Hành lang pháp lý chặt chẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu

(KTSG Online) – Nghị định 65/2022 với hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu. Nhưng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững thì phải xây dựng hệ thống pháp luật quản lý phù hợp và tăng niềm tin cho chủ thể tham gia, theo các chuyên gia.

Động thái lành mạnh hoá thị trường trái phiếu

Với mức tăng trưởng khoảng 46% mỗi năm về khối lượng phát hành trong giai đoạn 2019-2021 – tương ứng khoảng 467.000 tỉ đồng, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã đạt mức 15% GDP tính tới cuối năm 2021.

Nhưng sự phát triển nhanh về quy mô, khối lượng phát hành và sự vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh cũng cho thấy không ít rủi ro hiện hữu với thị trường và nhà đầu tư, gồm: doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu nhưng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, khối lượng lớn; nhiều cá nhân vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm mua TPDN riêng lẻ; một số tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, kiểm toán, thẩm định giá, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký trái phiếu chưa tuân thủ quy định pháp luật, chưa bảo đảm đạo đức nghề nghiệp.

Nghị định 65/2022 mới ban hành được kỳ vọng sẽ làm lạnh mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Về tiêu chuẩn nhà đầu tư, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ phải đáp ứng yêu cầu về danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng trong tối thiểu 180 ngày. Danh mục này phải thể hiện bằng tài sản không bao gồm tiền vay.

Như vậy, chính sách mới đã bổ sung thêm thời gian nắm giữ tối thiểu so với việc chỉ yêu cầu giá trị danh mục đầu tư trong Luật Chứng khoán.

Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải đọc, hiểu và ký xác nhận đã tiếp cận đầy đủ các tài liệu về trái phiếu dự kiến mua, hiểu biết pháp luật, chấp nhận rủi ro về trái phiếu riêng lẻ. Còn tổ chức cung cấp thông tin và tổ chức xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải cùng ký xác nhận lên văn bản này về việc đã cung cấp đầy đủ thông tin và hồ sơ cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, nhà đầu tư không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đây cũng là biện pháp nhằm hạn chế cách “lách” quy định như trước, khi nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng góp vốn.

“Mọi hành vi lách các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu mà còn là hành vi vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) nói tại buổi họp báo chiều 19-9.

Về doanh nghiệp phát hành, Nghị định mới đã bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện.

Với quy định này, các chuyên gia phân tích của FiinGroup cho rằng nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu trong bối cảnh cơ quan quản lý đặt yêu cầu cao hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành. Ngoài ra, nhà phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Bên cạnh yêu cầu trên, Nghị định mới vẫn cho phép các tổ chức phát hành được phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mục đích đảo nợ, nhưng chỉ đảo nợ cho chính doanh nghiệp đó.

Điều này, theo nhóm phân tích của FiinGroup, sẽ giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Đồng thời, củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con/liên kết để phát triển dự án trong bối cảnh áp lực đáo hạn TPDN năm 2022 và 2023 của nhóm doanh nghiệp này dự kiến ở mức 35.560 tỉ đồng và 61.370 tỉ đồng.

“Chúng tôi cho rằng đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu”, nhóm phân tích của FiinGroup nhận xét.

Về xếp hạng tín nhiệm, Nghị định mới cũng yêu cầu một số đối tượng doanh nghiệp thuộc diện cần xếp hạng phải bổ sung kết quả xếp hạng tín nhiệm vào hồ sơ chào bán TPDN riêng lẻ, gồm: Tổng giá trị trái phiếu trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỉ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu ở kỳ báo cáo gần nhất, hoặc dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu ở kỳ báo cáo gần nhất.

Những giải pháp lâu dài

Nghị định 65/2022 với hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu. Nhưng để thị trường TPDN phát triển bền vững thì phải xây dựng hệ thống pháp luật quản lý phù hợp và tăng niềm tin cho chủ thể tham gia, theo các chuyên gia.

Với mục tiêu gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng các cơ quan quản lý xây dựng những định chế để đảm bảo rằng “rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều”.

“Thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn”, ông Tú Anh nói tại tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp – Niềm tin và Trách nhiệm” hôm 13-9.

Vị này cũng kiến nghị Chính phủ có quy định tách bạch giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư như Mỹ, thay vì để các ngân hàng đang thực hiện chức năng môi giới đầu tư như hiện tại. Điều này giúp những doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro có đơn vị đứng ra bảo lãnh khi phát hành trái phiếu.

Bổ sung, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu phương án giải quyết những trường hợp doanh nghiệp có trái phiếu sắp đáo hạn, nhưng không trả được tiền cho nhà đầu tư.

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin, cho rằng mỗi doanh nghiệp cần một bộ phận phụ trách quản trị tài chính với nhiệm vụ tính toán dòng tiền, nhu cầu vốn, giúp doanh nghiệp hoạt động theo một kế hoạch bài bản.

Ngoài ra, cần xây dựng bộ phận phụ trách quan hệ nhà đầu tư với vai trò tương tác và đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Đồng thời, góp phần thông tin việc sử dụng đồng vốn tới khách hàng một cách minh bạch, hiệu quả hơn.

Về phía nhà đầu tư, ông Đặng Đình Hiệp, một nhà đầu tư gắn bó với thị trường chứng khoán hơn 20 năm, cho rằng cần nhìn nhận trái phiếu chỉ là một kênh đầu tư và bổ sung nguồn vốn sẵn có một cách hợp lý.

“Nếu trực tiếp mua trái phiếu thì nhà đầu tư phải tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của nhà phát hành hoặc có thể tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”, ông Hiệp khuyến nghị.

Theo ông Hiệp, một số nhà đầu tư là các hiệu trưởng trường mầm non, nhân viên công ty du lịch thường hỏi ông có nên mua trái phiếu với lãi suất 12% một năm và nhận được khuyến cáo “đừng nghĩ về mức 12% mà hãy quan tâm doanh nghiệp đó tốt hay xấu”.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết cơ quan quản lý sẽ phát triển thêm các nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ. Còn nhà đầu tư cá nhân, vốn chưa đủ năng lực phân tích rủi ro, sẽ được khuyến khích đầu tư vào TPDN phát hành ra công chúng, chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu hoặc ủy thác đầu tư cho công ty quản lý quỹ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ nâng cấp các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán với các chương trình nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, tăng cường phổ biến kiến thức và cung cấp thông tin kịp thời về thị trường trái phiếu.

Cụ thể, chuyên trang về TPDN của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ công bố các thông tin gồm chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán lãi trái phiếu, doanh nghiệp sử dụng vốn huy động từ trái phiếu không đúng mục đích.

Về chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát quy định về phát hành trái phiếu sao để sửa đổi các quy định phù hợp với điều kiện thị trường. Trong đó, tập trung sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, vốn là điều kiện gây rủi ro cho thị trường thời gian qua.

Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ sửa đổi quy định về cách thức phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm tách bạch vai trò quản lý nhà nước với từng loại trái phiếu.

Hoạt động thanh tra và kiểm tra với các chủ thể tham gia thị trường sẽ tiến hành theo hình thức hậu kiểm. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, giám sát qua công ty chứng khoán và tổ chức cung cấp dịch vụ phát hành. Nếu phát hiện dấu hiệu rủi thì sẽ kiểm tra trực tiếp đơn vị phát hành trái phiếu.