Sau gần 2 tháng phát sóng, “Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi” đã chính thức khép lại với tổng 40 tập. Mở đầu với thành tích khá khả quan, tác phẩm của xứ tỷ dân dần tụt dốc và bị chấm 3.7/10 điểm trên Douban, thua xa mức điểm được đánh giá “tạm ổn” là 7.5/10. Bộ phim hiện là chủ đề bị tranh cãi nhiều nhất dù đã hoàn thành phát sóng.
Nguyên tác một đằng, kịch bản một nẻo
“Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi” là phim truyền hình dài 40 tập của Trung Quốc, được xây dựng dựa trên tiểu thuyết “Một Toà Thành Đang Đợi Anh” của tác giả Cửu Nguyệt Hi. Vốn là tiểu thuyết bán chạy và nhận phản hồi tích cực, “Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi” vì thế cũng được trông đợi trở thành bom tấn của năm 2023. Theo đó, phim xoay quanh chuyện tình đầy trắc trở giữa người lính cứu hoả Tống Diệm (Dương Dương) và bác sĩ Hứa Thấm (Vương Sở Nhiên). Đều là tình đầu của nhau vào những năm cấp Ba và hẹn hò bền vững nhiều năm, chuyện tình của họ lại phải chấm dứt vì bị gia đình Hứa Thấm ngăn cấm do khác biệt hoàn cảnh.
Sau 10 năm, họ gặp lại nhau. Mang trên vai trọng trách thiêng liêng cùng sự gắn kết giữa người lính cứu hoả và bác sĩ, Tống Diệm và Hứa Thấm có cơ duyên đồng hành trong các tình huống “thập tử nhất sinh”. Dần dà, tình cảm nảy sinh và cả hai quyết định cho nhau một cơ hội. Tuy nhiên, Hứa Thấm vẫn bị gia đình cấm cản, đặc biệt là từ phía người mẹ nuôi, Phó Văn Anh. Bà cũng chính là người gây ra nhiều “sóng gió” cho Tống Diệm buộc anh buông tay con gái bà.
Nếu như trong tiểu thuyết, tác giả Cửu Nguyệt Hi quyết tâm để Hứa Thấm đoạn tuyệt quan hệ với gia đình và theo đuổi tình yêu của cô, thì mọi rắc rối trong phim lại được giải quyết êm đềm và nhanh gọn chỉ trong 5 tập cuối. Theo đó, khi bà Phó bị mắc kẹt vì hoả hoạn, chính Tống Diệm đã lao vào ngọn lửa để cứu bà. Với câu trả lời “Bạn trai của con gái tôi đã cứu tôi” của bà Phó đã cho thấy bà đã chấp nhận người con rể Tống Diệm.
Ngoài thay đổi lớn nhất về đoạn kết, “Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi” cũng thêm thắt và chỉnh sửa một vài tình tiết khác. Chẳng hạn như trong nguyên tác, gia đình họ Mạnh xuất thân từ quân đội chứ không phải là doanh nhân. Vì vậy, bà Phó Văn Anh dễ dàng đổ thừa Tống Diệm làm “lộ cơ mật quốc gia” để cản đường thăng tiến của anh. Đây cũng là lý do Tống Diệm chuyển từ quân nhân sang lính cứu hoả.
Một điểm quan trọng khác cũng không được mang lên màn ảnh là Hứa Thấm đã từng có tình cảm với anh trai nuôi trước khi gặp Tống Diệm. Trong truyện, Mạnh Yến Thần (Nguỵ Đại Huân) sở hữu tính cách ôn hoà, hiểu chuyện dù sinh ra trong gia đình đầy quyền quý. Anh mang nhiều tâm sự nhưng chỉ có thể che giấu chúng vì muốn đẹp lòng bố mẹ. Chính những yếu tố đó đã khiến Hứa Thấm rung động trước anh, song mọi chuyện cũng không thể tiến triển hơn vì Mạnh Yến Thần không đủ can đảm vượt qua ranh giới “anh em”. Mặc dù vậy, Mạnh Yến Thần không hề có ý đồ hay mưu mô nào để giữ riêng Hứa Thấm. Anh chỉ mong em gái tìm được một người hoàn toàn xứng đáng để thay thế anh. Các tình tiết này khi bị lược bỏ trên phim phần nào khiến Mạnh Yến Thần trở thành “kẻ xấu”, chỉ biết ghen tức với Tống Diệm vì đã cướp lấy Hứa Thấm.
“Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi” cũng chưa khéo léo và còn nhiều mâu thuẫn trong việc xây dựng tiểu tiết. Tống Diệm và Hứa Thấm đặt ra dấu hỏi lớn khi đốt nến trắng lúc dùng bữa, trong khi hình thức này chỉ sử dụng khi đưa tang. Bên cạnh đó, Tống Diệm bị chê “kém duyên” khi dùng tên họ bạn gái đặt tên cho chú chó Tiểu Mạnh, hay đưa xương thừa của mình cho bạn gái trong lúc ăn. Ngoài ra, Tống Diệm còn bị mỉa mai là “nói dối”. Theo đó, khi dì của anh nhắc nhở đón bạn gái Hứa Thấm tan làm vì cô trực ca muộn, anh chàng nhanh nhảu trả lời đang chuẩn bị để hộ tống bạn gái về nhà. Thế nhưng lúc sau, Hứa Thấm lại bước xuống từ chiếc xe taxi, còn Tống Diệm “tạo dáng” trầm tư trong ngõ hẻm để chờ đợi người giao thức ăn đêm.
Kết phim thay đổi, nhân cách cặp đôi chính bị “mỉa mai”
Việc đi ngược nguyên tác không chỉ khiến khán giả hụt hẫng, mà chính dàn nhân vật trong phim cũng bị chê bai nặng nề. Theo nguyên tác, Tống Diệm và Hứa Thấm là những con người sẵn sàng đứng lên chiến đấu vì tình yêu và lí tưởng cao cả. Chàng lính cứu hoả không ngừng phấn đấu để tự tin cầm tay người con gái anh yêu, còn nữ bác sĩ cũng không ngần ngại bước qua mọi rào cản để đến bên người cô yêu. Đây cũng là cách mà Hứa Thấm thoát khỏi vỏ bọc do bố mẹ nuôi dựng nên, để cô được làm theo ý muốn bản thân dù phải trái ý ông bà. Đoạn kết tuy buồn của nguyên tác nhưng lại khắc họa rõ nét hình tượng của hai nhân vật chính, cũng như để lại sự day dứt và hối hận đối với bà Phó Văn Anh.
Chính vì mâu thuẫn giữa Hứa Thấm và gia đình quá lớn, cách xử lý lại quá êm đềm và đi ngược kịch bản đã không thể thuyết phục khán giả. Mọi điều đọng lại chỉ là một Hứa Thấm đóng vai “nạn nhân”, và Tống Diệm không “chịu lớn”. Theo đó, nhân vật Hứa Thấm bị chỉ trích mới là “kẻ giả tạo”, chứ không phải là bà Phó Văn Anh mà cô thắng thắn chê trách. Cụ thể, ở một tập phim, cô bày tỏ rằng lần đầu tiên trong 30 năm cuộc đời cảm thấy ấm áp và ý nghĩa nhờ vào “bát cháo” của Tống Diệm.
Thế nhưng, sự thật hiển nhiên rằng chính bố mẹ nuôi của Hứa Thấm, gia đình nhà Mạnh quyền quý mới là người đã mang đến cho cô cuộc sống sung túc, dư dả từ nhà cửa, xe cộ, địa vị,… Không chỉ về mặt vật chất, ông bà còn mong muốn Hứa Thấm được sống hạnh phúc dù chỉ là con nuôi. “Mẹ không muốn nuôi con lớn đến ngần này để con đi làm ôsin”, hay “Sự khác biệt về giá trị quan của hai đứa rồi sẽ có ngày hiện ra” là những gì mà bố mẹ nuôi đã nói với Hứa Thấm khi cô kiên quyết khẳng định sẽ hạnh phúc bên Tống Diệm.
Ngược lại, chàng trai mà Hứa Thấm thầm mong nguyện ước lại năm lần bảy lượt có cử chỉ bốc đồng và tính tình bảo thủ, gia trưởng. Bên cạnh đó, dù một mực chối bỏ gia đình, cả hai lại nhận quà cưới đắt đỏ khi bà Phó Văn Anh đồng ý cuộc hôn nhân. Khán giả trêu đùa rằng Hứa Thấm quả thật “ăn may” khi được nhận chiếc vương miện đáng giá cả một gia tài từ người “anh trai mưa” Mạnh Yến Thần, trong khi người chồng Tống Diệm chỉ trao cô chiếc nhẫn không khác gì “hàng chợ”.
Sai trầm trọng kiến thức chuyên môn
Một điểm sáng ở “Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi” là đã tôn vinh sự hy sinh, vất vả và sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của những người lính cứu hoả hay bác sĩ. Tuy nhiên, chính vì điều này mà phim dính phải liên hoàn tranh cãi bên cạnh kịch bản lỏng lẻo, gấp rút.
Theo đó, các phân đoạn lọt top search (được tìm kiếm nhiều nhất) lại bị chỉ trích quá phi lý và dại dột. Trong lần cứu người vì trận động đất, Hứa Thấm chỉ qua loa dùng tay bắt mạch và tuyên bố bệnh nhân đã mất. Sau khi cô bỏ đi, chính Tống Diệm đã phát hiện bệnh nhân đang mang thai. Lúc này, Hứa Thấm mới kiểm tra mạch của thai nhi và quyết định mổ bụng người mẹ để giữ người con. Đáng nói, bác sĩ họ Hứa lại không có chuyên môn thai sản và cũng không tìm sự trợ giúp nào từ đồng nghiệp. Mâu thuẫn của phim tiếp tục dâng lên tới đỉnh điểm khi mọi điểm sáng chỉ thuộc về đứa bé được bế từ dưới hang lên. Trong khi mọi lính cứu hoả bỏ hết công việc và không ngừng hô hào chào đón một sinh linh, người mẹ của đứa trẻ ấy lại bị bộ phim “ngó lơ”.
Ở một phân cảnh khác, Tống Diệm và Hứa Thấm “tình bể bình” chơi đùa cùng bình chữa cháy dưới hầm xe. Cứ ngỡ sẽ là khoảnh khắc yêu đương ngọt lịm trong “làn sương” trắng xoá, tai tiếng của phân đoạn này lại lên tới Phòng cháy Chữa cháy Triều Châu (Trung Quốc). Cơ quan thậm chí còn phải dùng mạng Weibo để phổ cập kiến thức cho người dân, cũng như nhắc nhở không sử dụng bình chữa cháy như một món đồ chơi.
Dương Dương và Tống Diệm: Trước sau vẫn như một
Là một trong tứ đại lưu lượng của làng giải trí Hoa ngữ, hiển nhiên không cần bàn cãi đến sức hút của Dương Dương. Thế nhưng vẻ ngoài đậm chất ngôn tình của tài tử 9x cũng không thể cứu vớt khả năng diễn xuất gần như không có chút tiến bộ nào sau 10 năm làm nghề của anh. Cộng thêm với việc hình tượng nam chính trên phim bị đẩy quá xa so với nguyên tác cũng khiến người xem không thể ưu ái Dương Dương.
Cụ thể, trong tiểu thuyết gốc, tác giả Cửu Nguyệt Hi khắc họa hình tượng chàng lính cứu hỏa Tống Diệm quả cảm, luôn xông pha vào chiến trường nhưng lại rất tinh tế và dịu dàng khi ở bên bạn gái; thì Tống Diệm của Dương Dương là một người đàn ông luôn tức giận, hành động và phản xạ đều theo cảm xúc. Thậm chí, ánh mắt sắc lạnh và hành động quát tháo khiến Hứa Thấm sợ hãi bị nhận xét không khác gì những đứa trẻ “mới lớn”.
Không chỉ thảm hoạ với Tống Diệm trên phim, Dương Dương trong đời thực cũng “trước sau như một”. Đứng trước những góp ý của khán giả, nam diễn viên chỉ đáp lại rằng “Tôi cảm thấy những chuyện xảy ra trên mạng xem một chút là được rồi, không cần phải để ý quá nhiều”.
“Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi” hiện là chủ đề được bàn tán nhiều nhất. Tác phẩm kết thúc nhưng cả nam nữ chính đều không vướng khỏi tranh cãi, đặc biệt là nữ thần đang lên Vương Sở Nhiên. Bộ phim cũng dậy lên một chủ đề được quan tâm muôn thuở: “Thà khóc trên xe hơi còn hơn cười trên xe đạp”, hay “Một túp lều tranh, hai trái tim vàng son” vẫn còn ở thời nay?