Hấp dẫn thế hệ khán giả trẻ để giữ lửa cho sân khấu kịch nói

(KTSG Online) – Các sân khấu kịch ở TPHCM, dù sinh sau đẻ muộn hay có thâm niên hoạt động từ lâu, đang nỗ lực sáng đèn để chào đón lượng khán giả yêu kịch nói. Từ những tín hiệu tích cực đầu năm mới, các nghệ sĩ tập trung phát triển thêm dự án, chú trọng chất lượng nội dung và thu hút thêm nhóm khán giả trẻ tuổi.

Niềm vui làm nghề: khách mới, khách cũ kín rạp

Tại sân khấu kịch Quốc Thảo ở quận 3, TPHCM, nghệ sĩ Quốc Thảo vui mừng tâm sự các vở diễn xuyên suốt tám mùng Tết đều kín rạp. Chính sự ủng hộ của khán giả trong mùa Tết đã cho thấy sự khả quan vào năm mới khi đợt dịch Covid-19 khiến loạt sân khấu chung phận “kéo rèm”. Ông cho hay khi ra kịch cho mùa Tết, kết quả ngoài dự đoán là suất diễn nào cũng bán hết vé, đông đảo khán giả hơn so với sự mong đợi. Với hai vở Đảo Thoát Ế và Mặt Nạ, sân khấu kịch Quốc Thảo đã có khán giả “ruột” và thêm những người yêu nghệ thuật kịch nói.

Các diễn viên tại sân khấu kịch Quốc Thảo. Ảnh: Fanpage sân khấu kịch Quốc Thảo

Ông nói thêm sân khấu chứng kiến nhiều bạn trẻ vì tò mò muốn xem kịch mới xuất hiện, nhưng điều đáng mừng là những lần sau lại thấy các bạn ấy trở lại. “Đối với những người làm nghề như chúng tôi, đó là một sự thành công vì khán giả tin dùng vào sản phẩm của mình. Tôi cũng nghĩ không có hình thức truyền thông nào thành công bằng cách truyền miệng cả, chỉ cần kịch hay, tác phẩm đó sẽ dành cho tất cả mọi người không phân biệt tầng lớp, tuổi tác”, nghệ sĩ Quốc Thảo tâm sự.

Trước đà phát triển ở sân khấu kịch, các đêm diễn thường xuyên kín chỗ hoặc hết 80-90% ghế, đại diện giải thích sở dĩ người xem đang có xu hướng muốn tiếp xúc, giao lưu trực tiếp thay vì hạn chế giao tiếp, làm việc nhiều với máy móc trong hai năm dịch bệnh. Với đặc thù sân khấu là nơi tái hiện cuộc sống một cách trực tiếp, diễn viên hiện hữu trước mắt, giao lưu gần gũi với người xem nên các vở kịch nói cũng là sự lựa chọn của khán giả trẻ hiện nay. Được biết, tại điểm sân khấu kịch Quốc Thảo đang có 150 ghế, mỗi cuối tuần sẽ có suất diễn, tùy thuộc vào lượng khán giả, sân khấu sẽ mở thêm suất vào thứ sáu, giá vé dao động 150.000 đồng – 200.000 đồng tùy vào chỗ ngồi.

Bên trong sân khấu kịch Quốc Thảo kín chỗ. Ảnh: Fanpage sân khấu kịch Quốc Thảo

Hiện tại, sân khấu đang có hai đối tượng khách chính là khán giả yêu thích nghệ thuật kịch nói từ xưa và người trẻ muốn xem giải stress. Để dung hòa được hai màu sắc này, đạo diễn phải làm ra vở vừa mang tính nghệ thuật, vừa đậm nét giải trí. Nghệ sĩ Quốc Thảo tự tin sân khấu mình luôn có sự cân bằng này để làm hài lòng đa số khách hàng.

Mới chính thức hoạt động vào đầu năm nay, sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh đang nỗ lực vượt qua những khó khăn để duy trì ổn định. Nghệ sĩ Trương Hùng Minh,  hay còn được biết đến với nghệ danh Minh Nhí, bộc bạch sân khấu của ông “sinh sau đẻ muộn” so với những tên tuổi đã đi trước, và ông cùng các cộng sự đang gầy dựng lại từ đầu để tạo nên một sân khấu chuyên nghiệp trong mọi khâu phục vụ khán giả xem kịch, thay vì làm mô hình nhỏ lẻ như sân khấu chuyên đào tạo trước đây.

Ông nhấn mạnh mình cần khoảng 1-2 năm để làm tên tuổi cho sân khấu, và đang cùng nghệ sĩ Việt Hương tập trung đầu tư nhiều tuồng mới, mời đạo diễn giỏi về làm cố vấn, chấp nhận mọi khoản thuê ekip hậu đài, phục trang, bán vé chuyên nghiệp… cốt làm sao có vở diễn tốt nhất, cho khán giả giây phút vui vẻ và muốn quay trở lại rạp. Chia sẻ với Kinh Tế Sài Gòn Online, nghệ sĩ Trương Hùng Minh tiết lộ dự kiến vào giữa năm nay sẽ có dự án lớn với nhiều vở kịch thiếu nhi, diễn xuyên suốt từ ngày 1-6 đến 15-6, mỗi ngày hai suất chiếu tại rạp với hơn 400 chỗ ngồi.

Các nghệ sĩ đang biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh. Ảnh: Fanpage sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh

“Chúng tôi cũng đón nhận nhiều tín hiệu vui tương tự. Sau Tết, mỗi cuối tuần với hai suất, hai tuồng diễn thì sân khấu đầy khoảng hai phần ba chỗ, với tôi chỉ cần có một nửa khán giả đến đã hạnh phúc. Có những vị khách quen cứ mua đi mua lại một chỗ ngồi ủng hộ các vở diễn đến mức anh em nhớ mặt, điều đó làm tôi thêm động lực làm nghề và duy trì hoạt động. Vì sân khấu mình còn mới nên cần thời gian để phát triển là chuyện đương nhiên”, ông Minh chia sẻ.

Trăn trở giữ lửa nghề, duy trì ánh sáng cho sân khấu

Bên cạnh niềm vui chứng kiến rạp sáng đèn vào mỗi cuối tuần, đại diện sân khấu không khỏi băn khoăn những điểm còn khó khi tham gia vận hành. Cụ thể, nghệ sĩ Quốc Thảo kể để tìm được một kịch bản hay, dựng tuồng cho diễn viên bây giờ rất khó. Tác giả chuyên viết kịch sân khấu ít dần có thể vì vấn đề kinh tế không đủ đáp ứng, trung bình 3-4 tháng mới có kịch bản mới. Tiếp đến, điều kiện cơ sở vật chất sân khấu chưa đảm bảo.

Ông kể thời gian sinh sống tại Mỹ, ông chứng kiến cứ mỗi vở diễn sẽ có một sân khấu được đầu tư hoành tráng. Nhìn lại, nhiều đơn vị đến giờ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nhiều từ chính quyền, nhà nước. Chẳng hạn, ông muốn thuê sân khấu lớn ở thành phố để có đêm diễn “ra trò” thì chi phí quá lớn, số tiền tự bỏ ra quá sức, không biết bán bao nhiêu vé mới đủ chi trả, ngược lại nếu chỉ gói gọn trong khả năng thì không thỏa đam mê làm nghề hay có một đêm diễn ấn tượng với khán giả.

Các nghệ sĩ trẻ được đào tạo bải bản về diễn xuất lẫn khả năng làm biên kịch. Ảnh: Fanpage sân khấu kịch Quốc Thảo

“Nghệ thuật kịch nói cần sự hỗ trợ, quan tâm thêm từ các ban ngành. Để những người làm nghề như chúng tôi thêm đủ tự tin, giữ nét văn hóa sáng đèn mỗi đêm tại các sân khấu ở TPHCM”, nghệ sĩ Quốc Thảo bộc bạch.

Hiện tại, ngoài chăm chút cho các vở diễn, ông cũng tập trung vào đội ngũ truyền thông, tìm mọi cách để tiếp cận khán giả trên nhiều phương tiện chứ không chỉ bán vé truyền thống; làm thêm nhiều tiểu phẩm, kịch ngắn. Đặc biệt, lớp diễn viên trẻ đào tạo tại sân khấu cũng là những KOL, tikoker, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội góp phần thu hút khách đến sân khấu trải nghiệm. Ông nhấn mạnh để duy trì sân khấu, không thể thiếu khâu đào tạo “tre già măng mọc” giỏi về diễn xuất lẫn chủ động sáng tạo nội dung, kịch bản. “Chính sự tài năng, nhiệt huyết của các bạn trẻ đã làm cho tôi thêm động lực vượt qua khó khăn và tin vào tương lai được tiếp nối”, ông nói.

Tại sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh, theo nghệ sĩ Minh Nhí để khán giả yêu thích kịch, coi đến phút giây cuối thì tính hấp dẫn là yếu tố quan trọng. Ở đây, sân khấu không giới hạn thể loại hay đối tượng người xem. Đội ngũ sáng tạo cố gắng làm tất tần tật và vở nào cũng làm chỉn chu để người bỏ tiền mua vé có được giây phút giải trí, cân bằng những yếu tố nghệ thuật.

Các vở diễn được đầu tư chỉn chu vào đầu năm nay tại sân khấu của nghệ sĩ Minh Nhí. Ảnh: Fanpage sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh

Ông bộc bạch muốn giữ lửa, những người tiên phong thấy khó vẫn phải làm để nuôi dưỡng kịch nói. “Trận này quyết phải làm tươm tất, chỉ cần vậy tôi nghĩ khán giả vẫn luôn ở đó và không quay lưng. Bằng chứng là bây giờ tình hình kinh doanh ở phòng vé khá khả quan, nhiều suất vé được mua hết trước, việc kết hợp bán trên trang fanpage, ticket box, website liên kết khá hiệu quả, khách trẻ quan tâm nhiều”, nghệ sĩ Minh Nhí cho hay.

Ngoài ra, trong những ngày không có suất diễn, địa điểm sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh sẽ là nơi cho thuê, biểu diễn các hoạt động nghệ thuật khác như cải lương, ca nhạc, nhiều loại hình trình diễn khác…

Nhìn chung, hoạt động sân khấu năm 2023 được phần lớn giới chuyên môn trong lĩnh vực kỳ vọng phát triển, ngày càng đến gần hơn với công chúng. Chính những nghệ sĩ, lớp trẻ cũng không ngừng ấp ủ, kéo dài sức sống sân khấu bằng những vở diễn hay và tâm huyết theo nghề nghiêm túc, chỉn chu.

An Phú