Giải cứu ngân hàng – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Mấy ngày vừa qua, Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) là tâm điểm chú ý của giới tài chính toàn cầu. Vì sao sự sụp đổ của SVB quan trọng đến mức ba cơ quan là Bảo hiểm tiền gửi (FDIC), rồi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tài chính phải họp khẩn và ra thông báo can thiệp vào ngày Chủ nhật? Những bài học gì được rút ra từ câu chuyện này cho nước Mỹ và các nền kinh tế khác?

Sự sụp đổ của SVB gây ra sự hụt hẫng, tiếc nuối với một số người nhưng cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh trong việc quản trị rủi ro, nhất là những rủi ro mang tính hệ thống.

Cú ngã nặng của SVB

SVB là một ngân hàng có tập khách hàng chính là các startup, các doanh nghiệp công nghệ, và các quỹ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Uy tín của SVB không chỉ ở Silicon Valley, ở nước Mỹ, mà còn ở nhiều nước khác khi đây là một đầu mối kết nối các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến công nghệ: từ việc cho vay vốn, nhận tiền gửi, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương, đến tài khoản cá nhân của nhiều người làm trong lĩnh vực công nghệ. Có những quỹ đầu tư đã đồng hành hàng chục năm cùng với SVB, và SVB cũng đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, nhiều quỹ đầu tư vượt qua các đợt khủng hoảng như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng dotcom năm 2000, khủng khoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Câu chuyện bắt đầu khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các gói hỗ trợ, tiền rẻ và sự tăng trưởng nóng của các doanh nghiệp công nghệ đã khiến các doanh nghiệp này có một lượng tiền mặt rất dồi dào. Lượng tiền gửi vào SVB tăng vọt từ 60 tỉ đô la Mỹ vào cuối quí 1-2020 lên đến 200 tỉ đô la Mỹ vào cuối quí 1-2022. Cùng lúc đó, một phần lớn tài sản của SVB được đầu tư vào các công cụ chứng khoán nợ (fixed income securities).

Điều mà nhiều người đang quan ngại là hệ lụy của việc tăng lãi suất gấp của Fed thời gian qua còn tạo những trường hợp SVB nào khác ở các nền kinh tế khác? Điều gì sẽ xảy ra nếu các khoản lỗ trên sổ sách bị buộc phải thực hiện?

Trước tình hình lạm phát tăng nhanh, Fed bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3-2022. Lãi suất tăng mạnh đã khiến cho các khoản đầu tư của SVB lỗ nặng trên sổ sách. Đồng thời, nhiều công ty startup bắt đầu gặp khó khăn về dòng tiền, họ buộc phải rút tiền gửi và đây chính là áp lực buộc SVB phải bán các khoản đầu tư của mình, chấp nhận lỗ, cụ thể là đã lỗ 1,8 tỉ đô la Mỹ trên tổng số lỗ trên số sách ước tính là 16 tỉ đô la Mỹ.

Trong một nỗ lực huy động thêm tiền mặt để có thanh khoản, SVB đã đưa ra kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động 2,25 tỉ đô la Mỹ nhưng đã bị thất bại, giá cổ phiếu sụt giảm trong ngày đến 60% và bị đình chỉ giao dịch một ngày sau đó. Đỉnh điểm của câu chuyện là khi các khách hàng yêu cầu rút 42 tỉ đô la Mỹ vào ngày thứ Năm 9-3-2023, một số tiền quá lớn so với khả năng của SVB, khiến cho FDIC phải nhảy vào can thiệp.

Nhưng sự can thiệp của FDIC không đủ để trấn an thị trường, vì sự sụp đổ của SVB có thể lây lan các ngân hàng khác vào ngày thứ Hai 13-3-2023, nên Fed, Bộ Tài chính và FDIC đã họp khẩn cấp và đưa ra hai quyết định quan trọng để giải cứu ngành ngân hàng: 1. Đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, không giới hạn ở số tiền được bảo hiểm là 250.000 đô la Mỹ (số tiền không được bảo hiểm ở SVB rất lớn, lên đến 151 tỉ đô la Mỹ vì người gửi tiền là doanh nghiệp, các cá nhân giàu có trong lĩnh vực công nghệ); 2. Fed và Bộ Tài chính thực hiện chương trình cho vay, với tài sản bảo đảm được tính theo mệnh giá chứ không theo giá thị trường, số tiền lên đến 25 tỉ đô la Mỹ từ một quỹ bình ổn của Bộ Tài chính.

Một số bài học có thể rút ra

Với thông tin chính thức từ FDIC, Fed, và Bộ Tài chính, thị trường đã có thể tạm thời thở phào khi các chỉ số chứng khoán và tiền mã hóa hồi phục trở lại. Tuy vậy một số bài học có thể rút ra từ phía doanh nghiệp và cơ quan giám sát.

Thứ nhất là phải chú ý đến độ nhạy của giá chứng khoán nợ đối với sự biến động của lãi suất, đặc biệt là khi lãi suất tăng nhanh và kỳ hạn của chứng khoán nợ dài. Với việc lãi suất tăng từ 0% lên 5% thì đây là cơn ác mộng đối với các nhà đầu tư. Thử hình dung lãi suất tăng 1% mà thời gian đáo hạn bình quân (duration) là năm năm thì giá trái phiếu đã giảm xấp xỉ 5%.

Thứ hai là đa dạng các tài khoản tiền gửi. Trong cơn hoảng loạn ngày 9 và 10-3, nhiều chủ doanh nghiệp đã không thể rút tiền chuyển sang tài khoản khác vì chỉ có duy nhất một tài khoản ở SVB. Việc tập trung gửi ở một ngân hàng cũng đã tạo một cơn chấn động mạnh với đồng stablecoin USDC, khi công ty phát hành đồng tiền này là Circle có một tỷ trọng tiền gửi khá lớn ở SVB. Có những lúc, đồng USDC bị mất peg đến 10% ở những sàn giao dịch lớn.

Thứ ba là việc xử lý nhanh của cơ quan quản lý, theo kịp diễn biến của tình hình. Mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo sự ổn định của toàn hệ thống ngân hàng, vì nếu khủng hoảng ngân hàng thì sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế và cái giá của nó rất đắt, như công trình được giải Nobel kinh tế vừa rồi đã cho thấy. Chính vì vậy mà khi thấy FDIC can thiệp chưa đủ liều lượng, Fed và Bộ Tài chính phải nhảy vào can thiệp gấp.

Thứ tư là cần có cơ chế giám sát những ngân hàng có khả năng ảnh hưởng lớn (exposure) đến một ngành quan trọng của nền kinh tế. Chẳng hạn như ở Mỹ là lĩnh vực công nghệ hay ở Việt Nam là lĩnh vực bất động sản. Như trường hợp của SVB là một mấu chốt quan trọng trong dòng chảy tài chính của ngành công nghệ không chỉ của Mỹ mà cả thế giới.

Sự sụp đổ của SVB, một ngân hàng 40 năm tuổi và gắn bó mật thiết với ngành công nghệ của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung gây ra sự hụt hẫng, tiếc nuối với một số người nhưng cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh trong việc quản trị rủi ro, nhất là những rủi ro mang tính hệ thống (systemic risks). Điều mà nhiều người đang quan ngại là hệ lụy của việc tăng lãi suất gấp của Fed thời gian qua còn tạo những trường hợp SVB nào khác ở các nền kinh tế khác? Điều gì sẽ xảy ra nếu các khoản lỗ trên sổ sách bị buộc phải thực hiện?