Học cách nói “KHÔNG” – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Các công ty khởi nghiệp cần học cách nói “CÓ” với cơ hội, với đầu tư, với tiền vốn, nhưng phải học cách nói “KHÔNG” với việc không quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ từ những bước đầu tiên.

Để bước vào hành trình khởi nghiệp, bạn phải có một tâm thế sẵn sàng đón chào cả những cơ hội và cả những nguy cơ. Vì thế, nếu đã xác định khởi nghiệp, bạn phải nói “có” thay vì “có thể” với rất nhiều thứ.

Sẵn sàng nói “CÓ”

Bạn sẽ nói có với những đêm làm việc muộn mà không thể than vãn với ai về việc tại sao công việc của bạn không dừng lại ở mốc 5 giờ chiều.

Bạn sẽ nói có với các cơ hội gọi vốn và các chương trình gọi vốn khả thi, điều này đồng nghĩa với việc bạn phải chia sẻ ý tưởng và nguyên mẫu khởi nghiệp cho các nhà đầu tư hay công chúng để giành lấy phần tiền bạn cần hỗ trợ cho quá trình khởi nghiệp.

Bạn sẽ phải nói có với việc xuất hiện trước công chúng, xuất hiện trong các chương trình truyền hình, xuất hiện ở các sự kiện quảng bá sản phẩm dù bạn hay e dè, rụt rè. Khi bạn khởi nghiệp, cuộc chơi về hình ảnh cá nhân (personal image) thay đổi. Bạn sẽ phải nói có với việc chấp nhận ý kiến phê bình phân tích của nhiều bên nếu bạn cần các chuyên gia cho ý kiến để cải tiến sản phẩm.

Bạn cũng sẽ phải nói có với việc chi trả những khoản tiền cho những dịch vụ hỗ trợ công tác khởi nghiệp – bởi không ai giỏi tất cả, trong khi khởi nghiệp cần rất nhiều kỹ năng, như marketing, điều tra thị trường, pháp lý doanh nghiệp, tuyển dụng và quản trị nhân sự…

Nhưng cũng bắt đầu với chữ “KHÔNG”

Đừng đi đường tắt. Nếu có một con đường chính thống, bạn hãy cố gắng nói “không” với việc đi đường tắt. Việc đi đường tắt ở đây ý chỉ bạn chọn làm sản phẩm hoặc dịch vụ có chất lượng thấp nhưng nhanh thu vốn và bạn quảng cáo rầm rộ để hút người mua.

Việc đi đường tắt ở đây cũng gắn với vấn đề sở hữu trí tuệ, bạn không thể để ký hiệu © bên cạnh bất kỳ văn bản hay nội dung nào chỉ vì bạn thích thế. Văn bản hay nội dung cần được đăng ký quyền tác giả và được trao quyền mới nên để © ở phần thông tin văn bản, thông tin nội dung, hay thông tin sản phẩm. Tương tự, ký hiệu ® chỉ được để cạnh nhãn hiệu nếu nhãn hiệu đã được đăng ký và được cấp quyền bảo hộ. Đừng bỏ các ký hiệu vào bất cứ chỗ nào bạn thích vì bạn muốn rút ngắn con đường đăng ký và xin bảo hộ. Hành vi này sẽ có thể khiến doanh nghiệp của bạn bị đặt câu hỏi về tính trung thực và tính hợp pháp. Đồng thời, khi câu hỏi về tính trung thực và tính hợp pháp được đặt ra, danh tiếng doanh nghiệp sẽ bị đem đặt dưới kính lúp của xã hội để soi xét lại. Những khách hàng mua hàng vì tin tưởng tính chân thành và trung thực của sản phẩm sẽ ngừng mua bởi hình ảnh doanh nghiệp và tiêu chí sản phẩm mâu thuẫn đối chọi nhau.

Bạn sẽ nói không với việc chưa đăng ký quyền tác giả cho sản phẩm chính mà bạn dùng để bán, gọi vốn, hay tham các cuộc thi lớn, mà đã công khai trên mạng xã hội. Nếu sản phẩm này thuộc dạng văn học, dạng phim ảnh, sản phẩm thuật toán, hoặc nói chung là các sản phẩm có tính biểu đạt nghệ thuật (artistic expression), bạn càng không nên đặt các tác phẩm ở chế độ “public”, đặc biệt là trên Facebook. Bởi tại Việt Nam, mạng xã hội là mảnh đất hỗn loạn. Những hành vi như sao chép một phần hoặc toàn phần có chỉnh sửa, lấy tác phẩm của người khác làm của mình, lấy tác phẩm của người khác đi đăng ký quyền tác giả, là những hành vi rất phổ biến và xảy ra với mật độ cao. Sẽ khó có thể ngăn chặn những hành vi này 100%, nhưng nếu tác phẩm được đăng ký bảo hộ quyền tác giả và được ghi chú trong tác phẩm về sự bảo hộ trước khi được công khai trên nhiều kênh xã hội, sự vi phạm sẽ giảm xuống chỉ còn vài % nhỏ.

Bạn sẽ phải nói không với việc chưa đăng ký bảo hộ sáng chế cho nguyên mẫu máy móc, nếu doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn phát minh ra máy móc và thiết bị mới, mà đã mang nguyên mẫu này lên chương trình khởi nghiệp trên ti vi, ví dụ chương trình Sharktank. Việc đưa nguyên mẫu lên chương trình đồng nghĩa bạn phải giải thích cho các nhà đầu tư về quá trình sáng tạo, sự khác biệt của sản phẩm, hay cách thức vận hành. Đó là 90% thông tin sản phẩm bạn tiết lộ trên chương trình mà có vài triệu người xem.

Thử nghĩ theo cách này, nếu có ai đó, cũng học kỹ thuật như bạn và cảm thấy rằng có thể làm ra một cái máy giống cái bạn quảng bá trên chương trình; đồng thời, ngay hôm sau người này tạo ra một bản vẽ cho nguyên mẫu cải tiến dựa trên máy của bạn và đăng ký sáng chế – đăng ký trước bạn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu sáng chế của người này được chấp thuận đăng ký, sáng chế của bạn sẽ trở thành hàng nhái.

Luật quy định đối với sáng chế là ai đăng ký trước thì nhận được quyền trước. Trong sáng chế, rất khó để xác định thời gian bạn sáng tạo ra nguyên mẫu sản phẩm, và vì thế văn phòng SHTT (sở hữu trí tuệ) trong nước và nước ngoài đều dựa vào thời điểm đăng ký sáng chế. Trong trường hợp không may xảy ra như nói trên, sản phẩm của bạn, theo thời điểm đăng ký sáng chế, là mặt hàng ra sau, là hàng tương tự giống sản phẩm đã được bảo hộ của cá nhân kia – dù thực tế, cá nhân đó lấy thông tin từ sản phẩm của bạn.

Và vì nói không với đăng ký sáng chế ban đầu, bạn sẽ phải nói có với những cuộc đàm phán không có lợi, thậm chí, thương vụ Sharktank của bạn bị hủy, hoặc tệ hơn, dự án khởi nghiệp đang trên đà đi lên nay phải dừng lại.

Và phải nói “KHÔNG” với gì nữa?

Bạn phải nói không với việc chưa đăng ký nhãn hiệu đã vội chạy chiến dịch marketing rầm rộ. Hãy đăng ký nhãn hiệu trước khi cho doanh nghiệp xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Luật Việt Nam quy định về nhãn hiệu là ai đăng ký trước thì người đó sở hữu. Quy định này khiến cho việc bạn không đăng ký cho nhãn hiệu bạn đang dùng – tức là theo luật SHTT bạn không sở hữu nhãn hiệu đó nhưng vẫn dùng, cấu thành tiền đề cho tranh chấp và kiện tụng về sau.

Trên thế giới có rất nhiều bài học đắt giá về việc không đăng ký cũng không tìm kiếm thông tin về một nhãn hiệu nhưng vẫn dùng, ví dụ: Siêu sao ca nhạc Taylor Swift gần đây đã giải quyết một vụ kiện với Blue Sphere, một công ty sở hữu nhãn hiệu quần áo “Lucky 13”. Công ty đã đệ đơn kiện khi Swift bắt đầu bán các sản phẩm có nhãn hiệu “Lucky 13” cho người hâm mộ của cô ấy.

Ngôi sao khẳng định rằng 13 chỉ là một con số may mắn đối với cô, do đó là một dấu ấn, tuy nhiên lập luận này bị tòa bác bỏ, và hành vi của cô được coi là hành vi vi phạm bảo hộ nhãn hiệu. Cuối cùng, hai bên đã giải quyết ngoài tòa án và không tiết lộ cho truyền thông về nội dung thỏa thuận. Tuy nhiên, nhiều báo cáo truyền thông nói rằng kể từ sau vụ kiện, Taylor Swift đã xem xét kỹ lưỡng về sự cần thiết của việc bảo hộ nhãn hiệu và bắt đầu đăng ký nhãn hiệu cho các cụm từ, lời bài hát, tên, hoặc các hình ảnh để tránh các xung đột trong tương lai.

SHTT đôi lúc có thể là yếu tố giá trị cao duy nhất của sản phẩm hoặc dịch vụ trong thế giới năng động và cạnh tranh ngày nay. Nó giúp tạo ra sự khác biệt bền vững và có thể bảo vệ công ty khởi nghiệp. Hơn nữa, nó cũng tạo ra một tấm khiên bằng việc đăng ký bảo hộ SHTT, giúp các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh hơn so với các đối thủ.

Ngoài ra, SHTT là thành phần quan trọng giúp các công ty khởi nghiệp trên khắp thế giới đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Có sản phẩm trí tuệ và có sự bảo hộ SHTT khiến cho các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan khác cảm thấy tin tưởng sâu sắc vào công ty khởi nghiệp. Sự tin tưởng này không chỉ giúp công ty thành công mà còn để trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, trong các công ty khởi nghiệp kỹ thuật, việc tạo ra các phát minh có thể diễn ra hàng ngày, vì thế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có tầm quan trọng lớn hơn nhiều trong cả các ngành sản xuất và kỹ thuật. Trong quá trình cân nhắc việc bảo hộ sản phẩm trí tuệ, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp hãy tham vấn các chuyên gia SHTT và có được chiến lược bảo vệ trước khi quảng bá công ty và sản phẩm rộng rãi tới công chúng.

Trên con đường khởi nghiệp, số lần bạn nói có và số lần bạn nói không gần như bằng nhau. Đôi lúc để hoàn thành những mục tiêu khởi nghiệp đã đặt ra, bạn cần phải sáng suốt xây dựng chiến lược kinh doanh gắn liền với chiến lược bảo hộ SHTT phù hợp. Hãy nhớ rằng, đôi khi, bạn cần phải học cách nói “không” để có được thành công.

Trong tâm thế khởi nghiệp, bạn đã nói “có” và sẽ nói như vậy nhiều lần.

(*) Công tác tại văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, trụ sở tại Manhattan, New York City, Mỹ.