(KTSG) – Nhà nước pháp quyền đã được ghi nhận như một giá trị tiến bộ của nhân loại vào Hiến pháp Việt Nam năm 2001; từ đó tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng được nâng cao theo tinh thần pháp chế.
Vượt qua pháp chế, tiến lên thêm một nấc thang mới, công lý được ghi nhận vào Hiến pháp. Tuy nhiên, khi bắt tay vào hiện thực hóa nhà nước pháp quyền và đi vào các nội dung thực chất của nó, thì ý niệm công lý gây không ít lúng túng cho các luật gia.
Công lý là gì?
Dùng phương pháp socratic, tôi bắt đầu bài giảng nhà nước pháp quyền bằng việc đặt câu hỏi:
Bạn có biết đường thẳng không? Tất cả các sinh viên của tôi, cũng giống như mọi người, đều trả lời là biết.
Bạn hãy nêu định nghĩa đường thẳng là gì? Rắc rối bắt đầu từ đây, câu trả lời vô cùng đa dạng, ví dụ: đường thẳng là đường không cong hay đường thẳng là đường nối qua ba điểm thẳng hàng. Khi tiếp tục đặt câu hỏi: thế nào là không cong? Thế nào là thẳng hàng?… Tất cả đều đi vào bế tắc, vì tồn tại ý niệm (concept) về đường thẳng mà không tồn tại định nghĩa về đường thẳng.
…Mở rộng quyền cho tòa án có thể nhân danh công lý, từ chối áp dụng các thông tư, nghị định, luật vi hiến, không phù hợp công lý cần trở thành trọng tâm của xây dựng nhà nước pháp quyền giai đoạn 2 ở Việt Nam.
Tôi tiếp tục dùng phương pháp socratic đặt câu hỏi về cái thước kẻ: Cái thước sinh ra để làm gì? Ai chế tạo thước? Điều gì xảy ra nếu thước bị lỗi?
Công lý là một ý niệm tương tự như ý niệm về đường thẳng, về điểm trong toán học. Mối quan hệ giữa pháp luật, pháp chế với công lý, nhà nước pháp quyền hoàn toàn tương tự mối quan hệ giữa thước kẻ và đường thẳng.
Cái mà chúng ta cần hướng tới là đường thẳng, là công lý; luật pháp cũng như cái thước kẻ, là một công cụ để giúp chúng ta xác định, hướng tới, tiệm cận đường thẳng; nhưng tự thân cái thước kẻ không phải là đường thẳng. Luật pháp cũng vậy, là một loại quy tắc hình thành nên bởi con người, để điều chỉnh hành vi giữa con người với nhau; mà đã là con người thì sẽ có sai sót (human is error) với đầy định kiến, cảm tính, lợi ích thiên vị.
Chủ nghĩa pháp trị, pháp chế không đặt ra hoặc không muốn thừa nhận hoặc không muốn giải quyết tình huống “thước kẻ bị lỗi”. Nên đặt ra khẩu hiệu điển hình: “Luật là luật, mệnh lệnh là mệnh lệnh. Nếu sai xem lại điều 1”.
Khác với nhà nước của vua, của giai cấp, nhà nước của dân, do dân, vì dân thì pháp luật không có mục đích tự thân, mà nó chỉ là công cụ để giúp nhân dân đạt được công lý, tự do, ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, hai mệnh đề trên cần được viết lại khi xây dựng nhà nước pháp quyền:
“Luật là luật, mệnh lệnh là mệnh lệnh.
Nếu việc áp dụng luật, tuân thủ mệnh lệnh không còn phù hợp, không mang lại công lý, tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân thì việc áp dụng luật trong trường hợp cụ thể đó không còn cần thiết”.
Ai được trao quyền nhân danh công lý?
Công lý là mục tiêu, pháp luật là công cụ. Nhưng ai cũng có thể tự mình nhân danh công lý, để từ chối tuân thủ pháp luật thì xã hội sẽ ngay lập tức loạn lạc; mục tiêu thành lập nhà nước, mục tiêu bầu ra cơ quan lập pháp ngay lập tức không đạt được.
Bởi vậy, chỉ khi, chỉ trong một bối cảnh cụ thể việc áp dụng văn bản pháp luật hiện có không đủ tạo ra công bằng trong một tình huống mới phát sinh; hoặc việc áp dụng văn bản pháp luật lạc hậu sẽ tạo ra một hệ quả rõ ràng là đi ngược lại công lý, trừ trường hợp có thể gây ra hậu quả không thể đảo ngược, thì việc đầu tiên của mọi công dân là tuân thủ pháp luật và thực hiện quyền khiếu kiện sau đó.
Để đánh giá tính hợp hiến, nhân danh công lý để đánh giá một vụ việc cụ thể, không ai có thể làm tốt hơn tòa án. Bởi thiết chế này được thiết kế ra nhằm bảo đảm sự độc lập trong xét xử; chịu tác động của yếu tố dân túy ít nhất; là bên ít liên quan nhất về mặt chính trị, lợi ích công tác trong đánh giá “thước kẻ có bị lỗi” hay không.
Cũng bởi lý do đó, tòa án được coi là “túi khôn thiên hạ”; bởi vậy trở thành chính trị gia chỉ cần đòi hỏi về độ tuổi, quốc tịch, sự trung thành; nhưng trở thành thẩm phán thì bắt buộc phải có trình độ cử nhân, và phải đúng chuyên ngành: cử nhân pháp lý.
Bởi vậy, đổi mới quy trình, nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán; tạo ra các bảo đảm về lương, về độ dài nhiệm kỳ, về hạn chế luân chuyển trái ý muốn của thẩm phán; mở rộng quyền cho tòa án có thể nhân danh công lý, từ chối áp dụng các thông tư, nghị định, luật vi hiến, không phù hợp công lý cần trở thành trọng tâm của xây dựng nhà nước pháp quyền giai đoạn 2 ở Việt Nam.
(*) Hiệu trưởng GDU, Trọng tài viên VIAC