Kiến nghị xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM

(KTSG Online) – Thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, để phát huy hết tiềm năng, bên cạnh cơ chế đặc thù, các cơ quan cần nghiên cứu, hướng tới xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho thành phố.

TTXVN đưa tin, báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5-2023 của Tổng cục Thống kê ghi nhận TPHCM dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng 5,87% trong quí 2-2023.

Thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tính tổng 6 tháng đầu năm, TPHCM đạt tỷ lệ tăng trưởng 3,55%, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 4,77%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,16%; doanh thu hàng hóa, bán buôn bán lẻ, dịch vụ, du lịch tăng, cho thấy đà tăng trưởng của thành phố đã trở lại.

Trước mắt, thành phố còn rất nhiều khó khăn, thử thách khi tiếp tục thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Sự phát triển này không chỉ đặt trong bối cảnh Việt Nam, mà còn đặt thành phố như đầu tàu, đầu mối đại diện Việt Nam trong quá trình hội nhập, cạnh tranh quốc tế.

Vì thế, bên cạnh hệ thống cơ chế, chính sách mới kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc và phát huy tốt tiềm năng của thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh thành phố cũng cần hướng tới xây dựng luật về đô thị đặc biệt cho thành phố.

Ông Mãi cho biết, khi tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14, lãnh đạo thành phố và các cơ quan đã suy nghĩ đến ý tưởng này. Song việc chuẩn bị hồ sơ trình dự án luật cần nhiều thời gian, nên TPHCM ưu tiên tập trung xây dựng nghị quyết mới thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Quochoi.vn đưa tin, rút kinh nghiệm khi triển khai Nghị quyết 54 chưa được như kỳ vọng, lần này TPHCM tham mưu xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện nghị quyết mới và phối hợp với các bộ ngành xây dựng thông tư, để giúp quá trình triển khai nghị quyết đạt hiệu quả nhanh hơn.

Hiện TPHCM đã mời chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng đề án trung tâm tài chính quốc tế để trình Thủ tướng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với thành phố hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về vấn đề này.

Thảo luận tổ, đại biểu đoàn TPHCM Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, TPHCM giữ vai trò đầu tàu về nhiều mặt như kinh tế – xã hội, y tế, giáo dục, giúp Việt Nam gia tăng địa vị trong cạnh tranh quốc tế. Với những yêu cầu của Trung ương và vai trò của TPHCM, các cơ chế mà Chính phủ đề xuất trong nghị quyết mới, vẫn chưa đủ.

Về lâu dài, cần thiết xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM, tương tự Hà Nội có Luật Thủ đô, sớm xác lập cơ chế đột phá, vượt trội hơn nữa để TPHCM chủ động hoàn thành vai trò đô thị đặc biệt. Đây là hành lang pháp lý trung và dài hạn để các cơ quan không phải xây dựng nghị quyết cơ chế đặc thù với tính chất thí điểm trong vài năm như hiện nay nữa – Ông Nghĩa nói.

Thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM có đủ cơ sở pháp lý để thí điểm, triển khai trong 5 năm. Nếu Sở An toàn thực phẩm TPHCM thích ứng linh hoạt trong quyết định cơ cấu, tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu quả và hợp lý, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu nghiên cứu lập Sở An toàn thực phẩm ở các đô thị lớn. Theo tờ trình của Chính phủ, Sở An toàn thực phẩm TPHCM có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thực tế thời gian qua, TPHCM đã thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm và cho kết quả tốt.