(KTSG Online) – Sau 2 năm bị “bào mòn” bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp giờ đây đang ngột ngạt trước sức ép của cơn bão lạm phát toàn cầu. Hoạt động sản xuất bị đình trệ bởi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, việc quản trị dòng tiền gặp khó bởi lãi suất vay vốn ngân hàng tăng, việc thu hồi tiền hàng cũng bị trắc trở… Có tình trạng doanh nghiệp phải bán tài sản nhà đất để trả nợ hoặc đi đến phá sản.
Doanh nghiệp đuối sức…
Bà Thu Lê, chủ một công ty cung cấp dịch vụ logistics tại TPHCM, lo lắng về tình trạng các khách hàng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ logistics của công ty bà ngày càng chậm trễ dẫn đến bị chôn vốn và nguy cơ tiếp tục thua lỗ sau khi kết quả kinh doanh năm 2022 bị âm.
“Thông thường sau một tháng hoặc chậm lắm cũng chỉ tối đa 3 tháng sử dụng dịch vụ xếp dở và vận chuyển hàng hóa, khách hàng đã thanh toán tiền cho công ty chúng tôi. Thế nhưng, từ giữa năm ngoái đến nay, các khách hàng cứ vin vào hoạt động kinh doanh khó khăn mà đã đề nghị lùi thời gian thanh toán kéo dài đến 6 tháng, thậm chí có khách hàng kéo dài thời gian thanh toán nhiều hơn nữa”, bà Thu Lê chia sẻ khó khăn.
Có hơn 20 khách hàng lâu năm kinh doanh cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng khách hàng nào cũng có lý do để trì hoãn thanh toán theo hợp đồng khiến bà Thu Lê khó có thể sử dụng biện pháp cứng rắn để lấy được tiền.
Bên cạnh lấy lý do việc kinh doanh bị sụt giảm nhiều, nhất là doanh nghiệp thuần về hoạt động xuất khẩu với đơn hàng sản xuất từ quí 3 năm ngoái đến nay liên tục bị sụt giảm, các khách hàng còn cho rằng lãi suất vay từ ngân hàng cao nên đã dây dưa chậm thanh toán.
Đáng chú ý, dù không kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nhưng một số doanh nghiệp nói họ bị “vạ lây” với tình hình thị trường này bị đóng băng kéo dài, dẫn đến khó khăn theo.
“Họ nói thị trường bất động sản đóng băng nên các khách hàng liên quan đến cung cấp vật tư xây dựng cũng bị khó khăn theo. Trong khi đó, việc thế chấp bất động sản như nhà xưởng, nhà cửa, đất đai… để vay vốn kinh doanh cũng bị hạn chế rất nhiều bởi ngân hàng định giá khá thấp vì giá bất động sản đã bị sụt giảm nhiều trong thời gian qua”, bà Thu Lê chia sẻ thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may – Thêu đan TPHCM (Agtek), cũng cho biết không chỉ lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng và một số ngân hàng còn định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% giá trị tài sản năm ngoái rồi giảm hạn mức tín dụng của doanh nghiệp, càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn.
“Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, tối thiểu, nếu trong bối cảnh này cộng thêm dòng tiền gặp khó sẽ dễ dẫn tới nợ xấu”, ông Việt lo lắng.
Báo cáo tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM gần đây, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cũng cho biết cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với khá nhiều khó khăn nhất định. Trong lĩnh vực dệt may, đơn hàng thiếu và bị cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022.
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, theo vị đại diện HUBA, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái. Minh chứng rõ nhất là thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng và có khả năng kéo dài. Điều đáng nói là sự ngưng trệ của thị trường bất động sản đã kéo theo sự ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan.
Trong tháng 1 vừa qua, có hơn 43.870 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn gấp bốn lần số doanh nghiệp thành lập trong cùng thời gian.
Đơn cử, ngành vật liệu xây dựng đang ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng cả trên thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, hiện giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau. Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội.
“Sự sụt giảm của niềm tin trên thị trường bất động sản, thị trường gần như đóng băng hoàn toàn và có khả năng còn kéo dài”, ông Hòa lưu ý.
Quay trở lại hoạt động kinh doanh của Công ty dịch vụ logistics tại TPHCM nói trên, bà Thu Lê cho biết, trước tình hình khách hàng chậm thanh toán, nợ đọng kéo dài và giá dịch vụ phải giảm, trong khi chi phí hoạt động kinh doanh lại có chiều hướng tăng cao như tiền nhiên liệu, thuê nhân công…
“Tìm người lao động tốt nghiệp đại học làm nhân viên văn phòng thì rất dễ và lương không cao, nhưng thuê người lao động để đóng kiện hàng hóa, khuân vác,… để phục vụ cho hoạt động dịch vụ logistics thì khó khăn và tiền lương tăng rất cao”, bà Thu Lê nói, và cho biết: “Trước đây, tiền nhân công làm công việc đóng kiện hàng hóa, khuân vác chỉ tốn khoảng 300.000 đồng/ngày, giờ đã tăng lên 500.000 đồng/ngày, nhưng rất khó tìm”, bà Thu Lê chia sẻ thêm.
Cố gắng duy trì, chờ ngày mai tươi sáng
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cho biết đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đế kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng tại cuộc họp trên với UBND TPHCM, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết, hiện lãi suất vay vốn doanh nghiệp phải trả trên 10%. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp lo lắng nhất. “Nếu tính chung lãi suất vay trên 10%, cộng với giá điện nước, nguyên liệu đang tăng khiến tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp cực thấp, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đuối sức”, bà Chủ tịch FFA nói, và bà lo lắng hiện đang có tình trạng doanh nghiệp vừa và lớn đã có thương hiệu, có nguy cơ bị thâu tóm bởi các quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.
Do vậy, bà Chi đề xuất cần chính sách hỗ trợ toàn diện về lãi suất, chính sách vốn, đầu tư, vùng nguyên vật liệu… để doanh nghiệp gia tăng nội lực sản xuất.
Tương tự, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội cơ khí điện TPHCM, cho biết doanh nghiệp ngành cơ khí có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên vốn mỏng, nội lực hạn chế. Trên thực tế, TPHCM đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho ngành nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp còn rất hạn chế.
Cũng theo ông Tống, có nhiều doanh nghiệp dù đã được thành phố duyệt cho vay vốn kích cầu nhưng thời gian giải ngân chậm nên cũng gặp khó. Thậm chí, có lãnh đạo doanh nghiệp phải bán nhà để giải quyết vốn vay với ngân hàng hoặc bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp nước ngoài để “an toàn”.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất da giày, đồ gỗ… xuất khẩu chia sẻ với KTSG Online rằng những dự báo và sự kỳ vọng đơn hàng nhập khẩu từ những thị trường chính như Mỹ, EU,… sẽ quay trở lại từ giữa năm nay. Tuy nhiên, diễn biến tình hình kinh tế và lạm phát ở các thị trường này cho thấy còn rất nhiều khó khăn và thời gian phục hồi trở lại có thể dài hơn, kéo dài đến quí 3 hoặc là vào cuối năm.
Ngay cả doanh nghiệp nước ngoài sản xuất giầy dép PouYuen Việt Nam (TPHCM) với tiềm lực tài chính mạnh nhưng mới đây cũng phải đưa ra quyết định không tái ký khoảng 3.000 người có hợp đồng lao động 1-3 năm hết hạn hợp đồng và 3.000 người lao động khác trong diện cắt giảm, do đơn hàng bị sụt giảm mạnh.
Theo thông tin từ PouYuen, số lao động bị cắt giảm thuộc nhóm phải nghỉ chờ việc, nghỉ luân phiên kéo dài, do một nhãn hàng giày rút đơn hàng từ năm 2022. Công ty đã nỗ lực sắp xếp nhưng không thể đảm bảo công việc cho số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng và cũng không thể dự báo được tình hình đơn hàng. Do đó, một số chuyền thuộc khu C và D phải giải thể.
Không chỉ cắt giảm lao động hàng loạt, hàng ngàn doanh nghiệp vì không thể xoay xở được hoặc nhận thấy quá khó khăn nên quyết định rút lui khỏi thị trường.
Theo số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1 vừa qua, có đến hơn 43.870 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn gấp bốn lần số doanh nghiệp thành lập trong cùng thời gian (chỉ có 10.843 doanh nghiệp thành lập). Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (gần 35.000 doanh nghiệp). Đây là mức cao nhất trong một tháng từ trước đến nay.
Những số liệu này đã phần nào cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động… Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn việc tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn tại thời điểm trước Tết Nguyên đán để chờ đợi và tìm hướng đi, đối tác phù hợp nhằm triển khai kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.
Trong tháng vừa qua, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 6.841 doanh nghiệp, và số doanh nghiệp giải thể là 2.038 doanh nghiệp, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 8/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ 2022.
Bà Thu Lê của công ty dịch vụ logistics nói trên cũng cho biết hiện chủ trương của công ty là không nhận thêm khách hàng mới vì có thêm khách thì nguy cơ bị “chôn vốn” nhiều hơn. Hiện công ty bà chỉ “giữ chân” khách hàng cũ để duy trì hoạt động. Trước tình hình khó khăn hiện nay, bà Thu Lê dự báo năm 2023 công ty chấp nhận kinh doanh thua lỗ và kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tươi sáng hơn vào năm tới.
Tương tự, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, các doanh nghiệp chia sẻ tình hình kinh doanh năm 2023 rất thách tức và nhiều khó khăn. “Sau cơn đại dịch hoành hành và bào mòn đến giờ dường như doanh nghiệp đã bị đuối sức”, ông Nghĩa nhận định, và cho rằng: “Tình hình năm nay tiếp tục cho thấy quá khó khăn khi kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát cao, lãi suất ngân hàng tăng, khó khăn vay vốn…”.
“Năm 2023, các doanh nghiệp gần như không nghĩ đến sẽ mang lại lợi nhuận kinh doanh mà chỉ mong làm sao ráng duy trì sản xuất để giữ chân người lao động, bảo toàn doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói, và các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ hồi phục vào đầu năm tới.