quay lại sản xuất – kinh doanh.

Bên cạnh những vấn đề trên, ông Đậu Anh Tuấn cho biết không ít doanh nghiệp có tâm lý phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, chữa cháy và xây dựng. Đặc biệt, chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở, ngành và cấp huyện chưa như kỳ vọng.

Báo cáo PCI 2022 cho thấy có 45,2% doanh nghiệp đánh giá “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, trong khi năm 2021 chỉ là khoảng 31,9%. Ngoài ra, 50,4% doanh nghiệp cho rằng “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, trong khi năm 2021 chỉ là 36%.

Và tương tự các báo cáo PCI trước đây, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng Chính phủ cần có giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp bởi vì đây là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng bốn nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải, gồm: thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đẩy đủ, thủ tục hành chính bủa vây; rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Đặc biệt, nhìn vào những con số của Ủy ban Kinh tế đưa ra và những thống kê của VCCI, vị đại biểu này cho rằng doanh nghiệp đang “khát” tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện nhiều thủ tục.

“Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất. Tuy nhiên việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất kinh doanh”, đại biểu An nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu đoàn Đồng Nai, việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến “đúng, trúng và trực tiếp doanh nghiệp”. Bên cạnh tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán.

Để thực hiện mục tiêu này, đại biểu An cho rằng nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”, Cụ thể, cần thể hiện chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó, đồng thời tự nhận phần khó về mình, thay vì để doanh nghiệp phải “đi xin, đi chạy”.

“Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã gần đất xa trời”, đại biểu An nói

Dẫn chứng, đại biểu này cho rằng những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình thì các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào. Ngoài ra, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp phải lao đao giải trình lên xuống.

Với tinh thần đó, đại biểu An cho rằng các biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp cần thúc đẩy thị trường cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, phải đồng bộ, thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa theo tinh thần “nghẽn ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó”. Đặc biệt, các bộ ngành cần làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu.

“Không phải nội dung gì cũng phải để Thủ tướng ra công điện đôn đốc hoặc Chính phủ phải ra nghị quyết gỡ khó”, đại biểu An kiến nghị.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng các kết quả cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thậm chí, quyền tự do kinh doanh trên vẫn chưa thực sự được bảo vệ khi còn nhiều bất cập trong quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Thực tế, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thiếu cơ sở khoa học.

“Cải cách hành chính, môi trường đầu tư là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như trong quý 1-2023, khi có đến 60.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ những rào cản chi phí trong kinh doanh là điều cấp thiết”, bà Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và cam kết quốc tế có liên quan, góp phần tạo thuận lợi hơn về môi trường đầu tư – kinh doanh và khơi thông các điểm nghẽn chính sách.