(KTSG) – Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã ban hành khung pháp lý về việc miễn trách nhiệm cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet trước hành vi xâm phạm quyền tác giả của người dùng. Đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ quy định kể trên chính là mạng xã hội, nơi tiếp nhận lượng nội dung sáng tạo khổng lồ.
Mạng xã hội được biết đến rộng rãi nhất ngày nay là Facebook, Twitter, Instagram, đồng thời bao gồm luôn cả các nền tảng chia sẻ video như YouTube, TikTok… Sàn giao dịch thương mại điện tử ở khía cạnh nào đó cũng có thể được xem là một dạng mạng xã hội. Tuy nhiên, loại nền tảng này không được hưởng lợi nhiều từ quy định miễn trừ trách nhiệm, bởi quy định đó chỉ áp dụng đối với quyền tác giả thể hiện dưới dạng kỹ thuật số, chứ không áp dụng với hàng hóa thông thường, cũng như các chỉ dẫn thương mại gắn liền với nó.
Để được miễn trách nhiệm
Để được hưởng quyền lợi miễn trừ trách nhiệm này, doanh nghiệp cần đáp ứng nhiều điều kiện kèm theo(1). Trước hết, trong mọi hoàn cảnh, doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp kỹ thuật, cũng như phối hợp với cơ quan chức năng, chủ thể quyền để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Đối với các loại hình trung gian phức tạp như mạng xã hội, doanh nghiệp chỉ được miễn trách nhiệm khi không biết rằng nội dung số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Mặt khác, doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng để gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy cập đến nội dung số khi biết được có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả thông qua tự xác minh hay do người dùng khiếu nại.
Nghĩa vụ nói trên nghe chừng đơn giản nhưng để thực hiện đầy đủ cũng là một bài toán khó trước khối lượng thông tin khổng lồ được truyền đi trong khoảng thời gian tính bằng phần trăm giây, trừ những mạng xã hội hàng đầu.
Chuyện nhỏ đối với Facebook, YouTube
Gọi là chuyển nhỏ bởi các nền tảng mạng xã hội hàng đầu như YouTube hay Facebook từ lâu đã thiết lập đầy đủ công cụ kỹ thuật cần thiết để hỗ trợ thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nội dung sáng tạo của người dùng.
YouTube rất nổi tiếng với chính sách bản quyền nghiêm ngặt của mình, mà Việt Nam thường xuyên lọt vào danh sách các quốc gia bị gỡ bỏ video nhiều nhất. Một số streamer trên YouTube đình đám nhất Việt Nam như Độ Mixi, Pewpew đều nhận “trái đắng” từ nền tảng này. Thậm chí, kênh YouTube 3,6 triệu lượt theo dõi của Pewpew đã bị tắt chức năng kiếm tiền sau hai lần bị khiếu nại về bản quyền. Tương tự YouTube, Facebook cũng thực thi vấn đề quyền tác giả vô cùng khắt khe, vì thế mà người dùng Việt Nam không còn lạ gì việc các video đăng tải lên bị tắt âm thanh bởi lý do này.
Chuyện lớn đối với mạng xã hội nhỏ
Trong nỗ lực hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam cũng tự mình phát triển các nền tảng mạng xã hội dành cho người Việt Nam. Dù tất nhiên chưa thể so sánh với Facebook, Instagram… nhưng một số cái tên như Zalo, Gapo, Lotus cũng đã đạt được lượng người dùng nhất định. Dạo qua các mạng xã hội này, dễ dàng bắt gặp những nội dung chia sẻ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả.
Bản thân người viết cũng đã từng có trải nghiệm không lấy gì làm tự hào với một mạng xã hội Việt khi truy cập vào đó để xem… bóng đá “lậu”. Tại sao lại là một mạng xã hội Việt Nam chứ không phải Facebook hay YouTube nơi có lượng người truy cập gấp nhiều lần? Bởi các video vi phạm bản quyền nghiêm trọng kiểu này có lẽ không tồn tại được quá 10 phút trên các nền tảng lớn đó.
Có nhiều cách để lý giải cho thực trạng trên của các mạng xã hội Việt Nam. Trước hết, phải kể đến yếu tố kỹ thuật, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian của Việt Nam khó có nhiều nguồn lực và trình độ để thực hiện việc tầm soát tự động nội dung vi phạm. Đồng thời, từ góc độ chủ quan, có lẽ mạng xã hội Việt Nam chưa đầu tư đúng mức cho vấn đề này khi mà lượng người dùng của họ còn quá ít nên chưa bị “dòm ngó”. Thậm chí nếu suy diễn theo khía cạnh tiêu cực hơn, chúng ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi có hay không việc họ chủ ý để tình trạng vi phạm bản quyền này diễn ra nhằm lôi kéo nhiều người dùng hơn.
Mặc dù trong điều khoản sử dụng của các mạng xã hội Việt Nam đều quy định về việc người dùng phải chịu toàn bộ trách nhiệm về nội dung chia sẻ. Nhưng nếu như các đơn vị này không nỗ lực để xử lý tình trạng vi phạm quyền tác giả, họ sẽ không được hưởng cơ chế miễn trách nhiệm pháp lý. Như vậy, trước một quy định mới mang lại nhiều quyền lợi cho nền tảng dịch vụ trung gian, doanh nghiệp Việt Nam lại có nguy cơ đánh mất lợi thế ngay trên sân nhà.
(1) Điểm c, khoản 3, điều 198, Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.