Khu vườn cộng đồng hình thành… từ rác thải

(KTSG Online) – Nằm khiêm nhường tại số 12 đường Morrison, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng giữa các tòa nhà cao tầng ven biển Đà Nẵng, khu đất bỏ hoang rộng hơn 330m2 nhiều năm nay đã được “thổi hồn” trở thành khu vườn xanh mướt. Điều đặc biệt là khu vườn này hình thành từ chính nguồn rác thải ở các khu dân cư xung quanh.

Vườn cộng đồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Phong

Khoảng 16-17 giờ chiều hằng ngày, những thành viên của dự án “Cộng đồng không rác thải” đến từng hộ dân xung quanh để thu gom rác, phân loại và ủ phân để trồng cây, tái tạo một khu đất đầy cỏ rác trở thành một khu vườn nhỏ xanh và sạch. Khu đất được gom góp từ những “cây nhà lá vườn”, chia làm 3 khu vực: cây dược liệu, hoa và khu trồng các loại rau màu. Đa số các loại cây đều do chính những thành viên trong cộng đồng mang đến đóng góp.

Hoạt động thuộc dự án “Zero Waste Community – Cộng đồng không rác thải” được triển khai từ tháng 2-2022. Dự án do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ tài chính thông qua “Quỹ Bảo tồn” do Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh – GreenViet (Việt Nam) và Viện GSI (Đức) phối hợp thực hiện. Ảnh: Vĩnh Phong

Do khu đất được một mạnh thường quân (giấu tên) tài trợ hoạt động miễn phí trong 2 năm, nên thời gian tới có nhiều phương án về gia hạn thời gian và nhân rộng mô hình. Thông qua hoạt động, chị Vũ Hồng Thanh, nhà đồng sáng lập dự án “Cộng đồng không rác thải” tại Đà Nẵng, mong muốn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác từ nguồn của các hộ gia đình, tận dụng rác thải để trồng cây; từ đó giúp giảm lượng lớn rác thải sinh hoạt, góp phần giảm lượng rác phải đem đi chôn lấp.

“Cộng đồng không rác” tại Đà Nẵng có hơn 1500 thành viên, phần lớn là học sinh, sinh viên của các trường tiểu học, Đại học tại Đà Nẵng và 30 hộ gia đình khu dân cư 56, 57 phường An Hải Bắc; quận Sơn Trà. Ảnh: Vĩnh Phong
Rác của các hộ gia đình tham gia vườn cộng đồng được chia làm 4 loại. Trong đó rác tái chế giá trị cao (vỏ lon) 15%, nhựa giá trị thấp 10%, rác chôn lấp 20%, còn lại 55% là rác hữu cơ. Mỗi ngày, các thành viên gom được khoảng 40kg rác hữu cơ từ 30 hộ dân về ủ tại vườn. Tính từ tháng 5/2022 đến nay, Zero Waste Community đã ủ được gần 10 tấn rác. Ngoài ra, 500kg rác nhựa giá trị thấp đã được chuyển tới điểm thu gom để tái chế. Ảnh: Vĩnh Phong
“Đó là những con số không lớn với khối lượng 1100 tấn rác sinh hoạt bị đem đi chôn lấp hàng ngày ở Đà Nẵng; nhưng lượng rác mà cộng đồng xử lý đã trở thành tài nguyên. Hoạt động làm vườn cộng đồng giúp tăng thêm không gian xanh đô thị, trao cơ hội trải nghiệm công việc trồng trọt, làm vườn cho người dân thành thị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người”, chị Vũ Hồng Thanh, chia sẻ. Ảnh: Vĩnh Phong
Bảng nội quy khu vườn được các thành viên trong nhóm tự thiết kế trên miếng ván gỗ bị bỏ đi. Ảnh: Vĩnh Phong
Các thùng rác được đặt theo hướng dẫn phân loại rác thải, thuận tiện cho việc người dân đem rác đến bỏ. Ảnh: Vĩnh Phong
Khu vực trồng dược liệu gồm các loại cây như chanh, sả… đây là những loại cây có thể giúp người dân chữa các bệnh cảm cúm thông thường, người dân cần thì cứ đến hái vừa đủ mang về. Ảnh: Vĩnh Phong
Ngoài những khu vực trồng dược liệu hay trồng rau màu, các thành viên còn xây dựng khu vực trồng hoa để góp phần tăng thêm cảnh sắc cho khu vườn. Ảnh: Vĩnh Phong
Anh Trần Quốc Tuấn, Chủ tiệm sửa xe tại Tổ 91, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, cho hay khi mới làm vườn, các bạn hay tới xin lốp xe bỏ đi để về sơn phết, cải tạo, làm đẹp cho khu vườn. Ảnh: Vĩnh Phong
Em Nguyễn Quang Vỹ, học sinh lớp 6 trường THCS Tây Sơn, Đà Nẵng chia sẻ từ khi tham gia dự án, em đã biết cách phân loại rác, chăm sóc cây, cũng như có thêm nhiều kiến thức về bảo vệ môi trường. Ảnh: Vĩnh Phong
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (góc trái), công tác tại tổ chức GreenViet, cho hay, mình thấy mô hình này rất ý nghĩa, nhân văn nên hào hứng tham gia từ hồi đầu mới thành lập tới giờ. Ảnh: Vĩnh Phong