(KTSG) – Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, chỉ số VN-Index điều chỉnh nhẹ 2,2 điểm về vùng 1.007 điểm, đánh dấu một năm buồn với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi ghi nhận mức giảm lên tới 32,78% so với thời điểm cuối năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 14 năm và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử chỉ sau năm 2008. Sau hơn một thập kỷ, TTCK Việt Nam đã phát triển toàn diện về mọi mặt, cả về quy mô lẫn các sản phẩm đầu tư như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có đảm bảo, phái sinh,… Tuy nhiên, những tác động từ bên ngoài như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc duy trì chính sách zero Covid,… đã tác động mạnh đến TTCK Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động thanh lọc thị trường cần thiết cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Việc chỉ số VN-Index giảm sâu đã kéo theo vốn hóa sàn HOSE bị “thổi bay” 1,82 triệu tỉ đồng (tương đương 77 tỉ đô la Mỹ) chỉ sau một năm, xuống còn khoảng 4 triệu tỉ đồng. Đáng chú ý, năm 2022 cũng chứng kiến lần đầu tiên vốn hóa sàn này vượt 6 triệu tỉ đồng nhưng những biến động không thuận lợi sau đó đã làm giảm đáng kể con số trên.
Nếu tính chung cả ba sàn, giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam thậm chí đã “bốc hơi” hơn 2 triệu tỉ đồng trong năm qua. Sự trồi sụt của thị trường đã kéo hàng loạt cổ phiếu chao đảo và theo đó, từ đỉnh điểm có gần 70 doanh nghiệp vốn hóa tỉ đô la Mỹ, số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỉ đô la Mỹ đã sụt giảm mạnh mẽ, chỉ còn tổng cộng 43 doanh nghiệp trên cả ba sàn (giảm 16 doanh nghiệp so với thời điểm đầu năm).
Nhìn chung, theo nhiều đánh giá, những biến động trong ngắn hạn không thể làm lu mờ triển vọng tích cực về dài hạn của TTCK Việt Nam. Dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư còn nhiều, tình hình vĩ mô ổn định cùng với mức định giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là những yếu tố được đánh giá cao.
Xét về sự phân bổ nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm ưu thế trong danh sách “tỉ đô” vốn hóa khi có tới 16 ngân hàng góp mặt với tổng cộng vốn hóa lên tới 1,4 triệu tỉ đồng, tương ứng 59 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 27% vốn hóa TTCK Việt Nam. Đây cũng là nhóm ngành “đầu tàu”, dẫn dắt thị trường và là một trong những nhóm có sự hồi phục đáng kể trong những tuần cuối năm.
Trong khi đó, “nhóm VinGroup” có ba đại diện góp mặt, bao gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) với tổng cộng 20,17 tỉ đô la Mỹ vốn hóa, chiếm gần 9% vốn hóa thị trường và là nhóm vốn hóa lớn thứ 2. Ngành chứng khoán hồi đầu năm 2022 còn hai gương mặt lọt vào danh sách “tỉ đô” thì đến cuối năm, SSI là cái tên duy nhất còn góp mặt trong danh sách này. Ngành bất động sản – bất động sản khu công nghiệp sau một năm 2022 đầy biến động, những gương mặt “tỉ đô” quen thuộc như Vinhomes (8,9 tỉ đô la), Vingroup (8,7 tỉ đô la), Becamex (3,6 tỉ đô la), Sunshine Homes (1,3 tỉ đô la), Novaland (1,16 tỉ đô la),… vẫn hiện diện, trong khi đó nhiều cái tên đã phải rời danh sách như Phát Đạt (PDR), DIC Corp (DIG), Kinh Bắc (KBC), Sonadezi (SZC)…
Nhóm ngành viễn thông – công nghệ cũng ghi nhận sự thay đổi khi hai doanh nghiệp là Viettel Global (2,6 tỉ đô la) và FPT (3,6 tỉ đô la) vẫn thuộc danh sách nhưng FPT Telecom thì đã không còn duy trì được vốn hóa “tỉ đô” từ giữa năm 2022.
Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, dù có nhiều biến động không thuận lợi trong năm qua nhưng TTCK Việt Nam vẫn ghi nhận một vài điểm sáng. Nổi bật nhất là giao dịch của khối ngoại khi khối này mua ròng đến 26.700 tỉ đồng chỉ riêng trên sàn HOSE trong năm 2022.
Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài đang được “hâm nóng” trở lại sau giai đoạn bị “nguội lạnh” kéo dài trước đó. Trong đó, các quỹ ETF dần khẳng định vai trò dẫn dắt dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam. Fubon FTSE Vietnam ETF – thỏi nam châm hút tiền từ khu vực Đông Á hay bộ đôi DCVFM VNDiamond và DCVFM VN30 ETF đang được nhà đầu tư Thái Lan rất ưa thích là những ví dụ điển hình.
Nhiều ETF nội và ngoại với những khẩu vị khác biệt được cho ra mắt trong năm qua cũng góp phần làm đa dạng hóa lựa chọn cho nhà đầu tư.
Nhìn về xu hướng ngắn hạn của VN-Index trong một tháng sắp tới, nhiều khả năng diễn biến trồi sụt đi kèm thanh khoản thấp sẽ vẫn là nét chủ đạo của thị trường. Điều này xuất phát từ “vùng trống” thông tin khi không quá nhiều tin tức vĩ mô quan trọng được công bố. Đi kèm với đó là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần và kỳ vọng vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 4 và cả năm 2022 không ở mức quá tích cực.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP của cả năm 2022 tăng trưởng hơn 8% nhưng quí 4-2022 chỉ tăng 5,92%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trong quí 2-2022 (7,38%), quí 3-2022 (13,71%) và thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của quí 4 giai đoạn 2011 – 2019 (7,23%).
Số liệu sụt giảm như trên cho thấy nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, từ đó dẫn tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khó có thể tích cực trong mùa báo cáo sắp tới.
Mặc dù vậy, nhìn chung, theo nhiều đánh giá, những biến động trong ngắn hạn không thể làm lu mờ triển vọng tích cực về dài hạn của TTCK Việt Nam. Dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư còn nhiều, tình hình vĩ mô ổn định cùng với mức định giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là những yếu tố được đánh giá cao.
Thêm vào đó, kỳ vọng nâng hạng thị trường trong những năm tới được dự báo sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.