(KTSG) – Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế tri thức ngày càng để tâm tới các cách thức khác nhau để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mối quan tâm này thường phát sinh khi doanh nghiệp bắt đầu gọi vốn hoặc đưa sản phẩm ra thị trường. Nhưng thực tế, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ nên được chú trọng thực hiện từ những ngày đầu khởi nghiệp, vì các doanh nghiệp sẽ không muốn “khởi nghiệp trên mâu thuẫn” và làm mất cơ hội phát triển.
Với xu thế không thể cản nổi của làn sóng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cùng với sự ra đời của rất nhiều tổ chức, vườn ươm khởi nghiệp và các quỹ tài chính, cánh cổng khởi nghiệp đang trở nên rất rộng mở.
Theo báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”, các quỹ đầu tư mạo hiểm ngày càng có xu hướng đầu tư vào Việt Nam bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Nói tới đây, chúng ta không thể không kể tới những cái tên có tầm ảnh hưởng trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, như Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TPHCM (SIHUB), Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), Viet Startup Incubator – VSI, Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ của Obit, Vietnam Angel Network, 500 Startups Vietnam, Ho Chi Minh City Startup and Innovation Fund, hay Asia Innovations.
Dựa trên hệ sinh thái khởi nghiệp này, xu hướng khởi nghiệp lan tỏa đến từng ngõ ngách trong xã hội Việt Nam. Nay, cá nhân hay một nhóm cá nhân ở các độ tuổi khác nhau đều có thể khởi nghiệp. Rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công được truyền tai lại càng làm tăng thêm sức nóng của xu hướng này.
Dù vậy không phải con đường khởi nghiệp nào cũng thuận lợi. Đôi lúc việc khởi nghiệp đổ bể chỉ vì mâu thuẫn giữa các cá nhân. Người xưa nói “sai một li đi một dặm”, có lẽ mâu thuẫn trong khởi nghiệp lúc đầu chỉ nhỏ chừng 1 mi li mét nhưng lại có thể kéo cả một dự án khởi nghiệp sụp đổ.
Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ
Khởi nghiệp nay đâu giống xưa, việc tìm kiếm và xin cố vấn từ các chuyên gia hàng đầu trong việc làm thế nào biến một ý tưởng trở thành một “ đế chế” đã trở nên vô vùng khả thi. Việc cố vấn thường chú trọng vào làm thế nào để xây dựng ý tưởng thành sản phẩm, làm thế nào để biến sản phẩm thành cốt lõi của việc kinh doanh, và xây dựng vận hành công ty xoay quanh hoạt động kinh doanh đó. Nhưng việc cố vấn ở những bước đầu thường không quá chú trọng tới nguy cơ pháp lý có thể xảy ra cho các công ty hay nhóm khởi nghiệp, một trong số đó là nguy cơ liên quan tới vấn đề ăn cắp hoặc sao chép sản phẩm sở hữu trí tuệ.
Trong cơn sốt khởi nghiệp như hiện nay, các sản phẩm sở hữu trí tuệ của dự án khởi nghiệp chính là trái tim của dự án, chính là yếu tố tiên quyết để gọi vốn thành công, hay xa hơn chính là yếu tố tạo ra lợi nhuận. Sản phẩm nếu bị mất hoặc bị sao chép gây ra tổn thương nghiêm trọng cho việc khởi nghiệp thậm chí hủy đi cơ hội khởi nghiệp.
Chúng ta thường lầm tưởng rằng “trộm là từ ngoài vào, nào có hay trộm sống ở nhà ta”. Việc ăn cắp hay sao chép sản phẩm trí tuệ của dự án khởi nghiệp ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình khởi nghiệp không thường tới từ bên ngoài, mà tới từ nội bộ bên trong. Hãy lội ngược dòng một chút khi bàn tới vấn đề khởi nghiệp, bỏ qua những cột mốc gọi vốn vài triệu đô la hay giai đoạn phát hành chứng khoán hoặc lập trụ sở ở một thành phố nào đó; hãy cùng quay về những ngày đầu tiên của các công ty khởi nghiệp: ngày tạo ra ý tưởng và tạo ra nguyên mẫu đầu tiên chưa hoàn chỉnh.
Ở thời điểm này, một nhóm các bạn có những kỹ năng khác nhau cùng tập hợp lại để biến ý tưởng thành nguyên mẫu hoặc điều chỉnh để nguyên mẫu trở nên hiệu quả hơn, nhóm người này, về sau ở thời điểm mang sản phẩm đi gọi vốn, hoặc thành lập doanh nghiệp, được gọi là Co-founders (các nhà sáng lập). Cần phải nhận thức được rằng, sự đóng góp của các nhà sáng lập là không giống nhau. Ý tưởng khởi nghiệp hoàn toàn có thể đến từ một cá nhân và được góp ý cho hoàn thiện bởi các cá nhân còn lại. Hoặc, nguyên mẫu sản phẩm ban đầu có thể là sự sáng tạo của một hay hai cá nhân, sau đó, được cải tiến bởi thành viên còn lại trong dự án khởi nghiệp.
Không phải ai cũng là nhà sáng lập
Ở Việt Nam, việc cho ai đó tham gia cùng dự án khởi nghiệp, thậm chí trở thành đồng sáng lập, đôi lúc chỉ dựa trên sự ưa thích hoặc nể nang. Và vì thế, sự đóng góp chất xám và công sức không cân bằng, trong khi xu hướng lợi nhuận cá nhân từ từ nảy mầm, điều này tất yếu dẫn tới mâu thuẫn, mà mâu thuẫn thì tạo ra “trộm”một cách thầm lặng từ bên trong.
Tôi vẫn hay nói bông đùa với các bạn tôi trong ngành sở hữu trí tuệ rằng số câu chuyện khởi nghiệp không thành hoặc tan rã giữa chừng trên khắp thế giới đủ để đóng 10 cuốn từ điển Anh – Việt. Trong số đó, rất nhiều dự án khởi nghiệp sụp đổ bởi vì mâu thuẫn giữa các nhà sáng lập. Mâu thuẫn cá nhân dẫn tới chia rẽ nội bộ và mỗi nhà sáng lập hoặc một nhóm nhỏ các nhà sáng lập (thường là hai người) sẽ đem nguyên mẫu của cả dự án khởi nghiệp ra ngoài và phát triển theo cách riêng. Ngày mà nhóm khởi nghiệp ban đầu tan rã, ý tưởng và nguyên mẫu của sản phẩm/dịch vụ sẽ được đem đi làm giàu cho người khác – đây là “trộm” một cách hợp pháp. Các cá nhân còn lại của dự án hay của công ty khởi nghiệp không có cách nào để đối phó với tình huống “trộm hợp pháp” này, và vì thế mâu thuẫn giữa người đi và người ở lại không còn có thể hóa giải.
Khi Việt Nam đang tiến vào nền kinh tế tri thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thì sản phẩm trí tuệ là cốt lõi và là lợi nhuận của công ty khởi nghiệp. Việc tài sản trí tuệ bị đánh cắp hoặc sao chép khiến dự án khởi nghiệp mất phần lớn ưu thế khi tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp, vì tính mới của sản phẩm/dịch vụ khởi nghiệp có thể là yếu tố chính trong việc gọi vốn, nếu có hai ba bên khởi nghiệp cùng chung ý tưởng thì khả năng được tài trợ và giúp đỡ sẽ rất thấp. Thậm chí ảnh hưởng của việc mất hoặc bị làm nhái tài sản trí tuệ còn tồi tệ hơn nếu doanh nghiệp đã gọi vốn, đã thành lập và đang bước vào giai đoạn kinh doanh.
Để bảo vệ công sức, trí tuệ khởi nghiệp
Vậy làm thế nào để có thể bảo vệ công sức và trí tuệ khởi nghiệp? Làm thế nào để các nhà sáng lập đồng chí đồng lòng tập trung sáng tạo và không rơi vào hoàn cảnh kể trên?
Đừng chỉ dựa vào sự tin tưởng giữa các cá nhân vì con người có xu hướng thay đổi, hãy dựa vào sự ràng buộc dân sự để bảo vệ sản phẩm trí tuệ hay chính là trái tim của dự án khởi nghiệp. Và sự ràng buộc dân sự này phải đề cập tới yếu tố sở hữu trí tuệ.
Vậy sự ràng buộc này có hình thái thế nào?
Để tôi lấy một ví dụ thực tế: Tôi có nhận lời làm cố vấn về sở hữu trí tuệ cho một nhóm các bạn sinh viên ở miền núi phía Bắc về dự án sản phẩm nông nghiệp, việc đầu tiên tôi làm đó chính là yêu cầu sáu nhà sáng lập này ký vào bản thỏa thuận không tiết lộ về nội dung dự án, sản phẩm nguyên mẫu, và đồng thời không mang sản phẩm nguyên mẫu ra ngoài tự kinh doanh. Bạn sinh viên chủ chốt tạo ra sản phẩm có hỏi tôi làm thế có hơi quá không vì dự án còn chưa có thành công gì hoặc cũng không biết có thành công không, thì tôi có giải thích với các em rằng đây là cách tốt nhất để các em có thể tập trung sáng tạo và không “khởi nghiệp trên mâu thuẫn”.
Ở Việt Nam, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ ở những bước đầu của khởi nghiệp không được chú trọng bởi vì ý tưởng và nguyên mẫu đầu tiên chưa tạo ra dòng tiền, nhưng thực tế, đây là nền tảng của dòng tiền tương lai. Các nhà khởi nghiệp hay cá doanh nhân tương lai chỉ nhìn thấy nguy hiểm của việc ăn cắp và sao chép chất xám từ bên ngoài mà không thấy được nó từ bên trong. Mà trên thực tế, rất nhiều vụ việc sao chép ý tưởng và sản phẩm, hoặc thậm chí ăn cắp và bán cho bên ngoài đến từ nội bộ.
Vì thế, để cho con đường khởi nghiệp có thể bớt chông chênh và ít nguy cơ đổ vỡ, đồng thời để cho các nhà sáng lập tập trung vào thứ họ giỏi nhất: sáng tạo sản phẩm hay dịch vụ mới, thì việc cân nhắc bảo vệ sở hữu trí tuệ từ những ngày đầu là rất quan trọng.
(*) Công tác tại văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, trụ sở tại Manhattan, New York City, Mỹ.