(KTSG) – Tại hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu tại Glasgow, Scotland do Liên hiệp quốc bảo trợ cuối năm 2021, Việt Nam đã có các cam kết cụ thể cùng 150 quốc gia đưa mức phát thải ròng về zero vào năm 2050. Các cam kết này sẽ tạo ra các thách thức lớn, đồng thời mở ra các cơ hội đầu tư mới, thị trường tài chính xanh khổng lồ tại Việt Nam.
Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa có lộ trình với các quy chuẩn rõ ràng để thực hiện quá trình xanh hóa nền kinh tế. Các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị bước đầu đang là chìa khóa để mở những cơ hội mới, những thị trường mới của nền kinh tế xanh.
Hành trình dài 10 năm
Thật ra, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2012. Chiến lược này đề ra ba trọng tâm: giảm khí phát thải, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thực hiện tiêu dùng bền vững.
Đến năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra kế hoạch hành động riêng để thực hiện chiến lược trên. Và phải đến năm 2018, đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam mới được phê duyệt. Sau đó, thị trường tài chính, tín dụng xanh của Việt Nam mới có những chuyển động khiêm tốn nhưng tăng tốc dần.
Tổng giá trị thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam đến năm 2021 đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 5 lần so với mức 300 triệu đô la năm trước – theo báo cáo của Climate Bonds Initiative và ngân hàng HSBC công bố hồi tháng 6-2022. Phần lớn trái phiếu và các khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm ngoái đều tập trung vào ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nơi phát hành trái phiếu xanh lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, với 1 tỉ đô la trong năm 2021.
Các thỏa thuận tại COP26 vừa rồi như cú hích mới. Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng thuộc NHNN, cho rằng “muốn có năng lượng sạch thì phải có nguồn tài chính xanh lớn để đầu tư”.
Ngành tài chính, ngân hàng đã thực hiện các thử nghiệm sức chịu đựng (stress test) để đánh giá các kịch bản tác động của biến đổi khí hậu lên danh mục cho vay của một số ngân hàng thương mại lớn. NHNN và Bộ Tài chính cũng từng bước thực hiện quá trình xanh hóa ngân hàng, xanh hóa thị trường vốn. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) nghiên cứu đưa ra các biện pháp để thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh Việt Nam, đồng thời tiến hành hợp tác với một số tổ chức quốc tế phát hành thí điểm trái phiếu xanh.
Con đường tiến tới nền tài chính xanh vẫn còn nhiều chướng ngại, nhất là đầu tư công cho các công trình chống biến đổi khí hậu, thuế nhập khẩu thiết bị năng lượng tái tạo và trục trặc trong các chương trình mua năng lượng… Thói quen tiêu dùng xanh của người Việt mới có chuyển biến, song họ lại không có khả năng chi trả quá cao.
Con đường tiến tới nền tài chính xanh vẫn còn nhiều chướng ngại, nhất là đầu tư công cho các công trình chống biến đổi khí hậu, thuế nhập khẩu thiết bị năng lượng tái tạo và trục trặc trong các chương trình mua năng lượng… Đó là chưa kể, thói quen tiêu dùng xanh của người Việt mới có chuyển biến, song người tiêu dùng lại không có khả năng chi trả quá cao, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Nhưng các ngân hàng thương mại đầu tư tín dụng xanh sẽ đón nhận nhiều cơ hội kinh danh mới, đa dạng hóa lựa chọn tài trợ, được xếp hạng và định giá cao hơn, cải thiện uy tín và thương hiệu… Song song đó là các rủi ro nợ xấu và tài sản bị sụt giảm giá trị.
Vai trò của hệ thống ngân hàng quốc doanh
Việt Nam cần phải phát huy vai trò của các ngân hàng quốc doanh trong việc huy động vốn vào đầu tư xanh và phát triển bền vững.
Hiện trên thế giới có hơn 900 ngân hàng quốc doanh với tổng tài sản hơn 49.000 tỉ đô la Mỹ đang tiên phong trong các chuyển đổi xanh hóa, công bằng chính sách và tài chính toàn diện. Các ngân hàng quốc doanh này thiết lập các nền tảng xanh, coi trọng các quy chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).
“Chúng ta không còn nhiều thời gian và thực sự cần tăng cường nỗ lực để giảm thiểu phát thải carbon từ nguồn năng lượng hóa thạch. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: không tài trợ cho bất kỳ hoạt động sản xuất năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch nào”, ông Luca De Lorenzo, Trưởng bộ phận các vấn đề về ESG của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB), phát biểu tại một hội thảo ở Hà Nội cuối tháng 7-2022.
Nguồn tài chính tư nhân cho quá trình này khá hạn chế, như thiếu nguồn vốn trung và dài hạn, thiếu các khoản vay có chi phí hợp lý cho các hoạt động đổi mới sáng tạo hay các công ty khởi nghiệp, thường làm lơ cấp vốn cho các hoạt động chưa có lợi nhuận chắc chắn… “Các ngân hàng quốc doanh có thể tận dụng nguồn vốn tư nhân thông qua các đợt phát hành trái phiếu để tăng cường nguồn lực tài chính, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu về khí hậu và ESG”, hai giáo sư Ulrich Volz và Thomas Marois thuộc Đại học London phát biểu tại hội thảo ở Hà Nội.
Như vậy, các ngân hàng thương mại quốc doanh đóng vai trò chính trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế khí phát thải thấp, chống chịu với biến đổi khí hậu.
Doanh nghiệp Việt Nam chậm một bước
Lý thuyết là vậy. Nhưng doanh nghiệp Việt đang chậm một bước hay lệch một pha so với các doanh nghiệp quốc tế hay các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam.
Sự kiện một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khai trương nhà máy nhiệt điện than với vốn đầu tư lên đến 2 tỉ đô la Mỹ từ một ngân hàng quốc doanh lớn của Việt Nam trong tháng 7 vừa rồi làm nhiều người băn khoăn về lộ trình của Việt Nam.
Rất nhiều ngân hàng nước ngoài trước đó đã dừng cấp vốn mới và rút khỏi nhiều dự án nhiệt điện than tại Việt Nam. Như tập đoàn đa ngành Mitsubishi của Nhật Bản rút khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 tại Bình Thuận và chuyển sang các dự án ít gây ô nhiễm hơn như khí hỏa lỏng hay năng lượng tái tạo trong năm 2021. Hay xa hơn, Ngân hàng StandardChartered rút khỏi việc tài trợ hơn 7 tỉ đô la cho các dự án Vũng Áng 2 và Vĩnh Tân 3 ở Việt Nam, Java 9 và Java 10 ở Indonesia. Ngân hàng Credit Suises của Thụy Sỹ, DBS của Singapore và HSBC cũng rút nguồn vốn cho vay đối với các dự án điện than ở Đông Nam Á trong hai năm 2019-2020.
Các ngân hàng trên khi chuyển nguồn vốn ra khỏi các dự án ô nhiễm, liền dồn sức vào các khoản vay xanh.
Quay lại chuyện nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL. Tại sao các ngân hàng nước ngoài có thể nhanh chóng dừng cho vay với các dự án năng lượng “bẩn”?
Các tập đoàn tài chính ngân hàng hay công nghệ nước ngoài khi đưa ra cam kết hay chương trình quy chuẩn ESG thì nhất nhất tuân theo. Chẳng hạn như Grab hay Gojek khi đưa ra các cam kết ESG với lộ trình thay dần xe xăng bằng xe chạy bằng điện. Họ hợp tác với các hãng xe điện và đặt ra các cột mốc 2025, 2030 và 2050 để giảm dần và tiến tới mức phát thải bằng 0.
“Các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ dừng ở mức độ thể hiện trách nhiệm xã hội (CSR), mà phần lớn là các chương trình từ thiện hay phúc lợi cho nhân viên mà thôi. CSR là những gì doanh nghiệp phải có trách nhiệm, nhưng lại không có các chuẩn mực. Trong khi đó, các tiêu chuẩn ESG lại là thước đo nỗ lực của doanh nghiệp với các chuẩn mực rõ ràng về môi trường, xã hội và quản trị”, đại diện một tập đoàn tài chính EU phát biểu.
Vị này cũng nói rằng tập đoàn mình công bố các quy chuẩn ESG vào tháng 10-2021 và luôn áp dụng các quy chuẩn này trong cho vay có trách nhiệm và các mục tiêu bền vững.
Qua ải với các chuẩn mực ESG
Các hãng hàng không châu Á và toàn cầu đang bắt đầu làm quen với nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) – loại xăng máy bay chế biến từ dầu ăn thải ra và các loại phụ phẩm nông nghiệp. EU đặt ra mục tiêu sử dụng SAF 2% vào năm 2025 và 5% vào năm 2030 cho các chuyến bay xuất phát từ các sân bay EU. Có nghĩa là các hãng hàng không ngoài EU cũng buộc phải “xanh hóa” mới được bay đến châu Âu. Nhưng đến giờ, sáu hãng hàng không Việt Nam với 230 máy bay chưa có động tĩnh gì.
Sử dụng SAF có nghĩa là giá vé tăng. Hãng All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản “đẩy” bớt phần nào chi phí gia tăng cho hành khách thông qua chương trình riêng của hãng. Theo đó, các doanh nghiệp mua vé của ANA để đi công tác hay các mục đích khác sẽ chịu một phần chi phí SAF và nhận được chứng chỉ “đã góp phần vào giảm phát thải CO2”. Hãng sẽ tính toán lượng khí thải đã giảm trên thực tế dựa vào số dặm bay của nhân viên, sau đó cấp các chứng nhận mà doanh nghiệp có thể công bố với nhà đầu tư.
Trong khi đó, Singapore Airlines sẽ cấp số điểm tín dụng (carbon credit) tương đương với lượng khí thải được giảm thiểu do sử dụng SAF và bán số điểm này cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm, nhưng chưa có các biện pháp cải thiện. Cách này giúp SIA “gỡ gạc” phần nào chi phí khi giá loại nhiên liệu mới vẫn còn cao. Dự kiến, một thị trường tín dụng carbon mới sẽ hình thành từ đầu năm tới với các chương trình của Singapore Airlines.
Tập đoàn SCG của Thái Lan khi đầu tư hay thâu tóm các doanh nghiệp ngành xi măng, nhựa, bao bì và giấy như Hóa dầu Long Sơn, Bao bì Biên Hòa, Nhựa Duy Tân… tại Việt Nam đều chuẩn bị các kịch bản về phát triển bền vững và quản trị rõ ràng. Tại hội nghị ESG toàn cầu tổ chức trực tuyến và tại chỗ ở Bangkok (Thái Lan), SCG nói “rất tự hào với các mục tiêu xử lý chất thải, tái chế tại các đơn vị tại Việt Nam”.
Khi công bố đầu tư thêm 829 triệu đô la Mỹ mở rộng mạng lưới bán lẻ tại Việt Nam, tập đoàn Central Group của Thái Lan nói các chương trình phân tích dữ liệu của các siêu thị giúp nông dân Thái Lan và Việt Nam biết được các loại nông sản nào đem lại lợi nhuận nhất và biết cách tối đa hóa. Chương trình tại Việt Nam giúp nông dân kiếm thêm 2 triệu baht, tức 1,3 tỉ đồng. Dù chỉ bằng một phần rất nhỏ – tỷ lệ hơn 1/1.000 – so với con số 1,5 tỉ baht lợi nhuận cho nông dân tại Thái Lan, con số 1,3 tỉ đồng là điểm son về mục tiêu ESG mà Central Group báo cáo với nhà đầu tư và cổ đông.
Các mục tiêu xanh vốn đã khó “nhằn” với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam lại càng là “những ngọn núi hiểm trở” – theo lời đại diện tập đoàn tài chính từ EU. Bởi các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ ở Việt Nam không có tài sản thế chấp, không có lịch sử tín dụng, sổ sách không khoa học.
Không thể né tránh các mục tiêu xanh, nhưng liệu có lối ra?
Câu chuyện quỹ đầu tư Beacon Fund – một quỹ đầu tư chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo tài trợ – chọn công ty sản xuất gạo hữu cơ Hoa Nắng Organic ở Bến Tre để đầu tư là một gợi mở. Với hơn 100 nông hộ liên kết, Hoa Nắng Organic có năm lời năm lỗ, nhưng không có tài sản cố định để vay thế chấp. Song Hoa Nắng Organic tạo ra công ăn việc làm, có chính sách đào tạo nữ lãnh đạo… Những tiêu chuẩn ESG này vô tình lại là “tài sản thế chấp mới” của công ty trong nhiều lĩnh vực. Cũng với “lợi thế” này, Hoa Nắng Organic đã giành được hợp đồng cung ứng gạo và rơm hữu cơ cho một tập đoàn sữa lớn của Việt Nam.
Hay câu chuyện người dân EU và các nước quan tâm đến biến đổi khí hậu có thể góp sức chống biến đổi khí hậu thông qua nền tảng gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) Ecoligo của Đức. Với ít nhất 100 euro, họ có thể bỏ vốn vào Ecoligo để công ty đầu tư các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam và các nước khác.
Có lẽ mỗi hộ gia đình tại Việt Nam đều quan tâm đến lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời. Lắp cho hộ gia đình sử dụng khoảng từ 1 triệu đồng tiền điện mỗi tháng thì dễ, bởi đó là lắp đặt tại nhà riêng. Người dân ở các khu chung cư đồng thuận góp tiền qua một sàn crowdfunding như Ecoligo để vừa làm nhà đầu tư có lợi suất hàng năm rõ ràng, vừa được mua điện trở lại với giá rẻ và vừa góp phần bảo vệ môi sinh.
Thị trường đầu tư cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ có thêm phân khúc mới và hướng phát triển mới với hàng chục ngàn nhà đầu tư người Việt.
Theo Ngân hàng Nhà nước, khoảng 12 ngân hàng thương mại đã có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị. Đến 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và đã giải ngân được các dự án tín dụng xanh. Các ngân hàng thương mại đi đầu trong tín dụng xanh thời gian qua có thể kể đến như Agribank,Vietcombank, Bắc Á Bank, HDBank, Nam Á Bank…
Mục tiêu đối với ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được bộ quy tắc về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.