Giấc mơ trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của thế giới

(KTSG Online) – Nếu nói đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có thể nhiều người không am hiểu công nghệ sẽ không biết về nó.  Song, AI đã trở nên gần gũi với rất nhiều người Việt trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp đang nỗ lực đầu tư tận dụng cơ hội, hưởng ứng kế hoạch của Chính phủ muốn biến Việt Nam thành một trong những trung tâm AI của thế giới.

Nhà phát triển VNG cho biết trợ lý giọng nói Kiki sử dụng công nghệ AI đang được 200.000 người tải và sử dụng. Ảnh minh họa: DNCC

Đưa AI đi vào cuộc sống

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân TPHCM, ông Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, kể rằng đơn vị đang nỗ lực cho đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030”. Trong vòng 3 năm qua, bệnh viện đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Với sự góp sức của giải pháp công nghệ, bệnh viện đã can thiệp và cứu sống thành công 48% số bệnh nhân đột quỵ được đưa đến cấp cứu sau “giờ vàng”.

Từ năm 2019 đến nay, bệnh viện này đã ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bị đột quỵ bằng phần mềm RAPID của Trường Đại học Standford (Mỹ). Trước đây, khi chưa ứng dụng AI, bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu não nhập viện trong 6 tiếng đầu can thiệp điều trị khả quan. Sau 6-24 giờ, bác sĩ không thể làm gì để cứu bệnh nhân khỏi nguy cơ tàn phế, tử vong. Giờ đây, mỗi ngày có hai bệnh nhân đột quỵ được đưa đến sau 6 giờ, nhưng thông qua áp dụng phần mềm RAPID sẽ có một người mạnh khỏe và trở về cuộc sống bình thường. Trong vòng 3 năm ứng dụng RAPID, đã có 2.215 ca được chẩn đoán và chỉ định can thiệp bằng phần mềm.

Câu chuyện tương tự đang diễn ra tạo Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc với giải pháp Annalise.AI được ứng dụng vào chẩn đoán hình ảnh y tế.

Việc ứng dụng công nghệ AI trong chẩn đoán hình ảnh y tế, tiến tới hình thành kho dữ liệu hình ảnh, trung tâm chẩn đoán hình ảnh tập trung, mô hình bệnh viện không phim là xu hướng của thế giới. Bộ Y tế Việt Nam đã thí điểm Đề án triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế và mô hình bệnh viện không phim từ năm 2015 với các điển hình thành công như Bệnh viện Hữu Nghị, giúp tiết kiệm 55-75% chi phí tiền phim; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng giảm hơn 40% thời gian khám chữa bệnh.

Được biết giải pháp của Annalise.AI trước mắt sẽ được triển khai tại bệnh viện Hồng Ngọc sau đó sẽ được mở rộng ra các bệnh viện khác trên toàn quốc.

Tại một hội thảo về AI được tổ chức mới đây, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng việc phát triển AI trong nước hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề của chính quyền, người dân.

Trung tâm Không gian mạng Viettel hiện đang phát triển và cung cấp hệ sinh thái Viettel AI gồm nhiều dòng sản phẩm: nền tảng trợ lý ảo; hệ thống giám sát thông tin không gian mạng; nền tảng robot thông minh; nền tảng tổng hợp và phân tích dữ liệu; nền tảng bản sao số… Các giải pháp AI của Viettel đã được ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Tại sự kiện Zalo AI Summit 2022 diễn ra vào trung tuần tháng 12-2022, ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc kỹ thuật của Zalo cho biết đơn vị hướng đến mục tiêu đưa AI đi vào phục vụ đời sống. Công nghệ này sẽ trở nên phổ biến để mọi người đều có thể tiếp cận.

AI ngày càng được ứng dụng ở nhiều ngành nghề như công nghiệp, nông nghiệp, sinh học, y tế, giáo dục, giao thông hay thương mại điện tử, và cũng nằm trong kế hoạch triển khai của hàng loạt cơ quan nhà nước.

Tại hội thảo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công được tổ chức vào cuối tháng 12-2022, các báo cao cho thấy đã có nhiều cơ quan hành chính tại TPHCM ứng dụng AI như: thành phố Thủ Đức với dịch vụ định danh khách hàng điện tử; quận Bình Tân, quận 12 ứng dụng AI trong quản lý trật tự xây dựng; công an TPHCM ứng dụng AI trong hệ thống camera để giám sát an ninh; nhiều sở, ngành, các phường đã ứng dụng chatbot, callbot trong giải đáp thắc mắc của người dân…

Tuy nhiên, theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, TPHCM vẫn cần tập trung ứng dụng AI để tăng năng suất lao động của công chức. Tạo lập, liên thông, chia sẻ, sử dụng hiệu quả dữ liệu giữa các cấp, ngành, các địa phương. Bởi thực tế do dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến khai thác, ứng dụng AI để thúc đẩy hiệu quả chính quyền số còn bị hạn chế.

Được biết, trong năm 2023, TPHCM sẽ tập trung vào cải cách hành chính, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân.

Tại sự kiện trên, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cũng đặt hàng các doanh nghiệp hàng hoạt các giải pháp như: ứng dụng AI trong việc hỗ trợ lập kế hoạch và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tại TPHCM; ứng dụng AI trong quản lý hồ sơ văn bản như nhận dạng, bóc tách dữ liệu, giảm thời gian nhập liệu; ứng dụng AI xác định và dự báo giá trị đất theo thị trường, trong hệ thống giám sát đường sắt đô thị…

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, AI là một trong những công cụ hàng đầu để tháo gỡ các điểm nghẽn cho TPHCM. Năm 2023, TPHCM chọn chủ đề năm là nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, một trong những trọng tâm là đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, AI trong nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân.

Tại ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN 2022), FPT đã trình diễn hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh: DNCC

Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng đang dần mạnh mẽ

Giữa năm nay, Tập đoàn Viettel và Tập đoàn NVIDIA đã ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về AI để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI tại Viettel. Việc thiết lập quan hệ đối tác với các đối tác hàng đầu thế giới, trong đó có NVIDIA, thể hiện quyết tâm đầu tư vào AI của Viettel.

Tại sự kiện AI Day 2022 diễn ra gần đây, ông Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc Công ty VinAI (thuộc Tập đoàn Vingroup), cho biết nhằm hướng tới sự an toàn khi lái xe ô tô, VinAI đã nghiên cứu và ứng dụng thành công 2 sản phẩm hỗ trợ người lái xe. Các giải pháp trên hiện đã được tích hợp trên sản phẩm ô tô của VinFast sản xuất và VinAI mời chào cơ hội hợp tác cùng các hãng ô tô khác.

Đi vào hoạt động được 3 năm, VinAI hiện có nhiều nghiên cứu, sản phẩm đã đi vào quá trình phát triển. Doanh nghiệp này được tổ chức Thundermark Capital xếp hạng trong Top 20 công ty toàn cầu dẫn đầu trong hoạt động nghiên cứu về AI trong năm 2022.

Một gương mặt khác trong lĩnh vực phát triển công nghệ AI là Tập đoàn FPT. Trao đổi với KTSG Online, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ của FPT cho biết, AI là một trong 4 công nghệ cốt lõi trong chiến lược của tập đoàn này. FPT đang đưa AI vào các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của mình.

Từ năm 2013, ngay khi AI còn là khái niệm rất mới ở Việt Nam, FPT đã đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, giải pháp; đào tạo nguồn lực và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức lớn của thế giới về AI…

Hiện hệ sinh thái AI của FPT có hơn 20 giải pháp đang phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối và 600 triệu lượt sử dụng/năm. Trong thời gian qua, FPT đã phát triển và đào tạo các chuyên viên ảo như: tuyển dụng ảo, chăm sóc khách hàng ảo, chuyên viên y tế ảo, chuyên viên bán hàng ảo… giúp nhiều doanh nghiệp đột phá về hiệu suất làm việc. Hiện nền tảng hội thoại Conversational AI do FPT phát triển có thể thực hiện 120 triệu tin nhắn và cuộc gọi/tháng.

Tập đoàn FPT cũng đang đẩy mạnh việc hình thành cộng đồng nghiên cứu AI thông qua trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn, Bình Định. Doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với Viện Nghiên cứu AI – Mila, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về AI trong việc đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo…

Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud cho biết, 3 lợi ích lớn nhất mà AI mang lại cho các doanh nghiệp là: tăng năng suất lao động, ra quyết định dựa trên dữ liệu theo thời gian thực và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Do đó ông Việt cho rằng doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược ứng dụng AI từ bây giờ.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam có cơ hội tham gia cuộc đua toàn cầu trong lĩnh vực AI.

Việt Nam là thị trường tiềm năng để phát triển trí tuệ nhân tạo, trước hết, đây là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0. Ở góc nhìn chiến lược, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, đồng thời đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng về nhân lực khi có đội ngũ kỹ sư AI trẻ trung, có nền tảng kỹ năng tốt.

Ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc kỹ thuật của Zalo, cho rằng cuộc đua về AI mới chỉ bắt đầu và chắc chắn nó sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Nếu Việt Nam không tận dụng tốt các lợi thế và tiềm năng sẵn có thì có thể sẽ bị tụt lại phía sau, các doanh nghiệp trong nước có thể trở thành người ngoài cuộc trong tương lai.