(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước đầy biến động với biên độ dao động lớn. Nhịp tăng mạnh đầu tuần đã bị xóa bỏ hoàn toàn bởi áp lực bán liên tục xuất hiện trong những phiên sau đó.
Tổng cộng sau năm phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.039 điểm, giảm 19,7 điểm, (tương đương 1,86%) so với tuần trước đó. Đà giảm điểm tiếp tục duy trì trong phiên đầu tuần này khi chỉ số VN-Index mất thêm 1,7% giá trị, lùi sâu về ngưỡng 1.020 điểm.
Đáng chú ý, việc khối ngoại liên tục bán ròng với thanh khoản lớn phần nào đã tác động đến tâm lý thị trường. Theo thống kê, trong tuần qua, khối ngoại bán ròng gần 1.300 tỉ đồng. Như vậy, nhà đầu tư ngoại đã có tuần thứ hai liên tiếp bán ròng.
Có thể thấy, sau giai đoạn mua gom “ồ ạt” cuối năm ngoái, động thái mua ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu chậm lại rõ rệt kể từ đầu năm 2023 đến nay. Cụ thể, trong tháng 1, giá trị mua ròng của khối này trên sàn HOSE chỉ còn chưa đến 3.800 tỉ đồng, bằng khoảng một phần tư so với tháng trước đó. Còn tính từ đầu tháng 2 đến nay, con số này đã chuyển sang trạng thái bán ròng.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh dòng tiền vào các quỹ ETF có dấu hiệu chững lại, đặc biệt là dòng vốn đến từ khu vực châu Á. Điển hình là các nhà đầu tư Thái Lan “xả hàng” khiến dòng tiền vào “bộ đôi” DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF yếu đi rõ rệt. Trong tuần qua, DCVFM VNDiamond ETF chỉ hút ròng 67 tỉ đồng trong khi DCVFM VN30 ETF bị rút khoảng 80 tỉ đồng.
Tính từ đầu tháng 2, bộ đôi ETF này chỉ hút vốn lần lượt 133 tỉ đồng và 93 tỉ đồng, giảm mạnh so với giai đoạn trước đó. Thời điểm hiện tại, DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF là hai ETF nội có quy mô lớn nhất tại TTCK Việt Nam, với giá trị tài sản ròng (NAV) lần lượt đạt 18.900 tỉ và 8.300 tỉ đồng.
Bên cạnh động thái rút vốn của nhà đầu tư Thái Lan, dòng tiền từ khu vực Đông Á vào TTCK Việt Nam cũng có dấu hiệu chững lại thời gian gần đây. Lực mua từ quỹ Fubon FTSE ETF đã yếu đi đáng kể sau khi quỹ này giải ngân hết khoản huy động 160 triệu đô la Mỹ (khoảng 4.000 tỉ đồng) cuối năm ngoái.
Theo nhiều đồn đoán, quỹ ETF này đang có kế hoạch huy động thêm để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, thời gian dự kiến trong tháng 3. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông báo chính thức nào.
Có thể thấy một trong những yếu tố khiến lực mua của khối ngoại suy yếu đến từ mức định giá không còn thực sự hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam, đặc biệt sau mùa báo cáo quí 4 với lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm sâu. Dù thị trường liên tiếp điều chỉnh gần đây nhưng P/E của VN-Index vẫn ở mức 11,x – cao hơn đáng kể so với đáy.
Trên thị trường tiền tệ, tuần giao dịch từ 20-2 đến 24-2 tiếp tục chứng kiến xu hướng hút ròng thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, tính chung trên cả hai kênh tín phiếu và OMO, nhà điều hành đã hút khỏi hệ thống ngân hàng 50.100 tỉ đồng trong tuần qua.
Cơ quan này cũng đã hút về lần lượt 30.178 tỉ đồng và 142.413 tỉ đồng trong hai tuần trước đó, qua đó nâng tổng mức hút ròng kể từ đầu tháng 2 lên tới 189.228 tỉ đồng. Đáng chú ý, NHNN đã đẩy mạnh hút thanh khoản dài hạn bằng tín phiếu có kỳ hạn 91 ngày (tương đương ba tháng), với quy mô lên tới 49.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, lãi suất trúng thầu tín phiếu cũng tăng từ mức 5-5,6%/năm lên mức 6%/năm, cho thấy sự quyết liệt trong hoạt động hút thanh khoản của NHNN. Phản ứng sau hoạt động hút thanh khoản mạnh tay của NHNN, lãi suất tiền đồng liên ngân hàng đã bật tăng mạnh.
Số liệu được NHNN công bố cho thấy, lãi suất tiền đồng bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90-95% doanh số giao dịch) trong phiên ngày 23-2 đã tăng mạnh lên 6,15%/năm từ mức 4,64%/năm. Ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tuần, lãi suất tiền đồng cũng tăng lên lần lượt 6,34% và 6,12%.
Theo giới phân tích, NHNN đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên kênh thị trường mở, nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất đô la Mỹ, tạo khoảng cách an toàn trước cuộc họp sắp tới của Fed.
Với quán tính giảm mạnh như các phiên vừa qua, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ sớm kiểm định lại vùng hỗ trợ tâm lý quanh mốc 1.000 điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn đang chịu áp lực bán mạnh trên thị trường, kéo theo đó là những ảnh hưởng tới nhóm ngân hàng, vật liệu xây dựng…
Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục chặt chẽ thay vì cố gắng tìm kiếm lợi nhuận vì các giao dịch ngắn hạn vẫn đang tiềm ẩn áp lực điều chỉnh lớn.