Lòng thơm tho như một chiếc bánh mì!

(KTSG) – Tôi đã quá quen với quãng đường từ nhà tới viện, từ cổng viện vào tới khoa nhi. Khoa nhi bên giường bệnh được bảo hiểm chi trả là khu nhà ba tầng cũ, đi bằng thang bộ. Đến chiếu nghỉ cầu thang tầng hai nhìn qua cửa kính sẽ thấy phía dưới là bãi đất bỏ hoang cây cối um tùm, ao tù nước đọng. Những đứa trẻ hay quấy khóc thường được bế ra nhìn xuống đó ngó con chim con cò để dỗ dành bón từng thìa cháo.

Mùa này, chiếc ghế dài bên ngoài hành lang luôn đông nghịt bệnh nhân chờ khám, chờ tiêm. Thời tiết miền Bắc lúc giao mùa thật đáng sợ. Người lớn, trẻ con thi nhau ốm. Cúm A, cúm B, viêm họng, sốt xuất huyết… cứ lây lan từ người này sang người kia. Những tiếng khóc của trẻ ở khoa nhi đã thôi không còn trở thành nỗi ám ảnh trong tôi. Bởi ở đâu thì cũng phải tự tìm thấy niềm vui để đi qua những ngày gian khó. Cậu bác sĩ trẻ nhìn tôi cười bảo: “Cháu lại phải vào viện đấy à?”.

Đây là cậu bác sĩ mà chắc hẳn người nhà bệnh nhân nào cũng yêu quý như tôi. Bởi dù có đông bệnh nhân, tiếng quấy khóc có ầm ĩ xung quanh thì cậu ấy vẫn luôn nhẹ nhàng và chu đáo với tất cả mọi người. Con đau ở đâu nào? Cháu ở nhà có sốt không bà? Đêm qua cháu còn ho nhiều không chị? Trời mùa này sáng sớm nhiều sương, anh nhớ đeo thêm tất, đội mũ vào cho cháu khi ra đường nhé. Tôi nghiệp! Chân lạnh ngắt rồi này. Bế con ra khỏi phòng khám tôi thấy nhẹ nhõm hơn nhiều sau khi được bác sĩ trấn an: “Chị cứ yên tâm. Cứ điều trị đúng phác đồ cháu sẽ khỏi thôi mà”.

Với bác sĩ thì ngày nào mà chẳng thấy bệnh nhân. Nhưng với người cha người mẹ thì những ngày con ốm mọi thứ thường trở nên tồi tệ. Người lo lắng khi con sốt đã mấy ngày không cắt cơn, cứ ăn vào lại trớ. Người hốt hoảng khi thấy đứa con bé bỏng chưa hơn tháng tuổi của mình bị tắc đờm khó thở, tím tái mặt mày. Người bất an khi điều trị mấy ngày mà bệnh con ngày càng có triệu chứng nặng hơn. Giống như tôi sáng nay thức dậy lo sợ khi thấy tự nhiên con đau đớn không thể nào đi đứng được.

Tâm trạng sẽ càng tệ hơn nếu gặp phải một bác sĩ mặt đăm đăm cau có, hơi tí là gắt gỏng. Không một lời động viên hay giải thích rõ để người nhà bệnh nhân được yên tâm. Ngoài việc vung bút kê nguệch ngoạc đơn thuốc bảo “phải dùng thêm thuốc ngoài, người nhà xuống dưới mua đi”. Đứng lui ra ngoài đi, chen chúc hết vào đây làm gì. Kẹp chân con vào đùi mình, đưa con đi khám bao nhiêu lần mà vẫn không biết cách. Ai bảo cho ra viện? Bác sĩ nào bảo hôm nay ra viện? Hôm nay tôi trực, ra viện được hay không còn phải khám. Khóc gì khóc lắm thế, chị này không biết dỗ con à?

Tiếng lọ thuốc vứt xuống khay nhôm lạch cạch. Tiếng kéo ghế bực dọc của bác sĩ. Cộng thêm tiếng la khóc của những đứa trẻ bị chọc ven khiến không khí khoa nhi nghẹt thở. Trong khi cũng ở chính nơi này nhưng vào hôm trực của cậu bác sĩ trẻ hiền lành ấy thì mọi thứ tự nhiên sẽ trở nên dễ chịu hơn nhiều.

Sau một giấc ngủ dài, sáng ra lên mạng chúng ta thấy đâu đó những bản tin giật gân: vợ giết chồng, nhân tình giết nhau, người này giết người kia vì… ngứa mắt, vì tức nhau câu nói. Chưa bao giờ xã hội lại trở nên bất ổn đến thế.

Nhìn xa nhìn gần thấy biết bao bi kịch bắt nguồn từ việc con người không thể tiết chế được cảm xúc của mình. Khi gánh nặng kinh tế thời lạm phát đè lên vai, tâm lý con người càng trở nên bất ổn. Làm sao để đối xử được tử tế với nhau ngay cả lúc khó khăn mới là điều đáng quý.

Tôi nhớ thầy mình từng nói những ngày đau chỉ có mùi sách và mùi bánh mì là dễ chịu. Bởi khi đau ốm cơ thể chỉ thích nghi với những thứ dịu dàng. Buổi trưa ở khoa nhi những ngày cao điểm không ngớt tiếng trẻ con quấy khóc. Nhưng không ai thấy khó chịu vì ai.

Người mẹ trẻ sau khi cho con mình ngủ say đã chạy lại đỡ cháu bé từ tay bà cụ dỗ giùm. Ai đó nhờ nhau đi mua giùm cốc cháo, hộp xôi. Có anh chồng mang cơm trưa cho vợ còn tay xách nách mang theo chuối, bưởi vườn nhà chia cho cả phòng “ăn còn lấy sức chăm tụi nhỏ”.

Tôi ngắm con ngủ say sau cơn đau, kéo cửa sổ phòng bệnh nhìn cây lá lao xao trong nắng ấm. Lòng tự nhiên thèm nhẹ nhõm và thơm tho như một chiếc bánh mì…