(KTSG) – TPHCM có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với tiến độ chung của cả nước, chỉ đạt 26% đến cuối tháng 7-2022. Cụ thể, tổng kế hoạch vốn ngân sách được giao gần 32.000 tỉ đồng nhưng chỉ mới giải ngân hơn 8.400 tỉ đồng, thậm chí có những dự án có mức giải ngân bằng… 0 đồng!
Theo Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM, việc giải ngân chậm phần lớn rơi vào các dự án được bố trí số vốn lớn – trên 200 tỉ đồng, chỉ đạt mức 10%. Những dự án có mức giải ngân thậm chí dưới 10% như: hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ được bố trí vốn 200 tỉ đồng nhưng mới giải ngân 9 tỉ đồng (9/200 tỉ đồng); nút giao An Phú 15/375 tỉ đồng; vệ sinh môi trường (giai đoạn 2) 3/1.990 tỉ đồng; kênh Tham Lương – Bến Cát 237 triệu đồng/1.039 tỉ đồng…
Một số dự án chưa giải ngân đồng nào như: dự án xây mới Bệnh viện Nhi đồng được bố trí vốn 1.000 tỉ đồng; cụm y tế Tân Kiên (Bình Chánh) 277 tỉ đồng; Trung tâm Triển lãm quy hoạch 350 tỉ đồng…
Kế hoạch đầu tư công vốn được trông đợi sẽ kích thích, tạo đà cho nhiều ngành phục hồi sau dịch bệnh. Nhưng nếu tình trạng chậm giải ngân cứ kéo dài mà không được tháo gỡ để thúc đẩy thì nó có thể biến một dự án từ thiết thực trở thành gánh nặng và lãng phí.
Phần lớn nguyên nhân được nêu là do vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính kéo dài, ngoài ra còn do công tác phối hợp giữa các bên liên quan chưa thông suốt. Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cũng nhìn nhận một thực trạng là việc hỏi ý kiến góp ý của các sở ngành thường mất nhiều thời gian, và khi chưa có các góp ý thì chưa thể làm…
Tôi từng có nhiều năm làm công việc quản lý dự án, hiểu rất rõ trình tự đầu tư xây dựng. Theo đó, việc triển khai giải phóng mặt bằng phụ thuộc thủ tục chuẩn bị dự án: lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng, và thực hiện các công việc chuẩn bị cần thiết khác.
Tùy quy mô và tính chất dự án, quy trình này có thể kéo dài tới vài năm mới xong khâu thủ tục duyệt dự án, sau đó mới khảo sát và lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng, cấp phép xây dựng, tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây lắp công trình, giám sát xây dựng rồi mới triển khai thi công. Chỉ một trong rất nhiều bước thực hiện gặp trở ngại thì sẽ kéo theo hàng loạt sự chậm trễ khác.
Theo tôi, để tăng tốc giải ngân đầu tư công cần những biện pháp cụ thể:
– Rà soát và xem xét từng dự án. Dự án nào chưa đáp ứng kế hoạch thì kịp thời điều chỉnh, cân đối vốn, bổ sung qua cho các dự án ít trở ngại hơn và đang chờ vốn… Các dự án còn ở bước lập thủ tục thì chủ đầu tư cần nhanh chóng hoàn tất và lựa chọn nhà thầu có năng lực để triển khai thi công. Và có lẽ cũng nên “trông mặt trao tiền”, không bố trí vốn cho những dự án có mục tiêu chưa rõ ràng hoặc thiếu năng lực tiêu thụ vốn.
Công tác lập kế hoạch, giao vốn phải sát với khả năng thực hiện của từng dự án, đánh giá đúng lộ trình thực hiện và thời điểm phê duyệt các thủ tục cũng như các công việc triển khai tiếp theo, một khi chưa đủ cơ sở pháp lý, thủ tục đầu tư theo quy định hay không chứng minh được tính khả thi thì không giao vốn.
– Xem xét áp dụng các cơ chế, quy trình đặc thù nhằm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án có thu hồi đất và thực hiện trước bằng nguồn vốn riêng. Như cho phép lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng trước trong khi chờ thiết kế cơ sở và dự án thành phần được phê duyệt, sau đó cập nhật đảm bảo phù hợp dự án được duyệt.
– Những dự án có quy mô lớn, thủ tục và khối lượng công việc liên quan nhiều cơ quan, đơn vị thì cần có “nhạc trưởng” đủ khả năng chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, kịp thời giải quyết các trở ngại nhằm hoàn tất mọi việc đúng lộ trình.
Từng đơn vị, cá nhân tham gia phải được gắn trách nhiệm cụ thể, chậm ở khâu nào thì phải có cá nhân cụ thể ở khâu đó chịu trách nhiệm. Về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan, đó phải là người dám nghĩ, dám làm, giải quyết nhanh công việc theo quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ; luôn rà soát quy trình thuộc đơn vị mình quản lý, sửa hoặc thay đổi những bất cập thuộc thẩm quyền.
Tham khảo:
https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tap-trung-quyet-liet-moi-giai-phap-day-nhanh-giai-ngan-dau-tu-cong-1491897471