Khi cuộc chơi “đốt tiền” không còn hấp dẫn

(KTSG) – Thông tin về việc Propzy đóng cửa đã gây chấn động thị trường công nghệ trong tuần vừa qua. Một “tay chơi” khác là Be thì vừa đạt được thỏa thuận khoản vay trị giá 60 triệu đô la Mỹ từ Deutsche Bank AG để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Dường như nguồn tiền đầu tư đến các doanh nghiệp công nghệ đang ngày càng eo hẹp?

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (FinTech) – Ảnh minh hoạ: KTSG

Mô hình “đốt tiền” để tăng trưởng bằng mọi giá

Dưới góc nhìn nhà đầu tư, một doanh nghiệp công nghệ nhìn chung sẽ trải qua ba giai đoạn với những nhu cầu về dòng tiền khác nhau.

Ở thời điểm khởi đầu, doanh nghiệp sẽ cần một số vốn nhỏ ban đầu để phát triển sản phẩm, nguồn vốn có thể đến từ chính đội ngũ sáng lập, các nhà đầu tư thiên thần, hoặc từ vòng gọi vốn hạt giống (Seed Round).

Ở giai đoạn hai, sau khi chứng minh được sản phẩm và mô hình kinh doanh khả thi, doanh nghiệp sẽ bước vào các vòng gọi vốn tiếp theo để có dòng tiền mở rộng sản phẩm, dịch vụ với mục tiêu tăng trưởng doanh thu và thị phần nhanh nhất có thể. Giai đoạn này thường sẽ được dẫn dắt bởi các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và đi qua nhiều vòng gọi vốn (serie A,B,C…) dựa trên giá trị định giá của doanh nghiệp.

Ở giai đoạn cuối cùng, khi doanh nghiệp đã phát triển được đến một mức độ nhất định, các nhà đầu tư lúc này sẽ bắt đầu “hái quả ngọt” khi có thể tiến hành thoái vốn với định giá gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với thời điểm họ rót vốn.

Khái niệm “đốt tiền” (cash burn) được nhắc đến rộng rãi trong giới khởi nghiệp ngành công nghệ. Việc “đốt tiền” chủ yếu sẽ diễn ra ở giai đoạn thứ hai, khi doanh nghiệp cần dòng tiền để có thể mở rộng hoạt động nhanh nhất có thể. Thông thường, doanh nghiệp sẽ gọi số lượng vốn đủ để “đốt” trong 12-18 tháng với kế hoạch sẽ mở rộng lên những cột mốc cụ thể về doanh thu hay thị phần.

Việc doanh nghiệp đạt được những thành tựu về kinh doanh sẽ là dấu hiệu tốt rằng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đang đi đúng hướng, và ngày “hái quả ngọt” sẽ ngày một gần. Do đó, miễn là doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh, thì nhà đầu tư sẽ vẫn sẵn sàng rót thêm vốn vào doanh nghiệp bất kể kết quả kinh doanh vẫn lỗ lũy tiến.

Câu chuyện tương tự cũng đã xảy đến với Propzy, khi ở vòng gọi vốn gần nhất năm 2020, công ty này đã huy động thành công 25 triệu đô la Mỹ trong bối cảnh doanh thu của các năm trước đó liên tục tăng trưởng ấn tượng và đạt mức 63,5 triệu đô la Mỹ cho năm 2019. Tuy nhiên tình hình kinh doanh bết bát của những năm tiếp theo đã khiến các nhà đầu tư không còn sẵn sàng rót thêm vốn vào công ty, cuối cùng dẫn tới việc dừng hoạt động của công ty.

Quỹ đầu tư không còn mặn mà với những kế hoạch “đốt tiền”

Những lời mời gọi đốt tiền chỉ hấp dẫn khi doanh nghiệp khởi nghiệp đưa ra được một sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới hay công nghệ mới có khả năng mở rộng lên nhiều lần trong một thời gian ngắn, từ đó mở ra cơ hội về lợi nhuận hoặc kế hoạch thoái vốn đầy triển vọng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên điều đó dường như sẽ khó xảy ra trong những năm tới đây.

Nếu như thập niên 2000 là thời kỳ phát triển đột phá cho ngành thương mại điện tử với những tên tuổi như Amazon, Alibaba…; thập niên 2010 là thời điểm vàng cho các mô hình về kinh tế chia sẻ (sharing economy) với những tên tuổi như WeWork, Uber, Grab… thì thập niên tiếp theo các quỹ đầu tư vẫn đang chập chững đi tìm hướng đi cho chính mình. Sự bùng nổ từ công nghệ AI, chuỗi khối (block chain) hay web3 mới chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn và tiềm năng trong tương lai.

Một lý do khác đến từ sự không chắc chắn về tình hình kinh tế thế giới, cùng với xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang khiến các quỹ đầu tư thắt chặt hầu bao cho các dự án khởi nghiệp đi theo mô hình đốt tiền.

Dòng tiền về đâu

Mặc dù không còn mặn mà với những mô hình đốt tiền nhưng hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư không hề chững lại. Trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, hầu hết các quỹ đầu tư vẫn ghi nhận số lượng giao dịch và giá trị giao dịch tăng, tập trung vào một số lĩnh vực như công nghệ tài chính (FinTech), phần mềm, y tế…

Khi không còn nhiều cơ hội đầu tư vào các mô hình kinh doanh hay sản phẩm có sự đột phá bùng nổ, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại với các công ty khởi nghiệp trong những ngành nghề cơ bản.

Trong bối cảnh hiện tại, các công ty khởi nghiệp với nền tảng hiểu biết về ngành hàng tốt, thực sự nắm được những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải, có thể đóng gói được các sản phẩm công nghệ phục vụ cho những nhu cầu đó sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Các nhà đầu tư vẫn sẽ luôn sẵn sàng mở rộng hầu bao cho những công ty khởi nghiệp tiềm năng như vậy.