(KTSG Online) – Đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng tâm lý ngại bị thanh tra, kiểm toán khiến phần lớn khách hàng không mặn mà với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Thông tin này được lãnh đạo nhiều ngân hàng nêu tại Hội nghị gỡ khó khăn trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP được tổ chức ngày 26-8 tại Hà Nội.
Doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất rất thấp
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết số tiền hỗ trợ lãi suất của ngân hàng mới đạt 1,5 tỉ đồng tính tới thời điểm hiện tại.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, cũng thừa nhận kết quả hỗ trợ lãi suất của ngân hàng còn khiêm tốn với số tiền hô trợ 6,6 tỉ đồng cho 20 khách hàng.
Còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.407 tỉ đồng với gần 550 khách hàng. Dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỉ đồng, con số rất thấp tính trên tổng quy mô 800.000 tỉ đồng. Còn số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng dự kiến khoảng 13,5 tỉ đồng tính tới cuối tháng 8-2022
Lý giải nguyên nhân, NHNN cho biết hiện có tâm lý e ngại tại các ngân hàng thương mại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất triển khai năm 2009 và một số chương trình từ ngân sách nhà nước tới nay vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó tổng giám đốc VietinBank, cho biết khách hàng của ngân hàng có hoạt động sản xuất – kinh doanh trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau khiến ngân hàng khó bóc tách chi phí, dẫn tới khó hỗ trợ vốn vay. Ngoài ra, Khoản 4, Điều 3 của Nghị định 31 và Thông tư 03/2022 của NHNN hiện không có hướng dẫn cụ thể về xác định khả năng phục hồi của khách hàng trong bối cảnh thời gian hỗ trợ rất dài, dễ dẫn tới mỗi ngân hàng có một cách áp dụng khác nhau.
“Tiêu chí xác định khả năng phục hồi do các ngân hàng thương mại đặt ra không thống nhất, dễ dẫn tới sự không đồng thuận từ phía thanh tra, không được quyết toán chi phí hỗ trợ”, ông Trung lo ngại.
Cũng theo ông Trung, rủi ro khách hàng phát sinh nợ xấu trong quá trình hỗ trợ lãi suất cũng có thể khiến cơ quan thanh tra, kiểm toán không đồng thuận với kiến nghị quyết toán chi phí của ngân hàng.
Không vay hỗ trợ lãi suất vì lo ngại quá trình thanh tra, kiểm toán
Với nhóm khách hàng là doanh nghiệp lớn, lãnh đạo VietinBank cho biết có nhiều ý kiến lo ngại quá trình thanh tra, kiểm toán chi phí hỗ trợ kéo dài 3-4 tháng, ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, dù bản thân họ có nguồn lực tốt và hoạt động kinh doanh vẫn phát sinh lợi nhuận.
Với nhóm khách hàng là cá nhân và hộ kinh doanh, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết 96% khách hàng của ngân hàng hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân. Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng với mỗi khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết.
Vì vậy, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 1-1-2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo Chương trình.
Ngoài ra, khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40%-50% tổng dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.
Tương tự, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, thừa nhận khó có thể hỗ trợ đối tượng này, dù rất đông do nhiều khách hàng không có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, quy định tại Luật Dân sự chỉ cho phép pháp nhân và cá nhân được vay vốn, không có hộ kinh doanh.
Điều này khiến ông Hưng lo ngại việc phải thu hồi lại số tiền đã hỗ trợ khách hàng khi cơ quan thanh tra, kiểm toán yêu cầu, trong khi việc thu hồi dự kiến gặp nhiều khó khăn do không có chế tài cụ thể.
Ngoài ra, một số khách hàng lo ngại số tiền hỗ trợ lãi suất không nhiều. Còn các thủ tục xin hỗ trợ, hồ sơ thanh quyết toán lại chặt chẽ và phức tạp.
“Khả năng trục lợi chính sách là không có vì số lượng khách hàng quan tâm rất ít do thủ tục khó khăn, lấy được tiền còn khó hơn. Ngoài ra, họ cũng ngại thanh tra, kiểm toán”, ông Hưng nói.
Những khó khăn, vướng mắc tương tự khi giải ngân cho vay với hộ kinh doanh cũng được ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó tổng giám đốc ACB và ông Lê Văn Quảng, Phó tổng giám đôc Nam A Bank, nêu tại hội nghị.
Về vướng mắc pháp lý, ông Phạm Toàn Vượng cho biết nhiều khách hàng gặp khó khăn liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Theo đó, Điểm 2.4, khoản 2, điều 6 Thông tư 78 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hàng hóa là nông, thủy, hải sản.
Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, thanh tra, quyết toán hỗ trợ lãi suất, về mặt thực tế đối tượng hình thành từ vốn vay đã được luân chuyển qua chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc đã tất toán, về mặt chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn thì không có hóa đơn tài chính mà chỉ có bảng kê thu mua hàng hóa.
“Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán”, ông Ấn phân tích.
Về xác định tiêu chí phục hồi và khả năng trả nợ của khách hàng, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ngân hàng đã xây dựng tiêu chuẩn về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận với khách hàng, nhưng có thể có sự khác biệt về tiêu chuẩn giữa các ngân hàng.
“Với khách hàng vay vốn nhiều nơi thì có ngân hàng đánh giá khoản vay này được hỗ trợ, có ngân hàng đánh giá là không được hỗ trợ”, ông Cường nói.
Còn ông Phan Đức Tú cho biết một số điều kiện về khả năng trả nợ tại Nghị định 31 và Thông tư 03 có tính cởi mở hơn, nhưng cũng có những quy định khiến khách hàng và ngân hàng thấy khó khăn.
“Năm nay ngân hàng cho vay, nhưng khả năng trả nợ của khách hàng nằm ở tương lai 1-2 năm nữa, nếu họ không trả được nợ thì ngân hàng lại sai”, ông Tú lo ngại.
Phản hồi, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN, các cơ quan chức năng cần trao đổi, làm rõ vướng mắc trong cơ chế chính sách để khách hàng, ngân hàng mạnh dạn tham gia. Tránh tâm lý làm đúng mà không dám làm vị sợ vi phạm.
Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết việc hỗ trợ hộ kinh doanh phải tuân thủ quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ. Theo đó, các hộ kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh.
“Vừa thực hiện hỗ trợ nhưng cũng phải khuyến khích khách hàng hoạt động kinh doanh bài bản, đúng quy định”, đại diện bộ KHĐT cho biết.
Với trường hợp Agribank, đại diện bộ KHĐT cho rằng 40-50% khách hàng cá nhân của ngân hàng không có đăng ký kinh doanh không phải con số quá lớn. Ngân hàng còn nhiều đối tượng khác phải hỗ trợ gồm khách hàng cá nhân có đăng ký kinh doanh và khách hàng pháp nhân.
Vì vậy việc mở rộng đối tượng hỗ trợ, theo đề xuất của Agribank và nhiều ngân hàng khác, phải có đánh giá tác động chính sách rõ ràng, đồng thời phải chia sẻ với Nhà nước trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ có hạn.