(KTSG) – “Bỏ phố về rừng” từng là khát vọng rừng rực trong huyết quản một cộng đồng người – không – còn – trẻ. Nhưng có người nói đó đã là câu chuyện của vài năm về trước…
Chỉ riêng trong số bạn bè tôi, tính sơ sơ đã có đến chục người bỏ phố về rừng. Có người đang là chủ một doanh nghiệp nhỏ, bỗng vào một sáng đẹp trời thấy họ bán hết nhà cửa, dắt vợ con lên núi sống tự cung tự cấp.
Có người sau 10-20 năm mệt mỏi bươn chải, chạy theo định mức, “deadline”, đã quyết định giã từ cảnh làm thuê để về quê làm chủ… chính mình. Lại có người không quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn mà tìm tới một vùng đất lạ hoắc lạ huơ… Mỗi người đều mang theo những khát khao riêng có.
1. Vào thời điểm cuối năm này, một người bạn báo tin đã hoàn thành xưởng sản xuất hàng thời trang trẻ em tại đồi thông Phương Bối (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Gọi là xưởng nhưng nó giống một resort mộng mơ giữa triền đồi đầy hoa dại và lau trắng. Nhóm bạn khi xem bộ hình bạn đăng cơ ngơi của mình lên Facebook thì đều phải xuýt xoa “đẹp như chốn thần tiên nào”, “đẹp siêu thực như phim”…
Một điều rất thực là các đơn hàng của bạn được chốt tới tới, bạn phải vận hành xưởng sản xuất với 200% sức lực. Nhưng không phải ai cũng thấu biết để được như vậy, phía sau đó là cả một hành trình của bạn với bao mồ hôi, nước mắt cùng những nỗi cơ cực. Ngược thời gian về thời điểm bạn bắt đầu công cuộc hiện thực hóa ước mơ sống chậm giữa thiên nhiên, làm nông dân thực thụ.
Ban đầu, vợ chồng bạn bắt tay làm homestay, nhưng tình hình du lịch bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi dịch Covid-19 và họ phải dừng dự án để xoay sang sản xuất hàng thời trang trẻ em cao cấp. May mắn là những kinh nghiệm làm truyền thông, mở hàng quán, khu vui chơi thời ở phố đều được vợ chồng bạn vận dụng một cách hữu ích cho dự án mới.
2. Nhưng không phải ai bỏ phố về rừng cũng được như vậy. Trên mạng xã hội bây giờ, thỉnh thoảng lại có người bỏ phố về rừng kể chuyện trong nỗi hối hận. Nào là những ngày ôm nhau khóc giữa cái lạnh cắt da, giữa những con đường mưa gió mịt mù, giữa cái đói và cái khổ của đời sống thiếu tiện nghi, nào là bị stress khi không thể quen với nhịp sống rất chậm, với cảm giác bị thế giới bỏ quên…
Không thiếu những câu chuyện mua đất và đầu tư trang trại tiền tỉ nhưng không thể có thu nhập nên chủ đất phải bán tháo, chạy về phố. Trên các bài phân tích kinh tế – xã hội, vài vị chuyên gia “kết tội” xu hướng bỏ phố về rừng là nguyên nhân gây sốt đất Đà Lạt, Bảo Lộc, Đắk Lắk, Đắk Nông…, tạo ra bong bóng bất động sản. Cay nghiệt hơn, có ý kiến cho là trào lưu này mang tính bầy đàn, chẳng mấy chốc sẽ không còn ai nghĩ tới.
May thay, các bạn bỏ phố về rừng của tôi còn chưa… tháo chạy. Anh bạn đồng nghiệp trước đây vốn hay thẫn thờ hoài niệm về những năm tháng tuổi thơ chăn bò thơ thẩn giữa cây rừng, rốt cuộc cũng lên Tà Nung (Đà Lạt, Lâm Đồng) trồng cây gây rừng sau khi có một công việc làm online ổn định. Để rồi khi tạm biệt cà phê, trà đá, bia bọt nơi phố thị mỗi chiều, anh nhìn thấy cuộc sống hẻo lánh nơi rừng sâu với những thực tại khách quan buộc phải đối diện.
Anh kể chuyện phải trân mình trong căn lều nhỏ giữa những cơn bão, chuyện anh sống sót sau một cuộc lở đất. Anh mô tả những nỗi vất vả khi đi lại trên những con đường trơn trượt, những lúc thiếu xăng, những lúc bị mất kết nối Internet… Anh quyết định viết ra những hiện thực khó khăn, chia sẻ các kỹ năng sinh tồn để tránh cho những ai chỉ nhìn mặt tốt đẹp qua hình ảnh núi rừng tươi đẹp nên thơ mà quên mất về rừng là về với rắn rết, côn trùng, mưa nhão và nỗi cô đơn…
Nhưng anh vẫn kiên trì với hành trình trồng cây gây rừng của mình và siêng năng viết, kết nối với mọi người như một cách chống lại nỗi buồn cũng như giữ lấy sự bền bỉ… Gần đây nhất, anh viết bài để tìm thật đông người cùng chí hướng và kêu gọi hợp tác một dự án trồng rừng trên diện tích khoảng 10 héc ta. “Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”, anh viết.
Thật ra, mô hình cùng làm, cùng sống, cùng dựng xây này không mới. Thông tin từ những trang, nhóm của cộng đồng người bỏ phố về rừng cho thấy đó không hề là cuộc đi ích kỷ để tận hưởng cuộc đời. Đó phải là cuộc khát khao sống một cuộc đời thích hợp và ý nghĩa hơn, thì mới có thể dài lâu, bền bỉ.
3. Từng có những cuộc dịch chuyển khổng lồ – “bỏ phố về làng”, “về quê ăn rau ăn cháo” của người lao động hồi dịch Covid-19 căng thẳng. Hơn một năm sau, tức lúc này đây, ai đó có thể thắc mắc liệu những người rong ruổi đường thiên lý vượt gió mưa, nguy hiểm để được đặt chân lên mảnh đất quê nhà ấy nay ra sao?
Câu trả lời của tôi là họ đã lại rời làng ra đi, họ không còn ở quê nữa. Họ ra đi vì rau cháo ở quê đâu thể nuôi họ mãi. Nông thôn ngày nay đã khác xưa, không còn chuyện bước ra sông là vợt được tôm cá, ra vườn là có rau ăn.
Con người đã tàn diệt hết, vườn không còn, hồ ao đã lấp. Nhiều khu làng bây giờ là những khối nhà bê tông, cổng rào cao vút, một cái cây to cũng không có, đến gió cũng không thể lùa.
Sau khi hàng lớp người bỏ các khu công nghiệp lớn để trở về làng quê, các cơ sở sản xuất to, nhỏ rơi vào cảnh khan hiếm nhân công, không thể hoàn thành các đơn hàng. Trong khi đó, người ở quê cũng dần thấm thía nỗi khổ thất nghiệp, lại đành phải chia tay mẹ cha ngược vào phố tìm việc.
Một người bạn làm dịch vụ bất động sản cho biết các căn hộ chung cư, các khu nhà trọ ở thời điểm giáp Tết năm ngoái giảm giá “sát mặt đất” cũng không tìm ra khách, giờ đây đã lại kín phòng và rục rịch tăng giá, do luồng người ngược về đô thị mưu sinh. Người nghèo vẫn phải bám vào thành phố để sống, chưa thể khác được!
Tôi có cô bạn trẻ từng bỏ Sài Gòn trở về quê là một vùng sâu ở Quảng Nam. Bạn (cũng như nhiều bạn trẻ khác trong nhóm “con dượng Tony”) từng khao khát được góp phần vào chuỗi tiêu thụ nông sản. Về quê, bạn dốc lực gọi vốn, dựng một nhà máy sản xuất các mặt hàng thương hiệu “Cô gái Bh.nong”, từ gạo lứt, bánh gạo, trà gạo đến tinh bột nghệ, mật ong hoa rừng…
Tất nhiên, “đêm trước” của nhà máy là một xưởng sản xuất thủ công nhỏ, trước nữa thì chỉ là cái chảo rang gạo trong góc bếp muội than bám đen. Nay sản phẩm của bạn đã được vài trăm đại lý trong nước nhận phân phối.
Nhìn những dòng người lại bỏ quê vào phố mưu sinh, bạn nhiều lần chia sẻ cảm giác đau xót. Rằng quê nghèo càng nghèo, các bản làng chỉ còn người già và trẻ em: ông bà chăm giữ cháu cho cha mẹ chúng đi làm công nhân, cả năm chỉ gặp mặt nhau dịp Tết.
Bạn ôm giấc mơ được trả lương cho thật nhiều người ở quê. Bạn mơ mọi vùng đất xa xôi đều có các nhà máy, các xưởng sản xuất sáng đèn, để không đứa trẻ nào phải xa mẹ, không đứa con bôn ba xa xứ nào phải chịu cảm giác bỏ lại cha mẹ già trong căn nhà quê vắng lạnh.
Công xưởng nằm ở vùng sâu vùng xa có lợi thế tận dụng được vùng nguyên liệu, nhân công rẻ và ổn định. Việc tổ chức nhà máy ở vùng xa nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất là cách mà nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã làm. Chính sách kéo giãn các nhà máy, cơ sở sản xuất khỏi các trung tâm thành phố đã có từ lâu.
Nhưng các bạn của tôi đang mơ có hẳn một chính sách đãi ngộ, một chương trình hành động chính thống và quy mô để đưa các công xưởng về các vùng sâu vùng xa. Đấy chính là cách kết nối khao khát bỏ phố về làng của những người có khả năng làm chủ với giấc mơ được sống và làm việc trên quê hương của người lao động. Sự kết hợp này mới đẹp đẽ làm sao!