(KTSG Online) – Thị trường tài chính toàn cầu trong tuần trước biến động rất mạnh khi giá đồng đô la Mỹ tiếp tục lập đỉnh mới, “ép” các đồng tiền khác giảm giá mạnh dù hàng loạt các ngân hàng trung ương đồng loạt mạnh tay nâng lãi suất.
Loạt ngân hàng trung ương đua lãi suất
Sự kiện nổi bật nhất trong tuần trước là loạt ngân hàng trung ương đồng loạt mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ.
Chẳng hạn, hôm 21-9, sau khi Fed mạnh tay tăng lãi suất, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) quết định duy trì chính sách tiền tệ “siêu lỏng”. Ngay sau đó đồng yen mất giá mạnh so với đô la, vượt ngưỡng 145 yen đổi một đô la, mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua.
Trước bối cảnh đó, đến chiều cùng ngày, Nhật Bản lại áp dụng biện pháp can thiệp vào thị trường bằng cách bán ra đồng đô la và mua vào đồng yen để kiềm chế đà giảm giá của đồng tiền nước này. Kết quả tỷ giá đồng yen đã quay trở lại mốc 140 yen đổi một đô la, sau đó lại về quanh mốc 143 vào cuối tuần.
Tương tự, ngày 23-9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, nâng lãi suất cơ bản lên mức 2,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp và đưa lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.
Quyết định tăng lãi suất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, nền kinh tế Anh được cho là rơi vào suy thoái, khủng hoảng năng lượng châu Âu và các chính sách mới sau khi Anh có Thủ tướng mới.
Trrong tuần trước cũng có hàng loạt các quốc gia phát triển đồng loạt tăng lãi suất. Chẳng hạn, Ngân hàng trung ương Na Uy đã tăng lãi suất từ 50 điểm cơ bản đồng thời có thể tăng thêm 25 điểm vào tháng 11.
Vào hôm thứ Ba, Thụy Điển đã tăng lãi suất thêm một điểm phần trăm và cho biết có thể còn tăng nữa khi quốc gia này đối diện với lạm phát tăng. Tương tự, Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, chấm dứt lãi suất âm trong thời gian qua.
Hồi đầu tháng 9, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đã mạnh tay tăng lãi suất. Chẳng hạn, Canada nâng lãi suất lên mức 3,25%, mức cao nhất trong vòng 14 năm. Úc cũng tăng 50 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong vòng 7 năm, 2,35%. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã nâng lãi suất huy động lên 0,75% và lãi suất tái cấp vốn lên 1,25%, mức cao nhất kể từ năm 2011…
Đô la tiếp tục phá đỉnh
Vào tuần trước, thị trường tiền tệ toàn cầu biến động lớn với việc đồng đô la lên giá mạnh sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, các đồng tiền khác tiếp tục chịu áp lực lớn.
Vào cuối tuần, chỉ số đồng đô la tiếp tục vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với rổ tiền tệ khác tăng lên mức 111 điểm, tăng 1,6%. Tuy nhiên, sau đó chỉ số này lại tiếp tục tăng mạnh lên mức gần 113,2 điểm, tiếp tục lập đỉnh mới kể từ khi ra mắt hồi 2002.
Trong khi đó, tỷ giá chéo giữa các loại đồng tiền cũng biến động rất mạnh. Vào cuối tuần trước, đồng euro giảm ngày thứ tư liên tiếp, giảm 1,49% xuống mức 0,9689 đổi một đô la. Đồng yên Nhật suy yếu 0,68% xuống 143,34 mỗi đô la, không duy trì được mức tăng theo tuần đầu tiên trong hơn một tháng, sau khi BOJ can thiệp thị trường.
Đáng chú ý là đồng bảng Anh cũng giảm mạnh 3,49%, về mức 1,0864 đổi một đô la, mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ tháng 3-2020 ở thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện. Đồng bảng Anh đã giảm 11% kể từ đầu tháng bảy, về mức thấp hơn cả mốc hồi năm 1984.
Đồng đô la mạnh lên không chỉ làm cho các loại đồng tiền khác mất giá mạnh tương đối mà còn kéo cả các loại tài sản tài chính toàn cầu khác giảm mạnh theo.
Thị trường cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề, chỉ số Dow Jones giảm 1,6%, đóng cửa ở mức đáy hồi tháng 6, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,72% và 1,85%. Tương tự, chỉ số chứng khoán thế giới của MSCI giảm 2,07%, xuống mức thấp nhất gần hai năm. Trong khi đó, chỉ số STOXX 600 (châu Âu) đóng cửa giảm 2,34%, giảm mức lớn nhất theo tuần trong ba tháng qua.
Tương tự, giá vàng cũng giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 4-2020. Theo đó, giá vàng giao ngay cuối tuần ghi nhận ở mức 1.655,6 đô la/ounce, giảm 1,6%. Thị trường tiền mã hóa cũng bị ảnh hưởng mạnh khi đồng bitcoin 2,57%, về mức 18.904 đô la/đồng.
Gia dầu giảm 5% xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, trong bối cảnh đồng đô la tăng mạnh và nỗi lo suy thoái ảnh hưởng đến triển vọng. Dầu thô Brent giao sau giảm về mức 86,15 đô la/thùng, trong khi dầu WTI (Mỹ) giảm về mức 78,74 đô la/thùng.