FLC kiến nghị xem xét lại việc cổ phiếu bị hủy niêm yết

(KTSG Online) –  FLC kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu, trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.

Tối 14-2, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) đã có thông cáo về quyết định hủy niêm yết cổ phiếu FLC do Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) ban hành, theo TTXVN.

Theo thông cáo của FLC, trong thời gian gần đây, Tập đoàn FLC và các đơn vị thành viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh liên quan đến việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra.

Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc nêu trên là trong thời gian dài, Tập đoàn FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của FLC.

Trong thông cáo này, Tập đoàn FLC cho biết, sau nhiều nỗ lực, ngày 20-9-2022, FLC đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY.

Xác định việc chưa có báo cáo kiểm toán xuất phát từ các nguyên nhân bất khả kháng, FLC đã liên tiếp có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước để giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ.

Theo FLC, lý do bị huỷ niêm yết xuất phát từ việc chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán, trong khi việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và là sự kiện bất khả kháng không thể khắc phục được trong thời gian ngắn, FLC đã tiếp tục có văn bản kiến nghị mới nhất gửi cơ quan quản lý.

Trong thông cáo, FLC kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc huỷ niêm yết cổ phiếu, trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin như đã giải trình nêu trên.

Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã ban hành quyết định hủy cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Theo quyết định này, 709,9 triệu cổ phiếu FLC sẽ bị loại khỏi sàn HOSE từ ngày 20-2.

Theo HOSE lý giải, việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Trước đó, HOSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9-9-2022. Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch 31-8, FLC dừng ở 4.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với vốn hóa 2.840 tỉ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.091 tỉ đồng, giảm 63% so với 9 tháng năm 2021 và lỗ trước thuế lên đến 1.888 tỉ đồng. Khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với giá gốc 4.015 tỉ đồng đang bị lỗ 1.269 tỉ đồng.

FLC bị hủy niêm yết, số cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ sẽ ra sao?

Cổ phiếu FLC niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 10-2011 và chuyển sang giao dịch trên HOSE từ ngày 6-8-2013. Như vậy sau khoảng 9 năm rưỡi, FLC đã phải rời sàn HOSE.

Theo quy định, khi xảy ra vấn đề bị hủy niêm yết, để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông, doanh nghiệp sẽ phải dùng tiền đang có hoặc bán tài sản như nhà xưởng, máy móc… để mua lại cổ phiếu từ nhà đầu tư, theo TTXVN.

Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn, thậm chí sắp sửa phá sản thì điều này khó xảy ra. Lúc này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đưa ra yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển cổ phiếu sang sàn UPCoM để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu tại đây.

Và nếu điều này xảy ra, nhà đầu tư FLC vẫn có thể giao dịch trên UPCoM. Mặc dù vậy, việc giao dịch sẽ không dễ dàng và không tránh khỏi việc tài khoản của mình bị thua lỗ.