Thay vì lướt nhẹ nhàng trên da, lớp kem chống nắng đột nhiên trở nên sần sùi, tạo thành những đốm nhỏ hoặc ghét trắng như da chết.
Một trong những cơn ác mộng mà không ít cô gái gặp phải trong con đường skincare của mình đó là kem chống nắng lợn cợn vệt trắng trên da. Hiện tượng này không chỉ gây khó chịu, mất thẩm mỹ mà còn gây lãng phí sản phẩm, khiến nhiều người tự hỏi: là do tôi dưỡng da sai cách hay do sản phẩm tôi dùng không phù hợp? Trên thực tế, câu trả lời có thể bao gồm cả hai nguyên nhân trên.
Tẩy da chết quá nhiều hoặc quá ít
Các sản phẩm làm đẹp đều sẽ phát huy tối đa tác dụng trên một nền da sạch sẽ và thông thoáng. Tẩy da chết thường xuyên giúp loại bỏ các tế bào da chết và lớp sừng già trên bề mặt để đảm bảo sự hấp thụ tối đa của các sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là lớp lem chống nắng.
Tuy nhiên, sự cân bằng cho làn da mới chính là chìa khóa hóa giải tình trạng kem vón cục. Tẩy tế bào chết quá nhiều hoặc quá ít đều có thể khiến da bạn trở nên quá khô hoặc quá nhờn – một trong những yếu tố gây ra hiện tượng tạo ghét chống nắng. Bạn nên tẩy tế bào chết 1-2 lần mỗi tuần và sử dụng sản phẩm tẩy da chết hóa học thay vì vật lý để loại bỏ da chết bị tắc sâu trong lỗ chân lông và dưới bề mặt da hiệu quả hơn.
Làn da bội thực
Để sở hữu vẻ ngoài hoàn hảo, nhiều cô gái không ngại vun đắp cho làn da bằng tầng tầng lớp lớp sản phẩm trang điểm và dưỡng da. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều sản phẩm cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kích ứng do hệ vi sinh vật trên da bị tổn thương. Thoa đắp quá nhiều sản phẩm cùng một lúc, đặc biệt là các loại kem có kết cấu đặc sánh và các sản phẩm gốc dầu sẽ tạo lên một lớp màng ngăn chặn sự hấp thụ của da và khiến lớp kem chống nắng của bạn bị vón cục.
Bằng cách sử dụng luân phiên các sản phẩm vào các ngày khác nhau cũng như lên lịch nên dùng sản phẩm nào vào buổi sáng và buổi tối, bạn sẽ có thể trải rộng tần suất sử dụng các món mỹ phẩm yêu thích mà không sợ làn da quá tải.
Áp dụng sản phẩm sai thứ tự
Thứ tự xếp lớp các sản phẩm chăm sóc da đóng một vai trò rất lớn trong cách chúng phản ứng với nhau. Các sản phẩm mỏng hơn, nhẹ hơn như serum chứa các hoạt chất có cấu trúc phân tử nhỏ, trong khi các sản phẩm đậm đặc như kem chứa các phân tử lớn hơn. Khi áp dụng không đúng cách, các phân tử lớn hơn sẽ ngăn không cho các phân tử nhỏ hơn hấp thụ vào da, từ đó sản phẩm tạo lên lớp màng thừa bám trên da ngăn chặn kem chống nắng tan ra và thẩm thấu sâu vào da.
Hãy bắt đầu với các sản phẩm có kết cấu lỏng nhẹ như xịt khoáng, nước hoa hồng và huyết thanh), sau đó lần lượt đắp lên kem dưỡng ẩm và thoa kem chống nắng như bước cuối cùng trong quy trình chăm sóc da. Ngoài ra, sau mỗi lớp dưỡng, hãy đợi tối thiểu 30-60 giây để chúng bớt ẩm ướt và hấp thụ hoàn toàn.
Thành phần dễ gây vón cục
Có một số thành phần khó hấp thụ vào da hơn so với những thành phần khác. Các loại silicon như dimethicone, amodimethicone và cyclomethicone,… là những cái tên thường góp mặt trong bảng thành phần kem chống nắng vật lý để tạo ra một lớp rào cản trên tầng biểu bì trên cùng, từ đó bảo vệ chống lại các tác nhân gây hại từ môi trường như gió và nước. Tuy nhiên, đi kèm với công dụng trên là khả năng kết tụ lại và tạo thành các mảng của những thành phần này.
Xanthan Gum là chất làm đặc, đóng vai trò là chất ổn định và kết dính trong các sản phẩm làm đẹp, ở nồng độ quá cao, nó có thể dẫn đến hiện tượng vón cục. Để cải thiện được kem chống nắng thành ghét trắng, bạn hãy vỗ nhẹ kem lên da thay vì chà xát khi tho hay kem chống nắng, đặc biệt là những công thức vật lý có công thức có hàm lượng khoáng chất và silicone cao.