(KTSG Online) – Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2022, cả nước có khoảng 300 chương trình liên kết đào tạo đại học với nước ngoài. Trong đó, hơn 60% chương trình tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý; còn lại là các chương trình liên quan đến khoa học công nghệ và khối ngành khác.
Liên kết đào tạo quốc tế là một trong những phương thức quốc tế hoá giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm. TTXVN dẫn nguồn báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước có khoảng 25.000 sinh viên đang theo học các chương trình này. Một vài quốc gia có số lượng lớn về chương trình liên kết đào tạo ở Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Pháp, Úc…
Tính đến năm 2022, Việt Nam có khoảng 300 chương trình liên kết đào tạo đại học với nước ngoài. Trong đó, hơn 60% chương trình tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý; còn lại là chương trình liên quan đến khoa học công nghệ và khối ngành khác.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến về định hướng phát triển của chương trình liên kết đào tạo đại học với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Việt Nam hiện có 6 cơ sở giáo dục nằm trong bảng xếp hạng đại học thế giới. Điều này là cơ hội để ngành giáo dục tiếp tục thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các nước trên thế giới.
Dự kiến, trong năm tới, Bộ sẽ có thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết đào tạo đại học với nước ngoài. Trong đó, những quy định sẽ đặt ra tiêu chí để lựa chọn đối tác, thủ tục để quản lý chương trình; tái cấu trúc chương trình liên kết quốc tế, ưu tiên liên kết đào tạo với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; tổ chức các hoạt động trao đổi giữa sinh viên và giảng viên.