Kiểm toán tiếp tục nghi ngờ khả năng hoạt đông liên tục của Vietnam Airlines

(KTSG Online) – Sau khi soát xét, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 5.237 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 36.400 tỉ đồng. Tình trạng này khiến đơn vị kiểm toán thêm một lần nữa nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2022, được kiểm toán bởi Công ty Deloitte. Báo cáo kiểm toán không có nhiều thay đổi về chỉ tiêu tài chính và kết quả kinh doanh so với báo cáo tài chính Vietnam Airlines tự lập trước đó.

Dẫu vậy, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh tới khoản nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã vượt quá tài sản ngắn hạn, với số tiền là 36.425 tỉ đồng (đến cuối tháng 6), vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỉ đồng và khoản phải trả quá hạn là 14.858 tỉ đồng. Trong kỳ hoạt động vừa qua, hãng hàng không này cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ 5.237 tỉ đồng.

Kiểm toán thêm một lần nghi ngờ về khả năng hoạt đọng liên tục của Vietnam Airlines. Ảnh minh họa: DNCC

Phía kiểm toán cho biết khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam. Trong đó bao gồm cả việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.

Theo đơn vị kiểm toán, những điều kiện này cùng với khoản nợ trên 36.425 tỉ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn. Nó có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.

Một thông tin đáng chú ý khác mà phía kiểm toán chỉ ra là Vietnam Airlines vẫn áp dụng cách tính và ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí phân bổ tiền sửa chữa bảo dưỡng của các máy bay và động cơ cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30-6-2022 theo các hướng dẫn kế toán riêng mà các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt áp dụng cho các năm 2020 và 2021.

Tại ngày lập báo cáo soát xét, Vietnam Airlines đã trình các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục được áp dụng hướng dẫn kế toán riêng cho các khoản mục này cho năm tài chính kết thúc ngày 31-12-2022. Nội dung này đang chờ phê duyệt chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó, do nhiều tàu bay phải nằm đất bởi phong tỏa trong đại dịch nên doanh nghiệp đã đề nghị và được chấp thuận cách tính khấu hao máy bay và động cơ theo số giờ khai thác thực tế thay vì khấu hao theo đường thẳng như đã làm trong điều kiện bình thường.

Việc sử dụng phương pháp khấu hao theo mức độ sử dụng tài sản thực tế đã giúp Vietnam Airlines giảm chi phí và bớt thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng trong các năm 2020 và 2021. Nếu không được tiếp tục áp dụng chính sách kế toán này trong năm 2022, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines sẽ bị ảnh hưởng.

Vietnam Airlines cho biết để cải thiện nguồn vốn hoạt động, tổng công ty đã hoàn tất việc phát hành 796,1 triệu cổ phiếu trong năm 2021 và thu về 7.961 tỉ đồng. Tổng công ty cũng đã ký hợp đồng tín dụng với 4 ngân hàng thương mại trong nước và đã được giải ngân toàn bộ với tổng hạn mức tín dụng 4.000 tỉ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024.

Ngoài ra, Vietnam Airlines đã và đang đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại ngày 30-6, tổng hạn mức tín dụng mà Vietnam Airlines đã ký với các ngân hàng thương mại là khoảng 18.549 tỉ đồng, trong đó hạn mức tín dụng của các khoản vay ngắn hạn chưa sử dụng là khoảng 10.354 tỉ đồng.

Tổng Công ty cũng đã tìm kiếm các nguồn thu khác bao gồm thanh lý tàu bay, động cơ tàu bay và các khoản đầu tư tài chính. Đến ngày lập báo cáo soát xét 30-8, Vietnam Airlines đã thanh lý một tàu bay, bán quyền mua và thuê lại một động cơ tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6) và đã thu được một phần giá trị hợp đồng với số tiền khoảng 861 tỉ đồng.

Tổng Công ty cho biết đang tiếp tục thực hiện kế hoạch bán các tàu bay còn lại trong kế hoạch. Đồng thời, Vietnam Airlines cũng đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, năm 2022 Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu. Tái cơ cầu tài sản và danh mục đâu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cân thiết đề triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.